Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn thăm Bắc Kinh
Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, Bắc Kinh không muốn đón tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước thềm Đại hội lần thứ 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn sang thăm Trung Quốc. Ảnh globalpost.com |
Có tin nói Bắc Kinh đã khước từ đề nghị của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) về chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, lấy lý do đang bận rộn chuẩn bị cho Đại hội đảng khai mạc vào ngày 8/11/2012. Tuy nhiên, người ta nghi ngờ về tính chân thực của tin này và cho rằng đây là một mưu toan mới nhằm gây chia rẽ mối quan hệ đồng minh Trung-Triều. Đây không phải là mưu toan đầu tiên với mục đích như vậy. Đặc biệt, ngay sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền, trong mạng thông tin xuất hiện "Di chúc chính trị" của cha ông.
Trong "di chúc" này, dường như cố Chủ tịch Kim Jong Il khuyến khích con trai xa rời các mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc trước đây để củng cố hình ảnh của mình và chế độ ở miền Bắc Triều Tiên. Chuyên gia Viện Viễn Đông Jacov Berger nhận định: “Những nỗ lực nhằm chia rẽ hai nước sẽ không có mấy kết quả. Trung Quốc và Triều Tiên sẽ tìm được giải pháp thỏa thuận với nhau.”
Những tin đồn về chuyến thăm đầu tiên của Kim Jong-un đã xuất hiện từ hồi tháng Tám, nhân chuyến thăm Bình Nhưỡng của Trưởng ban đối ngoại Trung ương ĐCS Trung Quốc Vương Gia Thụy. Ai cũng biết rằng ông này là người chuẩn bị tất cả các chuyến thăm Trung Quốc của Kim Jong-il, cha đẻ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên hiện nay. Những lời đồn đại càng tăng lên sau cuộc gặp hồi cuối tháng 8/2012 giữa Chang Song-thek (ông chú rể kiêm cố vấn của Kim Jong-un) với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Dường như Chang Song-thek đã chuyển đến nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un mong muốn đến thăm Trung Quốc.
Không thể loại trừ việc Bắc Kinh đang chuẩn bị cho chuyến thăm của Kim Jong-un. Nhưng Trung Quốc hiện đang chuẩn bị chuyển giao quyền lực và điều đó có thể dẫn đến thay đổi kế hoạch.
Ngay cả vị thế của Trung Quốc với tư cách là "người anh cả" của Bắc Triều Tiên dường như không thể làm cho những người thực dụng trong ban lãnh đạo đảng hài lòng một cách hoàn toàn. Chính nhờ nỗ lực của những người này mà trong những năm gần đây Trung Quốc đã chuyển sang quan hệ kinh tế thị trường với các đối tác láng giềng gần gũi nhất. Vì vậy, có thể Kim Jong-un đã được yêu cầu cải cách mô hình hợp tác giữa hai nước.
Vị trí của "người anh cả" ngày càng trở nên dễ bị tổn thương bởi vì Bắc Kinh không thể thuyết phục Bình Nhưỡng xem xét lại chính sách hạt nhân. Điều đó đã phủ bóng đen lên uy tín quốc tế của Trung Quốc.
Theo Đất Việt