Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kim Dung ảnh hưởng đến tỷ phú Jack Ma như thế nào?

Kết bạn với Kim Dung từ khi mới khởi nghiệp, tỷ phú Jack Ma đã đưa văn hóa võ hiệp của nhà văn vào triết lý văn hóa doanh nghiệp của mình.

Nhiều người biết rằng ông chủ tập đoàn thương mại điện tử nổi tiếng thế giới Alibaba, tỷ phú người Trung Quốc Mã Vân (Jack Ma) rất mê truyện kiếm hiệp của Kim Dung.

Nhưng ít người biết rằng, khi vừa thành lập Alibaba mới được 1 năm, Jack Ma đã liều lĩnh mời Kim Dung từ Hong Kong sang dự sự kiện "Tây Hồ luận kiếm" ở Hàng Châu tháng 9 năm 2000, và bất ngờ được nhà văn nổi tiếng nhận lời.

"Tây Hồ luận kiếm" là đại hội quy tụ các doanh nghiệp Internet lớn nhất Trung Quốc lần đầu tiên được tổ chức. Sau khi sự bạo dạn của Jack Ma được đền đáp, sự có mặt của Kim Dung, với danh tiếng nổi bật của ông, đã thu hút rất nhiều lãnh đạo các công ty Internet, kinh doanh trực tuyến của Trung Quốc đã tham dự, từ My8848, Netease, Sohu, Sina, đến các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc. Sự kiện cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của giới truyền thông.

Thành công của đại hội khiến sự kiện còn được tổ chức thường niên đến năm 2005, rồi cách quãng đến năm 2010. Cũng nhờ thành công này mà tên tuổi của Jack Ma và Alibaba cũng được đông đảo công chúng biết đến.

Giới truyền thông Trung Quốc đánh giá, sau "Tây Hồ luận kiếm", Jack Ma được tôn làm một trong các chưởng môn của "ngũ đại môn phái" trong giới Internet Trung Quốc. Cũng từ đó Jack Ma hình thành tình bạn vong niên gắn bó với nhà văn Kim Dung.

Ở sự kiện "Tây Hồ luận kiếm" lần thứ nhất, Kim Dung đã dùng bút lông viết một bức thư pháp tặng Jack Ma, nội dung như sau: "Khéo dùng người tài là yếu lĩnh của các lãnh tụ lớn, Lưu Bang, Lưu Bị nhờ vào đó mới lập nên đại nghiệp, mong anh Mã Vân hãy cố gắng". Bức thư pháp này được Jack Ma hết sức quý trọng.

Kim Dung,  kiem hiep,  vo lam,  Jack Ma,  Tieu ngao giang ho,  thien long bat bo anh 1
Không chỉ là bạn vong niên, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung còn ảnh hưởng sâu sắc đến triết ký kinh doanh trong doanh nghiệp của tỷ phú Jack Ma.

Trong cuốn Tôi là Jack Ma do thư ký của vị tỷ phú là Trần Vỹ viết, có kể rằng Jack Ma thường gọi nhà văn là "Tra đại hiệp". Jack Ma đã nhiều lần mời Kim Dung cùng các nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng đến nhà riêng ăn cơm và thưởng thức tài nấu nướng của các đầu bếp nhà "bà chủ Trương Anh".

Jack Ma đã nhiều lần bộc lộ niềm đam mê cháy bỏng với võ thuật và tiểu thuyết Kim Dung. Ông từng kể: "Tất cả các bộ kiếm hiệp của Kim Dung tôi đều đọc không chỉ một lần. Mơ ước thời nhỏ của tôi là trở thành cao thủ võ lâm".

Đam mê truyện kiếm hiệp Kim Dung đã được Jack Ma đưa vào trong văn hóa doanh nghiệp của tập đoàn Alibaba và các đơn vị thành viên. Đầu tiên, trên mạng mua sắm trực tuyến Taobao do Alibaba thành lập, Jack Ma lấy biệt danh (nickname) là Phong Thanh Dương, nhân vật trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Thậm chí ông còn bày tỏ mơ ước được đóng vai Phong Thanh Dương trong phim Tiếu ngạo giang hồ.

Dù mơ ước này chưa được thực hiện, thì trong bộ phim điện ảnh ngắn Không thủ đạo mà Jack Ma sản xuất và đóng vai chính cùng các ngôi sao Hồng Kim Bảo, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh… năm 2017, chính Jack đã hát ca khúc chính của phim mang tên Phong Thanh Dương cùng danh ca Vương Phi.

Trong tập đoàn Alibaba, các nhân viên đều có biệt danh và nếu một nhân viên có biệt danh đặt theo tên một cao thủ võ lâm thì anh ta phải là một nhân viên gạo cội. Như CEO Lục Triệu Hy có biệt danh Thiết Mộc Chân, CRO Thiệu Hiểu Phong là Quách Tĩnh, Ngô Vĩnh Danh là Đông Tà (các nhân vật trong Anh hùng xạ điêu)...

Đặt chân vào công ty của Jack Ma như bước vào thánh địa võ lâm. Văn phòng công ty được gọi là Đảo Đào Hoa (nơi ở của Hoàng Dược Sư), phòng họp là Đỉnh Quang Minh (địa danh trong Ỷ Thiên Đồ Long ký), nhà vệ sinh được đặt tên Thính Vũ hiên (Hiên nghe mưa) và Quan bộc đình (Đình ngắm thác).

Jack Ma cũng chơi thân với đạo diễn Trương Kỷ Trung, người thực hiện hàng loạt bộ phim kiếm hiệp thành công chuyển thể từ tiểu thuyết của Kim Dung như Tiếu ngạo giang hồ (2001), Anh hùng xạ điêu, Thiên Long bát bộ (2003), Thần điêu hiệp lữ (2006), Bích huyết kiếm (2007), Lộc Đỉnh ký (2008), Ỷ Thiên Đồ Long ký (2009).

Theo sách Tôi là Jack Ma, Trần Vỹ kể rằng Jack Ma chính là người gợi ý cho Trương Kỷ Trung thực hiện phim kiếm hiệp dựa theo tiểu thuyết Kim Dung. Đạo diễn Trương ban đầu ngần ngại vì đài TVB của Hong Kong từng dựng nhiều tác phẩm và gây tiếng vang lớn.

Jack Ma đã động viên đạo diễn: "Nếu làm tốt chắc chắn sẽ khuấy động và tạo cơn sốt". Hai người thảo luận nếu làm phim thì nên chuyển thể truyện Tiếu ngạo giang hồ trước. Kết quả, năm 2001, phim Tiếu ngạo giang hồ do Trương Kỷ Trung sản xuất, cặp đôi Lý Á Bằng - Hứa Tình đóng chính đã tạo cơn sốt ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á, dẫn tới việc ra đời những bộ phim tiếp theo dưới bàn tay đạo diễn và sau đó là tổ chức sản xuất của Trương Kỷ Trung.

Jack Ma đã được Trương Kỷ Trung tặng cho hai thanh kiếm đạo cụ để quay phim, tên là kiếm Long Tuyền. Theo Trần Vỹ, do mê kiếm hiệp, đi đâu Jack Ma cũng mang kiếm theo. Thỉnh thoảng, ông còn vung kiếm chém loang loáng, đi đi lại lại trong công ty. Do đó, trợ lý Trần đùa gọi ông là dân giang hồ "ăn cơm tay cũng không rời vũ khí".

Jack Ma từng nói triết lý công ty của ông đi theo tinh thần của "Lục mạch Thần kiếm" - môn võ công vô địch xuất hiện trong tiểu thuyết Thiên Long bát bộ của Kim Dung.

"Tôi yêu thích, học hỏi tiểu thuyết kiếm hiệp ở sự lãng mạn, tinh thần nghĩa hiệp", Jack Ma từng chia sẻ.

Nhà văn Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Ông sinh ra trong một gia tộc có bề dày thành tích khoa bảng với ông cố là nhà thơ nổi tiếng còn ông nội là tri huyện Đan Dương ở tỉnh Giang Tô.

Ông được mệnh danh "Võ lâm minh chủ", là nhà văn nổi tiếng nhất trong dòng tiểu thuyết kiếm hiệp. Nhà văn 94 tuổi là tác giả của các tác phẩm Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, Lộc đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ...

Với những đóng góp to lớn cho nền văn học Trung Quốc, nhà văn Kim Dung được coi là một trong những nhà báo, nhà văn và nhân vật mang tầm ảnh hưởng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc.


Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm