Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Kiến nghị Bộ Quốc phòng tẩy độc quanh Công ty Rạng Đông'

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói phạm vi vùng có nguy cơ trong khoảng cách 500 m tính từ hàng rào nhà máy Rạng Đông. Bộ TNMT đã kiến nghị Bộ Quốc phòng tẩy độc khu vực này.

Chiều 4/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8. Buổi họp báo diễn ra ngay sau khi Chính phủ họp thường kỳ tháng 8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cả ngày.

hop bao chinh phu thang 8 anh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Hiếu Công.
  • Báo cáo cấp có thẩm quyền “trách nhiệm nêu gương” của bà Hồ Thị Cẩm Đào

    Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời vụ việc Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng Hồ Thị Cẩm Đào tổ chức đám cưới hoành tráng cho con trai, có nhiều xe biển xanh đến dự. Ông Thăng cho biết tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, Bộ Nội vụ đã trao đổi với báo chí về việc này theo tinh thần thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đặc biệt là Chỉ thị 13 của Thủ tướng về việc tăng cường, quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, trong đó có xe công.

    Ngay sau cuộc họp đó, ngày 2/8, Bộ Nội vụ có văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu báo cáo về vụ việc.

    “Nhưng đến thời điểm này Bộ Nội vụ chưa nhận được báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng”, ông Thăng khẳng định, dù trước đó lãnh đạo Sóc Trăng cho biết đã gửi báo cáo về vụ việc cho Bộ Nội vụ.

    Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết thêm vừa rồi báo chí dẫn ý kiến Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Sóc Trăng nói Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã xem xét kỷ luật và chỉ rút kinh nghiệm với những cán bộ dùng xe biển xanh đi dự đám cưới. Tuy nhiên, Thứ trưởng Thăng nhấn mạnh khi nhận được báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, theo thẩm quyền quản lý cán bộ, Bộ Nội vụ sẽ có trách nhiệm phối hợp trao đổi với Ban Dân vận Trung ương và các cơ quan Đảng, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội để xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo đúng quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương cũng như việc sử dụng tài sản công.

  • Vì sao ông Nguyễn Bắc Son không được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt?

    Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an tiếp tục trả lời một số câu hỏi liên quan đến ngành. Về vụ án xảy ra tại ĐH Đông Đô, ông Ngọc cho biết cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án và khởi tố với 5 bị can. Hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành các biện pháp điều tra và sẽ kết luận công khai.

    “Vụ AVG vì sao ông Nguyễn Bắc Son không được áp dụng chính sách hình sự đặc biệt? Chính sách này như thế nào? Đường đi của hơn 6 triệu USD mà các vị quan chức đã nhận?”, một số câu hỏi liên quan đến thương vụ MobiFone mua AVG tiếp tục được đặt ra cho đại diện Bộ Công an. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc nhắc lại cơ quan điều tra Bộ Công an ngày 31/8 đã có kết luận điều tra vụ án, và báo chí đã đăng tải khá đầy đủ thông tin.

    Về chính sách đặc biệt cho những người khai báo thành khẩn, tướng Ngọc nhấn mạnh chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam rất cụ thể nhằm ghi nhận sự hợp tác tích cực của những người có hành vi phạm luật với cơ quan điều tra và pháp luật trong khai báo, khắc phục hậu quả.

    “Đây là chính sách ưu việt mà chúng tôi kiến nghị áp dụng đối với những người khai báo thành khẩn”, ông Ngọc nói và khẳng định Bộ Công an đã điều tra toàn diện vụ án, kết quả đến đâu kết luận đến đó.

  • Tỷ lệ thi hành án dân sự ở địa phương rất thấp

    Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi về việc thi hành án dân sự ở các địa phương rất thấp, trong khi Chính phủ luôn nhấn mạnh tất cả phải thượng tôn pháp luật. Người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh Chính phủ nhiệm kỳ này luôn đặt quyết tâm hướng tới Chính phủ kiến tạo, hành động, trong mục tiêu ấy có việc phải thượng tôn pháp luật, các thành viên Chính phủ phải luôn gương mẫu.

    “Nếu chúng ta nói thi hành án thấp có thượng tôn pháp luật không thì tôi khẳng định vẫn thượng tôn pháp luật”, ông Dũng nói. Theo ông, trong những vụ án tham nhũng lớn hầu hết phạm tội trong thời gian quá dài, các đối tượng trong vụ án đó đã chuyển đổi tài sản nên thu hồi rất khó. Liên quan đến thi hành án dân sự, ông Dũng cho biết ở địa phương tranh chấp đất đai vô cùng nhiều và tinh thần phải giải quyết là không để sót tội phạm nhưng không để xảy ra oan sai, trong khi nguồn gốc đất đai, tranh chấp như thế nào về pháp lý không kết luận ngay được.

    “Tỷ lệ án thi hành thấp là việc rất khách quan dù các địa phương và các cơ quan chức năng cũng rất quyết liệt. Dù tỷ lệ thi hành án thấp nhưng khẳng định chúng ta vẫn luôn thượng tôn pháp luật, không phải tỷ lệ thấp thì Chính phủ không thượng tôn pháp luật”, ông Dũng tái khẳng định.

  • Tại sao quy định về PPP chậm ban hành?

    Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung, Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Đối tác công tư (PPP) trong kỳ họp tháng 10 tới, dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). Ông Trung cho biết tuy còn những vấn đề tồn tại, nhưng các dự án PPP đang góp phần hoàn thiện kết cầu hạ tầng, phục vụ sự phát triển của đất nước.

    “Tuy nhiên, để hoàn thiện khung pháp lý, Chính phủ thấy rằng cần có quy định pháp lý về PPP cao hơn mức nghị định. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật này. Dự án PPP có quy mô vốn lớn, thời gan kéo dài nên cần có khung pháp lý ổn định kéo dài”, ông nói.

  • Vì sao chưa sửa chữa đường băng hư hỏng?

    Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời câu hỏi về sân bay Nội Bài lún nứt ở đường băng. Ông Đông cho biết trước đây khi chưa cổ phần hóa Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) thì từ 1/4/2016 trở về trước, tất cả công tác quản lý, khai thác, đầu tư, nâng cấp, cải tạo đường bay thuộc trách nhiệm của ACV trên cơ sở hạch toán. Nhưng sau cổ phần hóa từ 1/4/2016, do liên quan đến vấn đề an ninh, những khu bay như đường băng, đường lăn thuộc tài sản Nhà nước nên Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp.

    “Việc lập kế hoạch trung hạn 2016-2020 là thời gian giao thời và nguồn kinh phí khi đó rất khó khăn nên việc cải tạo này không nằm trong kế hoạch”, ông Đông thông tin. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, đến đầu 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 44 về quản lý tài sản hàng không, giao Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng phương án bàn giao tài sản hàng không. Tháng 7, Bộ GTVT trình Thủ tướng và vẫn kiến nghị giao ACV tài sản khu bay trong 2020-2025, sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu để có cơ chế lâu dài hơn theo hình thức nhượng quyền đối với khu bay này.

    Thứ trưởng Đông cho biết Bộ GTVT kiến nghị dùng nguồn vốn khác nhau như vốn Nhà nước, vốn tư nhân để khai thác khu bay hay nguồn vốn do ACV huy động. Tuy nhiên, trước mắt đề án chưa được phê duyệt, trong khi việc xuống cấp, hư hỏng cục bộ đường băng đã được phản ánh, hiện ACV vẫn quản lý, khai thác nên ACV vẫn đang sữa chữa, khắc phục để đảm bảo an toàn bay.

    hop bao chinh phu thang 8 anh 2

  • Vùng nguy cơ có khoảng cách 500 m từ nhà máy Rạng Đông

    Liên quan tới vụ cháy gây ô nhiễm môi trường ở Công ty Rạng Đông, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Võ Tuấn Nhân cho biết cơ quan này đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ ngành để thống nhất số liệu thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy.

    hop bao chinh phu thang 8 anh 3

    Ban đầu, theo số liệu báo cáo của Rạng Đông, nguồn thủy ngân có thể phát tán là khoảng 15,1 kg. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30 mmg thủy ngân để sản xuất 1 bóng đèn huỳnh quang, 8 mmg cho một bóng đèn compact, khối lượng thủy ngân phát tán là 23,2 kg.

    “Chúng tôi xác định 15,1-27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường”, ông Nhân nói. Ông Nhân cũng cho biết đã lấy mẫu nước, trầm tích xung quanh nhà máy và cho nhiều kết quả khác nhau. Ví dụ, giá trị nồng độ thủy ngân so với tiêu chuẩn của 1 trên 12 mẫu đã vượt tiêu chuẩn Việt Nam. Mẫu duy nhất vượt 1,3 lần nằm trên sông Tô Lịch, chỗ xả nước thải của công ty, cách nhà máy 1,5 km.

    Ngoài ra, 1/8 mẫu có giá trị vượt quy chuẩn 2,76 lần. Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy, vượt quy chuẩn tại điểm sông Tô Lịch. Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết các hóa chất gây ô nhiễm chủ yếu là thủy ngân, một số kim loại nặng. Các chất này phát tán vào không khí và môi tường xung quanh. Một phần vào nước, chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy.

    “Phạm vi vùng có nguy cơ trong khoảng cách 500 m tính từ hàng rào nhà máy bị cháy”, ông Nhân nói.

    Về giải pháp, Bộ TNMT cho biết trước hết đề nghị Công ty Rạng Đông cô lập, phủ bạt khu vực bị cháy, không để hơi thủy ngân phát tán ra môi trường. Ông đề nghị cần lưu giữ các chất tàn dư trong container để xử lý.

    “Kiến nghị Bộ Quốc phòng tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy. Tiếp tục thống kê hàng hóa bị cháy, xác định đúng số lượng thủy ngân. Ngoài ra, cần kiểm tra sức khỏe người dân, cán bộ công ty”, ông Nhân nói.

    hop bao chinh phu thang 8 anh 4


  • Trước câu hỏi về việc Bộ có xem xét đưa ra khỏi ngành với những cán bộ công an như đại úy Lê Thị Hiền sau vụ gây rối ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết Công an Hà Nội đã có quyết định kịp thời là tạm đình chỉ công tác, giao cho các đơn vị chức năng kiểm tra các hành vi để kết luận. Đúng sai thế nào sẽ xử lý theo đúng quy định.

  • Xỷ lý vụ Nhật Cường đúng người, đúng pháp luật

    Trả lời câu hỏi của Zing.vn về vụ việc bé trai tử vong ở trường quốc tế Gateway, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định cơ quan điều tra của Công an Hà Nội đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, phối hợp với các ban ngành, VKS điều tra theo đúng trình tự quy định của pháp luật. “Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ”, ông Ngọc nói.

    Với câu hỏi về sai phạm của thiếu tướng Đặng Hoàng Đa, nguyên Giám đốc Công an Sóc Trăng, ông Ngọc cho biết Bộ Công an đã nhận được các thông tin, đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ kiểm tra, xác minh thông tin đã nhận được để có câu trả lời. Nếu sai phạm, Bộ Công an sẽ xử lý theo quy định.

    Về tiến độ điều tra vụ Nhật Cường, hiện cơ quan điều tra Bộ Công an đang phối hợp với các cơ quan chức năng và VKS, hiện đã khởi tố với 3 tội danh, giờ đang điều tra. Ông Ngọc cam kết vụ án sẽ có các kết luận đảm bảo đúng người, đúng pháp luật để xử lý theo đúng quy định. 

    hop bao chinh phu thang 8 anh 5

  • Zing.vn đặt 3 câu hỏi tới tân Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc

    - Liên quan sự việc bé trai lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe buýt của trường quốc tế Gateway, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều tài khoản hàng ngày cung cấp những thông tin thiếu kiểm chứng, thậm chí có kẻ ghép ảnh cháu bé đã mất vào một học sinh khác phục vụ ý đồ riêng. Công an có nắm được những thông tin này và có chủ trương xử lý người tung tin sai sự thật thế nào?

    - Vừa qua báo chí phản ánh việc ông Đặng Hoàng Đa, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, lạm dụng quỹ sản xuất của đơn vị để chi cho tiếp khách, quà biếu khiến cán bộ bức xúc, gửi đơn thư nhiều nơi. Công an tỉnh Sóc Trăng kết luận ông Đa có sai phạm nhưng do ông Đa hiện là Cục phó Cục Xây dựng phong trào của Bộ Công an nên thẩm quyền xử lý không thuộc công an địa phương. Công an Sóc Trăng tháng 4/2019 đã có văn bản kiến nghị Bộ Công xem xét xử lý trường hợp này, xin lãnh đạo Bộ Công an thông tin việc xử lý đã được thực hiện đến đâu?

    - Xin Bộ Công an cung cấp thông tin cập nhật về tiến độ điều tra và xử lý vụ Nhật Cường?

  • “Thủ tướng yêu cầu chỉ bàn tiến, không bàn lùi”

    Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chỉ bàn tiến, không bàn lùi, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, từ đó nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo sự đồng thuận cao, vượt qua khó khăn, thách thức. Tinh thần năm nay phải hoàn thành, hoàn thành vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.

    Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện phương châm của Chính phủ là: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mức Quốc hội giao là 4%. Các bộ ngành, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.

  • Giải ngân đầu tư công chậm, nông nghiệp gặp khó

    Mở đầu họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin một số nội dung buổi họp thường kỳ Chính phủ. Ông nhắc lại nhận định của Thủ tướng cho rằng kinh tế thế giới dường như không còn chống đỡ được những tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các căng thẳng địa chính trị gây ra.

    Các nền kinh tế lớn đồng loạt suy yếu, đáng lo ngại. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đang gặp những vấn đề, khó khăn khác nhau.

    Trong bối cảnh có nhiều khó khăn như vậy, theo Thủ tướng, kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

    Tỷ giá ổn định trong bối cảnh đồng tiền của nhiều nước khu vực mất giá so với USD. Xuất khẩu tăng khá, xuất siêu ở mức kỷ lục, trên 3,4 tỷ USD. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

    Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ các bất cập, tồn tại trong chỉ đạo, điều hành như giải ngân đầu tư công còn chậm, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, nhất là sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến một bộ phận nhân dân bị ảnh hưởng. Nông nghiệp gặp khó khăn. Kết cấu hạ tầng giao thông còn là vấn đề nhức nhối.

    Thủ tướng nêu rõ, trong 4 tháng còn lại của năm 2019, cần tiếp tục phấn đấu để hoàn thành toàn diện, vượt mức, có những điểm bứt phá trong thực hiện kế hoạch năm 2019. Đồng thời, ông nhắc nhở không thể chủ quan, thúc đẩy các cấp, các ngành làm tốt hơn công việc được giao như thu hút đầu tư phát triển, quan tâm đời sống người dân trong mùa mưa bão...

Hoài Thu - Hiếu Công - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm