Bà Trương Thị Phượng, chủ cơ sở sản xuất khô cá sặc bổi ở ấp An Hòa, xã Khánh An, huyện An Phú (An Giang) cho biết, chuẩn bị cho nhu cầu thị trường Tết cuối năm, cơ sở phải sản xuất tất bật trước hơn 2 tháng mới đủ nguồn hàng cung ứng. Làng khô cá sặc bổi tại đây có hơn 20 cơ sở sản xuất với hàng trăm lao động. Nếu như dịp cuối năm, các cơ sở chỉ cung ứng vài tấn khô/tháng thì tháng giáp Tết Nguyên đán phải chuẩn bị vài chục tấn trở lên. Do vậy, mỗi cơ sở phải thuê từ 30 đến 50 lao động làm cá. |
Công việc làm loại khô cá sặc bổi này rất nhẹ nhàng nên, thu hút người dân tranh thủ thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập. Giờ hoạt động tất bật nhất tại các cơ sở này là từ 2h đến 8h và từ 17h đến 22h. |
Để cho ra một sản phẩm khô, công nhân phải thực hiện nhiều công đoạn như đánh vẩy, cắt đầu, lấy ruột, trứng…phơi khô. Việc làm cá được chia theo tổ, có thể là cả gia đình hoặc những người quen biết và làm ăn sản phẩm. Mỗi tổ có từ 5 đến 10 người. Mỗi tấn cá thành phẩm lao động được trả công từ 1,1 đến 1,2 triệu đồng. |
Chị Trương Thị Ngân, một công nhân làm khô ở ấp An Hòa, cho biết, bình quân mỗi tiếng làm cá một người có nguồn thu nhập trên 20.000 đồng. Do vậy với mỗi ngày làm việc từ 8 đến 10 tiếng sẽ có thu nhập 150.000-200.000 đồng. |
Còn theo chị Nguyễn Thị Hằng, nghề làm cá phơi khô đỡ vất vả hơn rất nhiều so với việc làm công nhân tại các công ty. "Vì nếu bận rộn việc gia đình mỗi ngày chỉ cần lại cơ sở làm 4- 5 tiếng đồng hồ là có nguồn thu nhập cả trăm nghìn đồng", chị nói. |
Thông thường loại khô này phơi 2 đến 3 nắng mới xuất bán ra thị trường. |
Hiện tại khô cá sặc bổi chia làm 2 loại để đầu và không để đầu. Sau khi làm sạch, cá được phơi từ 1 đến 2 nắng sẽ cho ra sản phẩm khô bán với giá từ 180.000 đến 350.000 đồng/kg (tùy loại lớn nhỏ). |
Theo thống kê, mỗi năm chỉ riêng làng khô Khánh An cung ứng cho thị trường khoảng 3.000 tấn khô các loại. Trong đó, sặc bổi chiếm ưu thế. |