Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kịch bản sau khi chứng khoán Trung Quốc giảm sốc

Các chuyên gia nhận định, tương tự khủng hoảng năm 2015, nếu chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm sau khi vừa hồi phục, chính phủ sẽ không ngại can thiệp nhằm đảo ngược tình thế.

Nhiều nhà đầu tư thất vọng trước biến động của chỉ số chứng khoán Trung Quốc. Ảnh minh họa: AP

Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khởi đầu năm mới bằng một "tai nạn bất ngờ" trên thị trường chứng khoán gợi nhắc giới đầu tư về tình trạng đổ xô bán tháo cổ phiếu hồi năm 2015.

Yang, một nhà đầu tư 31 tuổi, nói ông đã “không đề phòng” khi chỉ số CIS300 mất 7%, buộc Trung Quốc kích hoạt hệ thống ngừng giao dịch trong ngày 4/1.

“Chỉ số vẫn tương đối ổn định trong vài tháng qua nên tôi đã sốc khi nghe tin sàn chứng khoán ngừng giao dịch”, nhà đầu tư tới từ thành phố Quảng Châu nói.

Ông Yang đã quyết định bán tháo cổ phiếu khi thị phần dần ổn định trong phiên giao dịch sáng 5/1.

Chỉ số CSI 300 của các công ty niêm yết lớn nhất tại Thượng Hải và Thâm Quyến tăng 0,3% lên 3,478.78 điểm tại cuối phiên giao dịch ngày 5/1. Trong khi chỉ số Shanghai Composite đảo ngược trong phiên giao dịch buổi chiều khi giảm 0,3% xuống 3,287.71 điểm.

“Khởi đầu năm mới bằng một cú sốc như vậy khiến mọi người bắt đầu lo lắng về chuyện đang xảy ra”, Channel News Asia dẫn lời Bernard Aw, chiến lược gia về thị trường của IG Markets (Singapore), nói.

Chính phủ Trung Quốc tiếp tục cứu chứng khoán ra sao?

Sau cuộc khủng hoảng trên sàn chứng khoán ngày 4/1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và Ủy ban chứng khoán đã sớm có động thái thích hợp vào phiên giao dịch sáng hôm sau nhằm vực dậy tâm lý hốt hoảng của giới đầu tư.

Ngân hàng trung ương đã bơm khoản tiền khổng lồ trị giá 130 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 20 tỷ USD) thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Đồng thời, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) tuyên bố họ đang cân nhắc thêm những hạn chế đối với các cổ đông lớn nhằm ngăn họ bán cổ phần. Đây vốn là mối quan tâm lớn của giới đầu tư.

Giới phân tích nhận định, trước mắt các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể thực hiện thêm nhiều bước nhằm vực dậy thị trường.

“Với phản ứng của PBOC khi thị trường chao đảo do đồng Nhân dân tệ giảm hồi tháng 8 năm ngoái, tôi không ngạc nhiên nếu lần này các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ chứng khoán”, Vasu Menon, Phó chủ tịch quản lý tài sản tại ngân hàng OCBC (Singapore), nói. Ông Menon đề cập tới việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tăng đồng nội tệ sau khi nó liên tục bị phá giá bất ngờ hồi tháng 8/2015.

Tương tự, sau khi chỉ số Shanghai Composite để mất hàng nghìn tỷ hồi năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã tung hàng loạt biện pháp chưa từng có nhằm ngăn dòng vốn chạy khỏi chứng khoán nước này. Một trong số các biện pháp là tạm dừng các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đồng thời khuyến khích công ty môi giới thuộc nhà nước và liên minh các tổ chức tài chính mua cổ phiếu.

Tuy nhiên, theo chiến lược gia Aw của IG, chưa rõ liệu chính phủ Trung Quốc có áp dụng các biện pháp tương tự trong tình hình hiện nay hay không, khi kết quả thu được từ các biện pháp ứng cứu năm 2015 chỉ dừng ở mức hạn chế.

"Nhiều thông tin cho rằng, chính phủ Trung Quốc có thể gia hạn lệnh cấm bán cổ phiếu thêm 6 tháng. Tuy nhiên, điều này sẽ được cân nhắc bởi ngay từ đầu, chính quyền đã muốn loại bỏ các biện pháp như vậy khi thị trường được cho là đủ mạnh để tự hoạt động”, ông Aw nói. Theo chuyên gia, chính phủ Trung Quốc cũng có thể tiếp tục mở cửa thị trường vốn để đón thêm nhiều nhà đầu tư.

Daryl Liewm, nhà quản lý cấp cao về vốn của tổ chức tài chính Reyl Singapore, lại cho rằng, một sự thay đổi trong cơ chế ngừng giao dịch có điều kiện cũng có thể là điều cần thiết nhằm củng cố tâm lý các nhà đầu tư.

Nhà phân tích của Singapore cho hay, việc giảm 5% hay 7% được cho là trở ngại không lớn để kích hoạt cơ chế ngừng giao dịch, giữa một thị trường Trung Quốc vốn rất biến động.

“Thật ngớ ngẩn khi thiết lập cơ chế ngừng giao dịch ở mức độ như vậy. Nhìn lại lịch sử, 67 lần chứng khoán Trung Quốc giảm 5% trong 14 năm qua. Trong năm 2015, không kể tháng 6 và 7, 3 lần thị trường giảm 5% hoặc nhiều hơn. Với tần suất như vậy, bạn không thể đóng cửa thị trường vài tháng một lần”, ông Liew nhận xét.

Lo ngại về suy thoái kinh tế ở Trung Quốc cũng bủa vây thị trường chứng khoán và giới đầu tư kỳ vọng vào việc chính phủ thực hiện thêm các động thái kích thích tiền tệ.

“Điều quan trọng là nếu chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm, chính phủ sẽ không ngần ngại can thiệp nhằm đảo ngược tình thế”, Kathy Lien, giám đốc chiến lược ngoại hối tại công ty BK Asset Management (Mỹ) cho biết.

Theo bà Kathy, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ tăng kích thích kinh tế trong năm nay, đặc biệt sau những diễn biến gần đây, là điều không phải bàn cãi.

Đồng tình với bà Kathy, nhà kinh tế Singapore, Prakash Sakpal, cho rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ đưa ra các chính sách mạnh mẽ nhằm giảm nỗi lo về chứng khoán nước này, đồng thời khôi phục niềm tin của giới đầu tư.

Triển vọng 2016 vẫn còn

Các chuyên gia phân tích dự báo về cổ phiếu Trung Quốc năm 2016 cho rằng, biến động trên thị trường chứng khoán ngày 4/1 không tác động tới nhận định của họ.

Theo ông Aw, chiến lược gia của IG, khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc năm 2015 sẽ không lặp lại. Ông cũng dự báo chỉ số Shanghai Composite sẽ ở mức từ 3.000 tới 4.000 điểm.

"Tôi không thấy sự cố tương tự sẽ xảy đến trong năm nay, nhưng cũng không cho rằng, cổ phiếu Trung Quốc sẽ tăng cao hơn. Tôi khá chắc rằng nó sẽ không vượt quá 4.000 điểm. Trừ phi nó giảm dưới mức 3000 điểm, khi đó tôi sẽ xem xét lại ý kiến của mình”, ông Aw nói.

Trong khi đó, nhiều nhà quan sát thị trường nhận thấy cơ hội mua cổ phiếu từ thị trường Trung Quốc. Shane Oliver, chiến lược gia tại AMP Capital có trụ sở tại Sydney, vẫn đánh giá cao cổ phiếu Trung Quốc, chủ yếu qua cổ phiếu H-share giao dịch ở mức gấp 7,1 lần tổng lợi nhuận ghi nhận. H-share là cổ phiếu dành cho các công ty Trung Quốc niêm yết tại sàn Hong Kong.

Ông Menon thuộc ngân hàng OCBC cho rằng, các nhà đầu tư nên kiểm soát rủi ro tại thị trường Trung Quốc bằng cách mua cổ phiếu trong vòng 6 tới 9 tháng tới.

Theo ông, chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. Giới đầu tư sẽ xem liệu nỗ lực đó có thu kết quả trong khoảng 6 tháng tới hay không. “Khi nền kinh tế tốt hơn, thị trường có thể ổn định và điều này sẽ tạo cơ hội cho giới đầu tư”, nhà phân tích tại OCBC có trụ sở ở Singapre nói thêm.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, Việt Nam bị ảnh hưởng

Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán MaritimeBank cho rằng sự sụt giảm thị trường chứng khoán toàn cầu còn kéo dài đến giữa năm 2016.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm