Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán Trung Quốc giảm, Việt Nam bị ảnh hưởng

Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán MaritimeBank cho rằng sự sụt giảm thị trường chứng khoán toàn cầu còn kéo dài đến giữa năm 2016.

- Ông đánh giá như thế nào về việc chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới?

- Chỉ số chứng khoán CSI 300 và Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Trung Quốc ngày hôm qua giảm mạnh lần lượt là 7% và 3,9% đánh dấu phiên giao dịch đầu năm khá tồi tệ đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Nguyên nhân chính của việc sụt giảm về điểm số chứng khoán xuất phát từ số liệu báo cáo tiêu cực liên quan đến suy giảm về hoạt động sản xuất. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm về mức thấp trong các tháng gần đây cũng như dự báo xu thế suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc cũng đang bắt đầu có dấu hiệu lan rộng.

Ngoài tín hiệu tiêu cực từ chỉ số kinh tế, việc dự báo cho rằng Chính phủ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các nhà đầu tư lớn bán cổ phiếu cũng được coi là yếu tốc tác động mạnh đến diễn biến bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Theo Giám đốc chiến lược của MSI, thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện quá lớn, nên dễ dàng tác động tới chứng khoán toàn cầu khi xảy ra biến động bất thường. Ảnh: NVCC.

- Chứng khoán Trung Quốc vẫn được coi là thị trường mới nổi, nhưng rất nhiều lần trong năm 2015, và mới đây là phiên mở cửa năm 2016, sự sụt giảm của thị trường này lại khiến chứng khoán toàn cầu lao dốc theo. Vì sao lại như vậy?

- Mặc dù thị trường chứng khoán Trung Quốc được coi là mới nổi, nhưng nếu xét về vốn hóa thì đây được coi là thị trường lớn thứ hai thế giới, khi vốn hóa đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ USD. Con số này chỉ đứng sau mức vốn hóa trên thị trường Mỹ (25.000 tỷ USD).

Với việc thị trường chứng khoán nước này đang rơi vào giai đoạn giảm giá, làn sóng bán tháo đã bắt đầu lan rộng, thì tâm lý nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán thế giới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo.

Và điều đơn giản nhất có thể hiểu là khi thị trường chứng khoán lớn thứ 2 thế giới chao đảo thì tại các các nước lân cận cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, chứ chưa nói đến thị trường của các nước phát triển khác.

Hơn nữa, Trung Quốc không chỉ có mối quan hệ thương mại lớn với phần còn lại của thế giới, mà nhiều tổ chức và các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cũng đang đầu tư hoặc kinh doanh ở Trung Quốc. Do đó, tác động cộng hưởng sẽ là rất lớn.

- Vừa rồi Trung Quốc đã phải sử dụng điều luật đóng cửa thị trường sớm khi chứng khoán giảm quá sâu, tương tự như một điều luật tại Mỹ. Cách thức vận hành của điều luật này như thế nào? Và Việt Nam có quy định tương tự hay không?

- Khi xuất hiện biến cố bất ngờ làm thị trường sụt giảm điểm mạnh thì cho phép Ủy ban Chứng khoán các nước liên quan tạm dừng hoạt động giao dịch cổ phiếu. Điều này sẽ ngăn chặn sự hoảng loạn không kiểm soát từ phía nhà đầu tư có thể gây nên làn sóng bán tháo, làm ảnh hưởng lớn đến giá trị cổ phiếu cũng như tâm lý nhà đầu tư.

Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định tương tự, do vốn hóa còn khiêm tốn và thị trường chứng khoán vẫn trong giai đoạn phát triển (mới chỉ là thị trường chứng khoán cận biên).

Thị trường chứng khoán Trung Quốc tạm đóng cửa do giảm giá mạnh khiến giới đầu tư không chỉ ở quốc gia này đau đầu. Ảnh: The Guardian.

- Liệu việc sụt giảm giá chứng khoán của Trung Quốc và thế giới có tác động đến thị trường trong nước? Ông dự đoán thế nào về tính hình thị trường trong nước hôm nay, cũng như thị trường Trung Quốc và quốc tế năm 2016?

- Chắc chắn là việc sụt giảm chỉ số chứng khoán Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam và sẽ gây tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Khả năng điều chỉnh giảm của các chỉ số chứng khoán sẽ tiếp tục diễn ra trên thế giới và Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn. 

Theo dự báo của tôi, có lẽ 6 tháng đầu năm 2016 sẽ vẫn tiếp tục thời điểm bất ổn của thị trường chứng khoán toàn cầu. Biến động này không chỉ xuất phát từ sự suy thoái của một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Brazil..., mà các yếu tố chính trị, xung đột tôn giáo cũng sẽ là nhân tố góp phần ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Sự khởi sắc của chứng khoán toàn cầu có thể chỉ đến vào 6 tháng cuối năm, khi mọi thứ trở nên ổn định hơn.

Ông Lê Đức Khánh hiện là Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược Đầu tư, Trung tâm Nghiên cứu của MSI. Ông cũng làTiến sĩ khoa học kinh tế tại Đại học Paris 2 – Panthéon – Assas (Pháp).

Ông từng là giảng viên tài chính khóa đào tạo sau đại học Đại Học Paris 1 Pantheson-Sorbonne.Trước đó, ông Khánh là chuyên gia tư vấn tại Công ty tư vấn TERA CONSULTANTS (Paris - Pháp).

Tại Việt Nam, ông Khánh có kinh nghiệm làm việc tại vị trí trưởng phòng tư vấn chiến lược tại Công ty cổ phần Viễn thông FPT Telecom và là chuyên viên phân tích tài chính cao cấp, tư vấn đầu tư và phụ trách sàn giao dịch vàng tại Công ty cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS), nay là Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS). 

Chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giảm điểm liên tiếp thứ hai trong năm 2016, khi cả hai chỉ số chính là Vn-Index và HNX-Index đều mất từ 0,86 đến 1,27 điểm.

Trên sàn chứng khoán TP HCM, chỉ số Vn-Index có lúc còn mất tới gần 5 điểm, số mã chứng khoán giảm giá gấp 3 lần số tăng giá. Kết thúc phiên sáng, sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam có 119 mã giảm giá, 61 mã tăng, các blue-chip như VIC, MSN, VNM, VCB giảm giá mạnh. Toàn sàn giao dịch hơn 44,5 triệu cổ phiếu, giá trị 718 tỷ đồng, nhưng không có giao dịch bán của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, nhóm 30 cổ phiếu dẫn dắt thị trường chỉ có 3 mã tăng giá, còn lại giao dịch bằng hoặc dưới mức tham chiếu. Chỉ 20,7 triệu cổ phiếu được sang tay, nhà đầu tư ngoại mua bán nhỏ giọt, tập trung ở các cổ phiếu ngân hàng như SHB, hay xây dựng như HUT.



Hạ Minh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm