Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Kiatisak trả giá vì coi thường thầy Chung và thế hệ vàng Bình Dương

Với rất nhiều người, CLB Bình Dương thời kỳ 2007-2009, chứ không phải đội Hà Nội hiện tại, mới là tập thể mạnh nhất lịch sử V.League.

Với rất nhiều người, CLB Bình Dương thời kỳ 2007-2009, chứ không phải đội Hà Nội hiện tại, mới là tập thể mạnh nhất lịch sử V.League.

“Khi CLB Bình Dương tới Bangkok, người Thái Lan đón tiếp chúng tôi hết sức trọng thị. Tuy nhiên, ở họp báo trước trận đấu, có vài tình tiết cho thấy họ đánh giá Bình Dương thấp hơn Chonburi. Tôi nhớ mãi điều Kiatisak từng nói: Chonburi đá hết mình và sẽ thắng Bình Dương”.

11 năm sau ngày Bình Dương gặp Chonburi ở tứ kết AFC Cup 2009, ký ức về trận cầu ấy như còn nguyên vẹn với HLV Mai Đức Chung.

Chonburi khi ấy là tuyển Thái thu nhỏ ở cấp CLB, được dẫn dắt bởi cựu danh thủ Kiatisak Senamuang. Chiều ngược lại, Bình Dương mới là đại diện Việt Nam đầu tiên trong lịch sử vào tới tứ kết một giải châu lục.

Báo chí trong nước lẫn truyền thông khu vực đều cho rằng Chonburi sẽ hạ Bình Dương còn Kiatisak sẽ đánh bại HLV Mai Đức Chung.

Chỉ những người Bình Dương không tin vào điều đó.

2 thập niên V.League từng chứng kiến nhiều đội hùng mạnh xuất hiện như HAGL 2003-2004, Đồng Tâm Long An 2006-2007, CLB Hà Nội 2018 tới nay. Tuy nhiên, xét về sức mạnh, sự áp đảo và choáng ngợp ở thời đỉnh cao, khó đội bóng nào vượt qua được Bình Dương giai đoạn 2007-2009. Đỉnh cao của đội bóng đất Thủ chắc chắn là thành tích bán kết AFC Cup 2009, chiến công vĩ đại nhất của một CLB Việt Nam ở đấu trường lục địa.

Trước kỳ tích Bình Dương, bóng đá Việt Nam là cái tên vô danh ở châu Á.

Các CLB Việt Nam hoặc không đủ kinh phí hoặc thiếu quyết tâm, hoặc sợ hãi trước bức tường lục địa. Họ đều chỉ xem các giải châu Á là nghĩa vụ bắt buộc cần thực hiện. Tâm lý ấy từng dẫn tới những thất bại vỡ mặt như Bình Định thua 0-8 trước Busan I’Park (2005), Đà Nẵng nhặt bóng 15 lần dưới tay Gamba Osaka (2006) hay Nam Định thua 1-9 bởi Krung Thai Lan (2008).

Những thất bại liên tiếp ấy khiến bóng đá Việt Nam không còn thể diện ở châu Á. Năm 2009, lần đầu tiên sau nửa thập niên, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) rút suất dự Champions League của Việt Nam. Bởi vậy, Bình Dương vô địch V.League 2008 nhưng chỉ được dự sân chơi cấp hai AFC Cup.

Tuy nhiên, chính từ đây, lịch sử đã bắt đầu.

Kiatisak Mai Duc Chung anh 1

HLV Mai Đức Chung nhớ lại với Zing: “Sau 2 chức vô địch V.League, Bình Dương muốn tên tuổi của mình không chỉ gói gọn trong phạm vi Việt Nam mà còn vươn ra quốc tế, nhất là châu Á. Bởi vậy, lãnh đạo tập đoàn, lãnh đạo đội đầu tư quyết liệt cho Bình Dương, nhằm khuếch trương hình ảnh bóng đá Việt Nam và đội Bình Dương. Họ bảo chúng tôi đây không còn là V.League, các bạn sẽ chơi ở nước ngoài. Hãy chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Bình Dương cực coi trọng AFC Cup. Chúng tôi xác định sẽ cố gắng vào càng sâu càng tốt”.

Với sân chơi lục địa, quyết tâm không thôi là chưa đủ. Trước khi HLV Mai Đức Chung về nhận đội, Bình Dương đã phải sa thải Francisco Vital. Tính cả HLV Lê Thụy Hải, người đã chia tay cuối mùa 2008, và trợ lý “đóng thế” Nguyễn Minh Dũng, Bình Dương đã dùng 3 HLV trong vòng nửa năm. Hậu trường bất ổn khiến chiến dịch AFC Cup năm ấy khởi đầu bằng trận thua 1-2 trước Home United. Đội bóng giành vé đi tiếp ở lượt trận cuối cùng của vòng bảng.

Quan trọng hơn, động lực thi đấu của nhiều ngôi sao đã suy giảm rõ rệt.

Họ không còn mục tiêu ở V.League sau 2 chức vô địch liên tiếp, không đặt nặng quyết tâm với châu Á, sân chơi mà nhiều người luôn tin rằng quá tầm Việt Nam.

Bối cảnh ấy khiến trưởng đoàn CLB Bình Dương Trần Văn Đường phải bay ra Hà Nội, tìm gặp HLV Mai Đức Chung, người khi ấy vừa nghỉ hưu. Bình Dương tin một người cầm quân giỏi tâm lý, biết cách xoa dịu những cá tính mạnh sẽ là nhân vật phù hợp với đội bóng có nhiều ngôi sao như Bình Dương.

Những gì diễn ra sau đó lập tức chứng minh Bình Dương đã lựa chọn đúng.

Vòng 16 đội AFC Cup, trước Kedah, đội bóng vừa giành cú đúp quốc nội Malaysia, Bình Dương đã thức tỉnh. Đoàn quân của tân HLV Mai Đức Chung thắng hủy diệt đối thủ với tỷ số 8-2, Huỳnh Kesley Alves chơi trận cầu để đời với 4 lần lập công.

Từ đây, hành trình vinh quang của thầy Chung và Bình Dương ở châu Á thực sự bắt đầu.

Kiatisak Mai Duc Chung anh 2

Chiến thắng Kedah đưa Bình Dương tới tứ kết gặp Chonburi, khi ấy đang là đương kim á quân Thai League và được dẫn dắt bởi Kiatisak Senamuang. Tại vòng bảng, người hâm mộ Việt Nam đã phần nào được thấy sức mạnh khủng khiếp của Chonburi khi đội bóng này hủy diệt Hà Nội ACB 8-0 sau 2 lượt trận.

Bóng đá Thái Lan khi đó đã dày dạn ở sân chơi châu lục. Chiều ngược lại, Bình Dương mới là đội chuyên nghiệp đầu tiên trong đời cầm quân của HLV Mai Đức Chung.

Ông Chung nhớ lại: “Trước Bình Dương, tôi từng dẫn dắt Olympic Việt Nam và tuyển nữ Việt Nam. Ở cấp độ CLB, đây là lần đầu. Với hiểu biết của mình, tôi biết Thái Lan hơn chúng ta. So sánh hai CLB với hai đội tuyển, mình đều kém người ta. Người Thái cũng biết điều đó. Họ nghĩ Bình Dương không đá nổi đâu”.

“Dù vậy, toàn đội vẫn rất quyết tâm. Ông Sơn (Chủ tịch CLB Nguyễn Minh Sơn - PV) trực tiếp bay cùng đội sang Thái. Ông ấy bảo sẽ thưởng thêm nếu đội giành thắng lợi. Tôi biết nhiều cầu thủ lo lắng. Tôi bảo họ: Các bạn ở đây đều là tuyển thủ Việt Nam. Chúng ta gần như là một đội tuyển thu nhỏ. Chúng ta phải đá trận này với sự tự hào của đất nước, vì thể diện của cá nhân các bạn. Chúng ta không thể để họ coi thường mình”, người đang là HLV trưởng tuyển nữ Việt Nam nhớ lại.

Kiatisak Mai Duc Chung anh 3

Thể thức AFC Cup 2009 chỉ cho Đông Nam Á hai bảng đấu với tổng cộng 8 đội tham dự. Cả 8 CLB đều là những đội mạnh của khu vực. Bình Dương dẫn đầu bảng H còn Chonburi giữ đỉnh bảng G. Trước trận tứ kết, Bình Dương đè bẹp Kedah còn Chonburi vùi dập đội vô địch Indonesia PSMS Medan 4 bàn không gỡ. Đối đầu giữa Bình Dương và Chonburi vì thế giống như chung kết khu vực Đông Nam Á.

90 phút lượt đi diễn ra căng thẳng đúng với đẳng cấp của 2 CLB. Huỳnh Quang Thanh và Nguyễn Vũ Phong, những người vừa đánh bại Thái Lan ở AFF Cup một năm trước đó, lần lượt ghi bàn giúp Bình Dương cầm hòa đối thủ 2-2 ở Bangkok. Lợi thế lớn đã thuộc về Bình Dương trước trận lượt về.

Đến tận lúc đó, người Thái vẫn không tin họ sẽ thua Bình Dương.

“Kiatisak từng thi đấu ở Việt Nam cho HAGL nên biết Bình Dương rất tốt. Nhưng ít nhiều, cậu ấy vẫn kiêu ngạo chứ chẳng phải khiêm tốn gì đâu. Cậu ấy đang huấn luyện trực tiếp Chonburi. Đội lúc ấy rất mạnh và đang là nòng cốt tuyển Thái Lan. Khi bị chúng tôi cầm hòa ở Thái Lan, cậu ấy vẫn nghĩ Chonburi sẽ thắng lại ở lượt về ngay tại Gò Đậu”, ông Chung nói.

Điều Kiatisak nghĩ không trở thành hiện thực. Dưới sự chứng kiến của hơn 24.000 người hâm mộ trên sân Gò Đậu, hai ngoại binh Philani và Gaston Eduardo Molina ghi bàn liên tiếp, giúp Bình Dương thắng áp đảo 2-0. Bên ngoài sân, Kiatisak chết lặng. Ông không cười được nữa. Người đánh bại ông mới lần đầu tiên dẫn dắt một CLB chuyên nghiệp.

Họp báo sau trận, Kiatisak bảo mưa lớn khiến Chonburi không thể đá nổi. Nhưng cuối cùng, ông phải thừa nhận Bình Dương “thắng xứng đáng”. Chonburi của Kiatisak mất luôn chức vô địch Thai League vào cuối mùa trước khi “Sắc” từ chức.

Mãi tới sau này, Kiatisak vẫn không thể thành công ở cấp độ CLB. Ngược lại, HLV Mai Đức Chung liên tiếp gặt hái vinh quang cả ở đội tuyển nam, nữ và V.League.

Vượt qua Chonburi, Bình Dương tiến vào bán kết AFC Cup. Đó là thành tích vĩ đại nhất của một CLB Việt Nam ở đấu trường châu lục, tính cả việc CLB Hà Nội vào chung kết liên khu vực AFC Cup 2019. Đối thủ kế của Bình Dương là Al-Karamah. Đại diện Syria là một trong những CLB mạnh nhất châu Á thời điểm ấy. Họ mới vào tới chung kết Champions League 2006, liên tiếp có mặt ở top 8 châu lục.

Với Al-Karamah, sự có mặt của Bình Dương nhỏ bé ở bán kết AFC Cup là điều gì đó rất kỳ lạ.

Ông Chung nhớ lại: “Lúc chúng tôi sang Tây Á, báo chí Syria rất ngạc nhiên. Họ không hiểu nổi tại sao một đất nước bóng đá chưa phát triển mà lại có đội vào được tới tận đây. Chứng kiến tất cả, tôi nói với cầu thủ rằng họ phải ghi nhớ hình ảnh này. Hãy cho họ thấy chúng ta đàng hoàng thế nào, chững chạc ra sao”.

Hai trận gặp Al-Karamah, Bình Dương thắng ở Gò Đậu trước khi thua 0-3 tại Homs (thủ đô Syria). Dù vậy, đó vẫn là một hành trình phi thường. “Tôi đã rất lo rằng các bạn ấy sẽ không chơi hết sức mình. Tôi sợ các bạn sẽ nghĩ giải đấu này quá cao, quá tầm của Bình Dương. Nhưng điều tôi lo lắng đã không xảy ra. Mãi đến sau này, tôi vẫn phải cảm ơn tinh thần chiến đấu của các bạn ấy. Tôi vẫn nhớ như in từng người ở đội bóng ấy, là Philani, Huỳnh Kesley, Công Minh, Hữu Thắng, Thế Anh, Minh Quang...”, HLV Mai Đức Chung nhớ lại.

Kiatisak Mai Duc Chung anh 4

Nhắc tới HLV Mai Đức Chung và Bình Dương 2009 thì không thể quên HLV Lê Thụy Hải. Đôi bạn thân ở đội Tổng cục Đường sắt năm nào chính là những người hùng của “Thế hệ vàng” Bình Dương. Nếu ông Chung đưa Bình Dương tới đỉnh cao thì ông Hải là người đặt nền móng, nếu ông Chung giúp đội bóng vang danh châu lục thì ông Hải giúp Bình Dương thống trị quốc nội.

Tiếp quản Bình Dương từ mùa giải 2006, ông Hải chỉ cần một năm để biến tập thể này thành CLB mạnh nhất V.League. Năm 2007, Bình Dương vô địch với 55 điểm sau 26 vòng, hơn đội á quân Long An tới 11 điểm. 11 năm sau, V.League mới chứng kiến cách biệt tương tự khi CLB Hà Nội vô địch với 18 điểm nhiều hơn Thanh Hóa ở mùa giải 2018.

BLV Ngô Quang Tùng nhớ lại: “So sánh 2 CLB ở 2 thời kỳ khác nhau là việc rất khó. Nhưng Bình Dương năm 2008, 2009 là một trường hợp đặc biệt. Họ không chỉ mạnh mà còn sở hữu những ngoại binh có phẩm chất khác biệt với V.League, khác biệt cả với CLB Hà Nội sau này”.

“Ngoại binh của đội Hà Nội cũng tốt nhưng ngoại binh của Bình Dương 2007 là những người có phẩm chất thủ lĩnh, dẫn dắt. Khi tới V.League, những Huỳnh Kesley hay Philani đều tạo ảnh hưởng lớn tới giải đấu. Họ truyền được sự chuyên nghiệp, truyền được cảm hứng, những bài học tới các cầu thủ Việt. Đó là điều tôi không thấy ở những đội bóng khác trong lịch sử”.

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng Bình Dương thời kỳ đó và CLB Hà Nội hiện tại là hai tập thể hay nhất lịch sử V.League. Tuy nhiên, Bình Dương được đánh giá nhỉnh hơn khi họ phải cạnh tranh với HAGL và Long An thời đỉnh cao. Ngược lại, thời kỳ thống trị của CLB Hà Nội không còn ghi nhận một thế lực đối trọng đủ lớn.

Bởi thế, với rất nhiều người, Bình Dương 2007-2009 là tập thể hay nhất lịch sử giải đấu.

Công Vinh: '2 tháng đầu ở châu Âu, tôi không được họ chuyền bóng'

Vest đen, sơ mi trắng, đồng hồ hàng hiệu, cựu đội trưởng tuyển Việt Nam Lê Công Vinh chia sẻ với Zing khát vọng sở hữu một CLB V.League trong tương lai.

Anh Đức: ‘Tôi không nghe lời nên phải rời Bình Dương’

Tuyển thủ Việt Nam tiết lộ CLB Bình Dương kết thúc hợp đồng với anh bằng cách nhắn tin cùng nhiều góc khuất ở đội bóng hàng đầu trong lịch sử V.League.

7 năm lưu lạc của người con phố núi chưa đá giây nào cho HAGL

Mọi người hay hỏi Thành Long có muốn về HAGL không? Có chứ. Mỗi năm, khi hợp đồng cho mượn hết hạn, tôi đều trở về HAGL, trở về rồi lại ra đi...



Phương Thảo

Đồ họa: Phượng Nguyễn
Ảnh: Quang Minh, Minh Chiến

Bạn có thể quan tâm