Kiatisak là một trong những HLV thành công nhất lịch sử tuyển Thái Lan. Dẫn dắt U23 và tuyển quốc gia Thái Lan từ 2013 tới 2017, Kiatisak đã có 2 chức vô địch AFF Cup, một HCV SEA Games (2013). Cũng trong thời gian đó, các trợ lý thay ông dẫn dắt U22 tiếp tục đăng quang SEA Games thêm 2 lần. Nếu chỉ tính về mặt danh hiệu, Kiatisak thực sự xuất sắc.
Tuy nhiên, sự nghiệp huấn luyện của ông có nhiều hạn chế khiến năng lực HLV này luôn bị nghi ngờ.
Kiatisak chỉ thành công nhất với các đội tuyển Thái Lan nhưng thất bại ở cấp độ CLB. Ảnh: Getty. |
Thất bại toàn diện ở cấp độ CLB
Kiatisak bắt đầu theo nghiệp huấn luyện ở HAGL mùa 2006 trong vai trò cầu thủ kiêm HLV. Hai nhiệm kỳ dẫn dắt HAGL 2006 và 2010, ông đều chỉ giúp đội bóng về thứ 4 và thứ 7 ở V.League. “Sắc” không để lại dấu ấn chuyên môn lớn nào, tạo tranh cãi khi loại Lee Nguyễn và cưng chiều các cầu thủ Thái Lan.
Cùng với HAGL, Chula United cũng là CLB Kiatisak hai lần dẫn dắt. Năm 2008, ông và đội bóng này về đích thứ 8 ở Thai League. Nhưng giai đoạn 2011-2012, Kiatisak đưa Chula thăng hạng trước khi khiến đội xuống hạng ngay năm sau. Thành tích của ông ở Thai League 2012 là một thắng, 4 hòa, 5 thua.
Năm 2017, Kiatisak một lần nữa gây thất vọng trong 3 tháng dẫn dắt Port. Đội bóng của ông chỉ thắng một trận, thua 6. Ông phải chủ động xin từ chức.
Dấu ấn và danh hiệu duy nhất của Kiatisak ở cấp độ CLB là chiếc siêu cúp Kor Royal Cup năm 2009 với Chonburi. Kiatisak cũng có thành tích ấn tượng nhất ở cấp CLB với ngôi á quân Thai League 2009 cùng Chonburi. Đây là lần duy nhất ở cấp CLB, tỷ lệ chiến thắng của ông đạt trên 50%.
7 lần dẫn dắt các CLB khác nhau, Kiatisak chưa từng có đủ 2 mùa giải liên tiếp ở một đội bóng. Đến nay, Kiatisak đã có 14 năm theo nghiệp huấn luyện, nhưng thành tựu ở cấp CLB của ông cực kỳ hạn chế.
Kiatisak trong giai đoạn dẫn dắt Port gây nhiều thất vọng dù được tung hô rất nhiều. Ảnh: Siam. |
Đại bàng Đông Nam Á, hổ giấy ở châu Á?
Thứ làm nên tên tuổi của Kiatisak HLV là 5 năm dẫn dắt U23 và tuyển Thái Lan. Ngoài các danh hiệu khu vực, đỉnh cao sự nghiệp của Kiatisak là đưa Olympic Thái Lan tới hạng 4 Asian Games Incheon 2014.
Tuy nhiên, đó cũng là vinh quang duy nhất của Kiatisak ở đấu trường châu Á.
Hai lần tranh tài khác ở đẳng cấp châu lục, Kiatisak đều thảm bại. Đội U23 của ông dừng bước ngay vòng bảng U23 châu Á 2016, thua Nhật Bản 0-4 dù sở hữu lực lượng cực mạnh thời điểm đó.
Tại vòng loại ba World Cup 2018, Kiatisak từng mạnh miệng tuyên bố giúp Thái Lan xếp hạng 3 và giành vé vớt. Kết quả, đội tuyển Thái thua 8 trong tổng số 10 trận, Kiatisak phải xin từ chức.
Tranh cãi nằm ở đây. Nhiều người cho rằng thành tựu của Kiatisak ở tuyển Thái chủ yếu tới từ sự xuất hiện của “Thế hệ vàng” với Chanathip Songkrasin làm đầu tàu. Giai đoạn 2012-2013, hàng loạt ngôi sao trẻ xuất hiện ở tuyển Thái và trở thành trụ cột cho tới ngày hôm nay như Chanathip, Thitiphan Puangjan, Sarach Yooyen, Adisak Kraisorn, Tanaboon Kesarat... Hai người trong số đó đã xuất ngoại và thành công ở Nhật Bản.
Nhìn chung, Kiatisak chỉ thực sự tạo được dấu ấn khi được dẫn dắt các đội bóng mạnh, có lực lượng hùng hậu. Ông bộc lộ nhiều hạn chế ở cấp độ CLB, với các nguồn lực vừa phải. Cựu cầu thủ HAGL cũng khá vô duyên với đẳng cấp châu Á và chỉ gây ấn tượng được ở Đông Nam Á.
Tranh cãi về Kiatisak càng thú vị hơn nếu biết rằng sau thất bại ở Port năm 2017, ông chưa dẫn dắt thêm một đội bóng nào. Danh thủ sinh năm 1973 hiện tập trung vào kinh doanh và tham gia nhiều hoạt động xã hội.