Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khuyến mại online hậu Black Friday nở rộ cuối năm

Thay vì trả nhiều chi phí cho chương trình khuyến mại tại showroom, một số đơn vị kinh doanh đã chuyển sang hình thức bán hàng giảm giá trực tuyến, đặc biệt vào cuối năm.

Ngoài những chương trình khuyến mại trực tiếp tại cửa hàng, gần đây, nhiều đơn vị liên tục thực hiện giảm giá mua sắm trực tuyến. Hưởng ứng phong trào Black Friday thế giới, tại Việt Nam (27/11), nhiều cửa hàng tung các chương trình khuyến mại đặc biệt để thu hút khách hàng. Một tuần sau đó là ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (diễn ra vào 4/12) tiếp tục thu hút rất đông doanh nghiệp tham gia.

Chưa đến 1 tuần sau, ngày 9/12, một hệ thống bán lẻ thời trang và mỹ phẩm lại tiếp tục tung chương trình mua sắm trực tuyến Online Fever. Mục đích là sự hưởng ứng của doanh nghiệp với Online Friday. 

Hầu hết các chương trình đều có mức giảm giá rất sốc, lên tới 30-50%, thậm chí là 87%. Thế nhưng, sự kiện diễn ra nhiều mà nội dung chương trình chưa tới, hoặc nhiều khuyến mại mang tính chất "ảo" khiến khách hàng chưa kịp làm quen với các ưu đãi rầm rộ tại Việt Nam đã không còn mặn mà. 

Như tại sự kiện Online Friday ngày 4/12 vừa qua, một số đơn vị đẩy giá gốc niêm yết gấp 2 lần để giảm giá ảo khiến người dùng thất vọng. Đơn cử, một doanh nghiệp chào bán bếp từ bốn FAGOR  IF4AX giá niêm yết là 43.800.000 đồng, giảm 25% còn 26.000.000 đồng. Nhưng giá thị trường trên kênh mua sắm trực tuyến là 24.36.000 đồng, thấp hơn gần 2 triệu đồng.... 

Theo chị Chu Phương Đoan, Giám đốc Truyền thông đơn vị tổ chức sự kiện tận dụng Online Friday, để khách không nhàm chán và có ấn tượng không tốt sau các đợt giảm giá ảo, quy mô và cách thức chương trình giảm giá trực tuyến mùa cao điểm phải khác biệt và minh bạch.

Như sự kiện Online Friday, thay vì tập hợp một trang web và dồn tất cả hàng hóa kèm công cụ so sánh giá, đối tác phải xây dựng một trang riêng cập nhật các thông tin khuyến mại. Các website này có đường dẫn sang trang web của các đối tác khác. Việc này giúp các doanh nghiệp đẩy các hoạt động tiếp thị chéo để mở rộng nguồn khách hàng mới.

Bên cạnh đó, quy mô chương trình có sự chọn lọc hơn khi chỉ có 50 đối tác tham gia. Các đơn vị đưa thông tin chương trình khuyến mại thực hiện để ban tổ chức kiểm tra, chọn lọc, tránh tình trạng giảm giá ảo. 

"Khi làm kinh doanh trên Internet, mọi thứ đều minh bạch. Hơn nữa, khách hàng ngày càng thông minh. Họ có thể dễ dàng kiểm tra chất lượng, mẫu mã cũng như giá thành sản phẩm trên mạng Internet. Cũng vì thế, uy tín doanh nghiệp sẽ được người dùng đánh giá khách quan hơn", chị Đoan cho hay.

Nhiều đơn vị đẩy giá gốc sản phẩm để thực hiện giảm giá trong ngày Online Friday.  

Theo chuyên gia Hà Anh Tuấn, CEO Vinalink Media, hiện tượng đơn vị đẩy giá gốc để làm chương trình giảm giá ảo xảy ra khá phổ biến ở thị trường Việt Nam.

Song phần lớn những doanh nghiệp sẽ giảm "ảo" hơn so với dịch vụ, vì những đơn vị cung ứng sản phẩm có giá nhất định cho mỗi mặt hàng. Việc giảm thấp khoảng 1-5% sẽ khó có thể thu hút được khách hàng. Chính vì thế, nhiều đơn vị phải đẩy giá gốc lên, hoặc lấy giá niêm yết ở mức cao nhất trong một giai đoạn nào đó, khiến giá sau giảm chỉ ngang bằng với giá thị trường. 

Tuy nhiên, hiện tượng trên có thể lý giải theo cách khác, không loại trừ khả năng nhiều đơn vị bên ngoài có những chính sách giá rất thấp bởi hình thức, quy mô, chiếc lược bán hàng khác nhau. Ví dụ như cùng một sản phẩm công nghệ, ở các đơn vị phải đầu tư mặt bằng, truyền thông, nhân sự... nhiều, giá có thể sẽ cao hơn các điểm khác. Đơn vị lớn thường khó cạnh tranh với các cửa hàng nhỏ về giá nếu chi phí đầu vào lớn, nhưng bù lại, họ sẽ có uy tín hơn.

"Còn những đơn vị nâng giá gốc sản phẩm cao gấp nhiều lần để giảm giá ảo, khiến người tiêu dùng thất vọng là con sâu bỏ rầu nồi canh. Bởi họ đã làm mất đi mục đích giúp người dân tiếp cận, làm quen hình thức mua sắm trực tuyến. Họ cũng đã hủy hoại danh tiếng của mình qua sự kiện này", chuyên gia này cho hay. 

Hậu Black Friday có rất nhiều doanh nghiệp làm giảm giá cũng không tránh khỏi tình trạng nhàm chán. Song, nếu họ cân nhắc và áp dụng khuyến mại như nước ngoài thì vẫn sẽ có hiệu quả, đặc biệt trong thời điểm mua sắm cuối năm.

Nói về Black Friday ở Mỹ, chuyên gia Hà Anh Tuấn cho rằng, đây là chương trình giảm giá thật với các hình thức phổ biến khác nhau. Sự kiện này giống như hình thức dọn kho, để doanh nghiệp chuyển sang một mùa mới. Ngoài ra, sự kiện này cũng là thời điểm đơn vị kinh doanh bán hàng lỗi mốt, lỗi sản phẩm, hoặc sản phẩm trưng bày (tivi, laptop, điện thoại...). Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh còn áp dụng giảm giá cho mặt hàng mà họ được các hãng tài trợ. Vì đó, dù mức giá có giảm 50%-70% thì đơn vị này vẫn có lãi. 

Vì sao Online Friday Việt Nam gây thất vọng?

Trên website Ngày mua sắm trực tuyến, iPhone 6S sau khi giảm giá 52% vẫn còn hơn 16 triệu đồng trong khi cửa hàng bán sản phẩm với giá 15,89 triệu đồng dù mức giảm chỉ 23%.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm