Nhà văn Phương Huyền truyền cảm hứng đọc sách đến các em nhỏ tại Ngày hội đọc sách ở quận 6 (TP.HCM). |
Sau thời gian tạm ngưng vì ảnh hưởng dịch Covid-19, khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống dần trở lại bình thường, thời gian gần đây, nhiều đơn vị xuất bản và tác giả đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu, truyền cảm hứng đọc sách đến các trường học. Chính từ những chương trình này, hoạt động khuyến đọc đã được lan tỏa sâu rộng, góp phần vào hành trình phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nâng cao ý thức đọc sách
Cuối tháng 11 vừa qua, Công ty Chibooks tổ chức ký kết hợp tác với Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, và trao tặng tủ sách “Lan tỏa yêu thương” với 600 cuốn sách. Trước đó, Công ty Chibooks đã trao tặng tủ sách cho 6 trường đại học trên địa bàn TP.HCM.
Bên cạnh trao tặng tủ sách với hy vọng góp phần giúp các bạn sinh viên yêu thích việc đọc sách hơn, khuyến khích sinh viên đến thư viện trường, Công ty Chibooks còn giới thiệu các tác giả đến giao lưu, chia sẻ cùng sinh viên về văn hóa đọc với đa dạng lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa - văn học, góp phần bồi dưỡng đời sống tinh thần cho các sinh viên.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Lệ Chi, Giám đốc Công ty Chibooks, hiện tại đơn vị này đang triển khai dự án xây dựng 300 tủ sách thư viện miễn phí cho các trường tiểu học, THCS, THPT và các trường cao đẳng, đại học trong thời gian 5 năm (2020-2025).
Ngoài Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, từ năm 2020 đến nay, tủ sách “Lan tỏa yêu thương” đã về với thư viện của nhiều trường học trên khắp cả nước, như: Trường Đại học Huế (400 cuốn sách), Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa - 199 cuốn), Trường Tiểu học số 1 (xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Sơn La - 425 cuốn sách), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (400 cuốn sách), Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM (400 cuốn sách)…
“Số sách này được các tổ chức và cá nhân tài trợ, Công ty Chibooks hỗ trợ chiết khấu 50%-80% giá bìa. Thông qua dự án này, chúng tôi hy vọng góp phần nâng cao ý thức đọc sách trong cộng đồng, đặc biệt lan tỏa ảnh hưởng sâu rộng đến lứa học sinh từ tiểu học, THCS đến sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Qua đó, có thể gieo mầm khát khao khám phá, mở rộng trí tưởng tượng và tri thức cho các em thông qua sách vở”, bà Lệ Chi cho biết.
Khởi động từ cuối năm 2016, đến nay, chuỗi chương trình “Cùng trang sách bước đến tương lai” của Nhà xuất bản Kim Đồng đang được các trường học trên địa bàn TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre…) quan tâm và bày tỏ mong muốn được tổ chức tại trường. Chương trình gần nhất là vào ngày 5/12 vừa qua tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6, TP.HCM) và ngày 12/12 tới là Trường Tiểu học Kết Đoàn (quận 1, TP.HCM).
Trong mỗi chương trình, Nhà xuất bản Kim Đồng đều mời diễn giả là các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, biên tập viên, chuyên viên của các chương trình kỹ năng sống… đến trường trò chuyện, trao đổi với học sinh. Trong nhiều câu chuyện, những người thực hiện luôn khuyến khích các em đọc sách và nâng cao tinh thần yêu sách.
Sau loạt chương trình được tổ chức gần đây, thời gian tới, NXB Tổng hợp TP.HCM sẽ cùng tác giả Isabelle Müller đến giao lưu tại các trường học trên địa bàn TP.HCM, như: Trường Đại học Fulbright Việt Nam (quận 7, ngày 13/12), Trường Quốc tế Việt Nam - Phần Lan (quận 7, ngày 16/12).
Cộng hưởng từ gia đình và trường học
Theo chia sẻ của chị Võ Thiên Hương, đại diện truyền thông Nhà xuất bản Kim Đồng, doanh thu, lợi nhuận không phải là mục đích của chương trình “Cùng trang sách bước đến tương lai”. “Những người đang làm sách chưa thật sự kết nối tốt với thư viện, nên mục đích chính của chúng tôi là khuyến đọc ở các điểm trường. Nói cách khác, chúng tôi mang sách tiếp cận giáo viên, học sinh, tạo điều kiện cho các thầy cô, các em biết đến nhiều loại sách, dòng sách…”, chị Võ Thiên Hương cho biết.
Bên cạnh các nhà xuất bản, các công ty sách, gần đây nhiều tác giả như Võ Thu Hương, Phạm Minh Mẫn, Phương Huyền… cũng thường xuyên có những chương trình giao lưu, trò chuyện với các em học sinh về văn hóa đọc, qua đó khích lệ và truyền cảm hứng cho các em đọc sách.
Từ nhiều năm trước, việc khuyến đọc đã được nhà văn Phương Huyền quan tâm và chú trọng. Trong vai trò của một nhà báo theo dõi mảng văn hóa nghệ thuật, chị thường chú trọng chia sẻ về việc đọc, đến khi triển khai chương trình “Trò chuyện với tương lai” trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, chị cũng đưa mục “Khuyến đọc” vào để các em đọc sách và viết lên cảm nhận của mình, qua đó lan tỏa tinh thần đọc sách.
Được bắt đầu từ năm 2021, đến nay, chương trình “Trò chuyện với tương lai” của nhà văn Phương Huyền đã đến với 10 trường THPT của TP.HCM và các tỉnh như Phú Yên, Ninh Thuận. Trước mỗi chương trình, nhà văn Phương Huyền thường cho các em viết thư cho chính mình trong tương lai với chủ đề: 5 năm, 10 năm nữa bạn muốn mình là ai, trở thành người như thế nào?
Sau khi các em viết xong, chính thầy cô dạy văn sẽ là người đọc trước, để hiểu học trò mình có mơ ước gì, rồi chọn ra những bài hay nhất. Sau đó, chị cùng các diễn giả khác về trường chia sẻ với các em, đồng thời truyền cảm hứng đọc sách đến thầy cô và học sinh của nhà trường.
Nhà văn Phương Huyền cho biết: “Trong chuyến đến với tỉnh Ninh Thuận vừa rồi, tôi có cơ hội chia sẻ cảm hứng đọc sách ở một trường tiểu học. Tôi cảm thấy cực kỳ hứng thú khi các em rất mạnh dạn kể chuyện, diễn kịch trực tiếp cùng diễn giả. Sự tự tin, linh hoạt đó nhờ trường có hoạt động khuyến đọc rất tốt.
Các em thường xuyên được cô giáo khuyến khích đọc và kể chuyện trên lớp, dưới cờ. Điều này cho thấy, việc tạo thói quen đọc sách cực kỳ quan trọng, phải được xuất phát từ gia đình và sự cộng hưởng mạnh mẽ phía nhà trường. Có như vậy, các em mới có thói quen đọc sách, biết quý sách và cần sách".