Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Văn hóa đọc với phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số

Chính quyền địa phương nơi có điểm đến cần quan tâm, nghiên cứu, đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới không gian đọc, tủ sách cơ sở đến các điểm du lịch.

Trước thực trạng nhiều khu du lịch vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn thiếu sách báo, ấn phẩm, thông tin phục vụ du khách, các chuyên gia cho rằng chính quyền địa phương cần quan tâm, cung cấp thêm số đầu sách, tủ sách cơ sở để góp phần phát triển du lịch.

Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà chia sẻ trong các chuyến công tác kết hợp tham quan di tích, danh thắng tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, bà nhận thấy tại hầu hết điểm đến đều có tủ sách, tranh ảnh và ấn phẩm giới thiệu điểm đến, danh thắng du lịch địa phương. Song số đầu sách khiêm tốn, không đa dạng, cũng có nơi tủ sách hay kệ sách chỉ là vật trang trí.

Giải thích thêm về thực trạng này, anh Tráng A Chu, chủ homestay Hua Tát, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La, cho biết những nơi này còn thiếu sách, báo, tạp chí tiếng dân tộc để chính người dân nơi đây củng cố kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý, di sản, nghệ thuật... hỗ trợ quá trình giới thiệu bản làng, văn hóa dân tộc tới du khách.

Vì thế, mong muốn được hỗ trợ xây dựng các tủ sách, thường xuyên bổ sung sách báo là mong muốn không chỉ của riêng Tráng A Chu, của người dân địa phương ở Sơn La mà còn của nhiều vùng, miền, dân tộc anh từng tham gia trong các chuyến khảo sát, kết nối điểm đến.

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cũng phản ánh ngoài tình trạng các khu du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu đầu sách, còn có nghịch lý là sách, báo về địa chỉ này nhiều nhưng chưa có không gian đọc cho du khách; thiếu sự tương tác giữa khách du lịch, cộng đồng địa phương qua việc đọc sách... Tình trạng này khá phổ biến và diễn ra nhiều năm nay ở nước ta.

Van hoa doc anh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, tháng 4/2022. Nguồn: baodantoc.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, tăng cường, nâng cao văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch cộng đồng, theo ông Nguyễn Hữu Giới, cần phát triển các tủ sách, phòng đọc sách, không gian văn hóa... tại các khu du lịch, điểm đến, địa điểm lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay).

“Bởi lẽ, từ lâu chúng ta chỉ coi trọng sách, báo, ấn phẩm dành phục vụ khách du lịch mà chưa quan tâm khắc phục những thiếu hụt về tri thức cho đồng bào. Khi có đủ sách, có hoạt động đọc sách sẽ góp phần củng cố kiến thức, nâng cao hiểu biết cho du khách về những gì họ cần quan tâm. Ở chiều ngược lại, người dân địa phương cũng có thêm hiểu biết về chính dân tộc của mình, nơi mình sinh sống để chọn lọc giới thiệu đến du khách”.

Trên cả nước có nhiều khu du lịch, khu di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng nổi tiếng như: Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Pác Bó (Cao Bằng), Nhà tù Sơn La (Sơn La), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), An toàn khu (Tuyên Quang, Thái Nguyên); bản Đôn, hồ Lắk (Đắk Lắk), Thánh địa Mỹ Sơn, chùa Dơi (Sóc Trăng)…

Đây là những vùng có điều kiện sống, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, văn hóa đọc vì thế chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, phát triển các không gian đọc hoặc giới thiệu các ấn phẩm tại những khu du lịch, khu di tích này là quan trọng không chỉ cho du khách, mà còn cho cả đồng bào dân tộc thiểu số tại đây.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà góp ý chính quyền địa phương nơi có điểm đến cần quan tâm, nghiên cứu, đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới không gian đọc, tủ sách cơ sở đến các điểm du lịch; thường xuyên luân chuyển sách báo, bố trí người phục vụ ở những điểm đến này.

Ông Nguyễn Hữu Giới thì cho rằng việc đầu tư, xây dựng điểm đọc sách, không gian đọc ở các khu du lịch vùng đồng bào dân tộc, miền núi cần căn cứ vào điều kiện, đặc thù từng vùng, miền, điều kiện kinh tế, văn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người của mỗi địa phương. Quan trọng là duy trì hoạt động văn hóa đọc phục vụ du lịch cộng đồng phải lâu dài, thiết thực, tránh hình thức.

Bên cạnh đó, song song thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá các thương hiệu, sản phẩm du lịch với quảng bá và tuyên truyền văn hóa đọc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là cách đưa văn hóa đọc đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan trong cộng đồng các dân tộc.

Gần 59 triệu lượt người sử dụng thư viện công cộng năm 2020

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượt bạn đọc đến thư viện năm 2020 tăng 99,8% so với năm 2017.

Phát triển văn hóa đọc từ vai trò của khoa học công nghệ

Cuộc cách mạng 4.0 không chỉ tạo ra thách thức mà còn đưa đến nhiều cơ hội cho văn hóa đọc.

https://daibieunhandan.vn/van-hoa/van-hoa-doc-voi-phat-trien-du-lich-vung-dan-toc-thieu-so-i307151/

Hồng Hà / Đại biểu nhân dân

Bạn có thể quan tâm