Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 59 triệu lượt người sử dụng thư viện công cộng năm 2020

Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượt bạn đọc đến thư viện năm 2020 tăng 99,8% so với năm 2017.

Nhiều số liệu tích cực về văn hóa đọc đã được nêu ra tại Hội nghị Tổng kết Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Đề án) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Hội nghị diễn ra sáng 28/12 tại văn phòng Bộ, 51 Ngô Quyền, Hà Nội.

Tham gia hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ VHTT&DL, đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Thư viện cùng nhiều ban ngành có liên quan.

Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 329 ngày 15/3/2017.

Qua hơn 3 năm triển khai Đề án, các thư viện trong cả nước đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, tiện ích, giúp cho người dân có thể tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả.

Cùng ngành thư viện, ngành xuất bản đã có những đổi mới và phát triển. Hình thức và nội dung, số lượng xuất bản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng hơn.

Thu vien cong anh 1

Trao giải thưởng Văn hóa đọc 2020 cho cá nhân, tập thể tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Hải Trung.

Lượt bạn đọc đến thư viện tăng mạnh

Năm 2020, hệ thống thư viện công cộng nước ta có 24.102 thư viện; trong đó: Số thư viện cấp xã là 3.290 thư viện; số phòng đọc sách, tủ sách cơ sở là 19.901 (tăng 18%) so với năm 2017.

Về nguồn lực thông tin trong hệ thống thư viện công cộng, năm 2019, tổng số sách trong hệ thống thư viện công cộng là gần 44 triệu bản, đến năm 2020 tổng số sách trong hệ thống thư viện công cộng là 45 triệu bản. Tính đến nay, bình quân số bản sách/người/năm trong hệ thống thư viện cộng cộng là 0,45 bản/người.

Thu vien cong anh 2

Mạng lưới thư viện cơ sở tại Việt Nam. Số liệu: Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL.

Trong năm 2020, tổng lượt bạn đọc đến thư viện trên cả nước là gần 59 triệu lượt, tăng 99,8% so với năm 2017; tổng lượt sách, báo phục vụ của thư viện đạt 87 triệu lượt, tăng 59,3% so với năm 2017.

Nhiều địa phương có chỉ số về hiệu quả hoạt động thư viện cao như TP.HCM trong năm 2020 đã cấp 39.214 thẻ bạn đọc, phục vụ hơn 1 triệu người với hơn 3,5 triệu lượt tài liệu luân chuyển; thành phố Cần Thơ phục vụ gần 3 triệu lượt người sử dụng thư viện với hơn 5 triệu lượt xuất bản phẩm truyền thống và điện tử.

Nhiều địa phương đã khẳng định vị thế của mình trong phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng với nhiều hình thức phục vụ bạn đọc đa dạng, phong phú như Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp...

Thu vien cong anh 3

Lượt người sử dụng thư viện công cộng. Số liệu: Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL.

Phục vụ nhóm bạn đọc đặc biệt

Hệ thống thư viện công cộng trong những năm gần đây đã tăng cường hoạt động phục vụ người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng. Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm 2018-2020 đã phục vụ được hơn 20.000 lượt bạn đọc khiếm thị với gần 30.000 lượt tài liệu chuyên biệt.

Công tác phục vụ tại các trại giam cũng được triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: Số lượng sách do các thư viện tỉnh tặng cho trại giam những năm qua là hơn 160.000 cuốn; luân chuyển hơn 240.000 cuốn; phối hợp tổ chức trưng bày, triển lãm sách 2.482 lần cho gần 140.000 phạm nhân tham dự.

Nhờ tăng cường hoạt động đọc sách tại các trại giam, nhiều phạm nhân đã thay đổi nhận thức, quyết tâm cải tạo, tu dưỡng để sớm trở về với gia đình và xã hội.

Hoạt động thư viện còn hướng tới phục vụ bạn đọc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, các trường học đóng trên địa bàn bằng ôtô thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức". Mô hình này đã góp phần thúc đẩy việc đưa thông tin và tri thức đến với người dân trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc.

Thông qua việc phục vụ bạn đọc bằng xe ôtô thư viện lưu động, học sinh vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều sách báo. Đó cũng là nỗ lực của người làm công tác thư viện đã hỗ trợ cho người dân tiếp cận được với nguồn sách báo cũng như công nghệ thông tin, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần trong cộng đồng.

Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL - sau ba năm thực hiện, Đề án đã thu được nhiều thành công nhất định. Ngoài lượng người đọc và lượng sách báo trong thư viện công cộng tăng, số người tham gia vào các hoạt động thiện nguyện để phát triển văn hóa đọc cũng tăng lên đáng kể.

Từ năm 2017 trở về trước, số lượng thư viện giảm theo từng năm. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện Đề án, số lượng thư viện không những được đảm bảo mà còn phát triển thêm ở nhiều tỉnh thành.

Nhiều tập thể, gia đình cũng đã xác định rõ nền tảng của các tập thể, gia đình là việc đọc. Thay vì các chỉ tiêu đơn thuần về mặt phát triển kinh tế, doanh thu, thì văn hóa đọc đã được xem xét nghiêm túc.

Khi văn hóa đọc trở thành một thuộc tính để hình thành văn hóa của tập thể, cộng đồng, gia đình, điều đó sẽ có giá trị về mặt tinh thần, cũng như giúp cho người Việt Nam khôi phục, phát triển được thói quen, phương pháp và kỹ năng đọc hiệu quả.

Thu vien cong anh 4

Cô giáo Hoàng Thanh Hiền thực hiện chương trình đọc sách với học sinh An Thới Đông, huyện Cần Giờ (TP.HCM). Ảnh: Thu Thủy.

Vẫn còn tình trạng thờ ơ với sách

Bà Vũ Dương Thúy Ngà cho rằng ngoài những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều thách thức đối với việc thực hiện Đề án. Đầu tiên, tại một số bộ, ngành, địa phương, các cấp lãnh đạo chưa thực sự quan tâm tới việc phát triển văn hóa đọc. Thứ hai, người dân cũng chưa thực sự ý thức được vai trò, tầm quan trọng của việc đọc. Tình trạng thờ ơ với sách vẫn còn diễn ra. Việc đầu tư cho văn hóa đọc vẫn chưa thực sự xứng tầm.

Một trong những điểm yếu cần được bàn tới là chỉ tiêu “một bản sách trên đầu dân trong thư viện công cộng” gần như vẫn đang giậm chân tại chỗ, số lượng sách tăng lên không đáng kể. Một thư viện muốn phục vụ tốt, cần phải có vốn tài liệu phong phú, đáp ứng được nhu cầu người đọc. Nếu không, thư viện sẽ khó hấp dẫn được bạn đọc lâu dài.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành xuất bản cũng như ngành thư viện cần thực hiện chương trình chuyển đổi số để bạn đọc có thể tiếp cận với sách, tài liệu mà họ cần mọi nơi, mọi lúc.

Số lượng người tham gia vào các chương trình thiện nguyện cũng như sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức vào sự nghiệp phát triển văn hóa đọc đã gia tăng. Tuy nhiên những yếu tố căn cốt để duy trì văn hóa đọc một cách bền vững vẫn chưa được đảm bảo.

Công tác số hóa tài liệu trong hệ thống thư viện tại nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, việc thực hiện còn dàn trải, chưa được tập trung, thiếu tính đồng bộ và chuẩn hóa.

Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng đề xuất các phương pháp nhằm phát triển văn hóa đọc. Bà nói: “Chúng ta cần góp phần thúc đẩy, hình thành thói quen bền vững về việc đọc. Đặc biệt, hình thành các phương pháp, kỹ năng đọc hiệu quả cho nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau… Đồng thời, chúng ta phải tạo ra được môi trường đọc thuận lợi hơn, tạo ra nguồn tài liệu đọc phong phú, dồi dào với mọi định dạng để phục vụ bạn đọc”.

Cần thúc đẩy thêm nhiều nguồn tài liệu điện tử, tài liệu số và các thư viện điện tử, thư viện số cũng phải phát triển có quy mô, chiều sâu hơn thay vì đơn thuần là số hóa tài liệu.

Để phát triển văn hóa đọc, cần thu hút được nhiều hơn nữa sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tạo nên môi trường đọc, nguồn tư liệu đọc phong phú.

Đề xuất thành lập Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc

Ủy ban Quốc gia phát triển văn hóa đọc có thể hoạch định chiến lược, kế hoạch dài hạn, tổ chức các hoạt động, giám sát, đôn đốc đơn vị thực hiện văn hóa đọc.

Hiền - Trung

Bạn có thể quan tâm