Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khung trời của sách

Góc sách của ông bà đã tồn tại ở con đường nhỏ giữa thành phố Long Xuyên hơn bốn mươi năm, bất kể nắng mưa, bất kể ngày càng ít người tìm đến.

tiem sach via he anh 1
Diễn viên Tăng Thanh Hà vào vai Trúc - một cô gái bán sách ở vỉa hè trong phim Bỗng dưng muốn khóc.

Hồi nhỏ, mỗi lần được ba má chở qua Long Xuyên chơi là tôi mừng như Tết đến. Một vài lần hiếm lại là đi khám bệnh, nhổ răng, chích thuốc ngừa... cho tôi. Đứa trẻ năm nào ngây ngô lên xe, vui mừng hí hửng, vẫn không biết chút nữa thôi sẽ bị nhổ răng, chích thuốc. Có lẽ bởi Long Xuyên thân quen và thân thương như ruột thịt. Long Xuyên chỉ cách quê ngoại một dòng sông, và Long Xuyên luôn cho tôi cảm giác miệt vườn phảng phất trong từng con người, dãy phố.

Không ồn ào khói bụi, dẫu là phố nhưng vẫn nên thơ bởi dòng sông Hậu chảy dọc lưng phố hiền hòa. Sự hiền hòa ấy bắt nguồn từ những hình ảnh mà suốt những năm tuổi thơ, tôi luôn trông ngóng mỗi lần đến Long Xuyên.

Đó là ngôi nhà thờ có hình đôi tay vươn lên trời cao, đó là ngôi nhà có hàng bông giấy lúc nào cũng đỏ như thắp đèn, và đó còn là chiếc xe đẩy chở đầy sách cũ của đôi vợ chồng già hay ngồi dưới tán cây bàng bên hông bệnh viện.

Những lần qua cầu Hoàng Diệu, biết ngay mình sẽ bị gì đó... sẽ đau. Nhưng khi thấy chỗ cây bàng tán rộng bên hông bệnh viện, có ông già ngồi lật từng trang sách cũ, như thấy mùa thu năm nào vừa mới bước ra, tôi lại bị thu hút đến ngây người.

Xe ba chạy chậm, tôi chăm chú đến mức như thấy được cả chiếc lá rơi trên mấy cuốn sách tưởng chừng đã chìm vào trong quên lãng. Cảnh đó lặp lại nhiều lần, mỗi lần chỉ vài ba giây ngắn ngủi, mãi cho đến sau này lớn lên, khi có nhiều dịp đến Long Xuyên hơn, ông bà già và chiếc xe đẩy bán sách vẫn còn đấy, như đợi chờ...

Chỗ ấy, mỗi sáng sớm, có bà già từ tốn xếp từng cuốn sách ra sạp. Có mấy cuốn bà chưa đọc đến, khách hỏi sách này nội dung gì bác? Bà phải quay sang hỏi ông. Hơi điếc, nhưng khi thấy gọi, bằng ánh mắt thôi cũng đủ làm ông già bừng tỉnh.

Như một cái kho lâu năm ẩm mục, bụi bặm giăng đầy, một cơn gió bay ngang làm căn phòng xao động. Điều đầu tiên người ta thấy ở ông là một nụ cười móm mém nhưng rất có duyên, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc. Ông ngó qua tựa sách, rồi kể thao thao về câu chuyện.

Có lúc, tôi nghĩ giọng điệu ấy, cảm xúc ấy không phải của một người già (như ông), mà đó là của người trẻ. Trẻ ở giọng nói thao thao, trẻ ở nhiệt huyết về thứ ghi chép nhân sinh vẫn cứ tuôn trào.

Bà già nói, cái tuổi hai mươi của ông đã đứng lại từ dạo ông bắt đầu bị cuốn vào cơn mê... sách. Năm mươi năm, cảm giác thèm sách, ngấu nghiến sách như vẫn tươm ra, như trong ông có một dòng sông không bao giờ đầy và cũng không bao giờ cạn.

Không ít người (có cả tôi) khi nghe ông nói về sách sẽ liên tưởng đến một vị giáo sư giảng dạy lâu năm ở một trường đại học văn khoa nào đó. Hỏi, có phải vậy không bác. Ông già cười: “À không, cháu! Bác trước giờ chỉ bán sách cũ thôi.” Đó là mùa Tết đầu tiên tôi đến với ông, cũng là cái Tết của năm đầu bước vào đại học.

Nhớ năm đầu tiên bước vào đại học, ngày mùng một Tết, nhân dịp sang nhà ngoại chơi, tôi lên phố mang theo chút hy vọng mong manh gặp được xe sách của ông bà già, để tìm mua cho thỏa niềm khát sách.

Phố xá Tết đông đúc người qua lại, tiếng xe không thôi dứt từ những cung đường. Ngồi từ quán cà phê, ngó qua phía vách bệnh viện vắng lặng, chiếc lá rơi như đếm được từng chặng xoay mình; ngoài phía ngã tư, xe chen chúc nhau trộn lẫn tiếng nói cười, tiếng gọi nhau í ới. Lúc đó, chỉ thấy mỗi lòng mình là trống trải, trống trải đến vô cùng. Lúc mắt ngó bâng quơ về phía đầu đường, vô tình thấy được một chút gì đó vừa gần gũi mà vừa xa lạ. Chiếc xe đẩy, hai ông bà già và chồng sách cao ngất đang tiến lại nơi mà mấy mươi năm qua ông bà đã gắn bó.

Dưới bóng cây bàng, những quyển sách được bày ra, từ tốn, ngay ngắn và ngăn nắp. Hai ông bà già bán sách ngồi đó bên lề mùa Tết đến. Ông già cười với tôi - vị khách đầu tiên của năm mới, nụ cười phúc hậu, tay nâng niu quyển sách cũ ngả màu, đôi mắt sáng long lanh. Bà già ngồi lật mấy tờ sách bị rách, dán cẩn thận lại, từng động tác nhẹ nhàng như đang chạm vào báu vật.

Trước mặt tôi là một dãy sách cũ, những năm tháng tưởng chừng bước qua mất, hiện lại nơi đây trên những trang bìa. Mấy quyển sách nhà xuất bản Cầu Vồng nằm nghiêm trang ở hàng đầu tiên, mấy mươi năm trôi qua như vẫn còn mới đó. “Kỹ thuật in ấn lúc đó còn thô sơ, in được một quyển sách đâu phải dễ” - ông già tháo kính, nhìn tôi, giọng ông trầm ấm biết bao nhiêu, như những con gió mang tiếng chuông nhà thờ trầm lắng.

Câu đầu tiên tôi thắc mắc là, Tết mà bác không nghỉ bán sao bác? Ông già cười, vợ chồng tôi thui thủi có hai người. Tết nhất cúng ông bà xong, ngồi ở nhà ngó nhau thì buồn lắm. Nhớ quầy, nhớ sách, nhớ những gương mặt háo hức, tìm được quyển sách ưng ý của khách hàng. Vậy nên ra đây ngó Tết cũng thấy vui hơn ở nhà.

Bà vợ ông tóc bạc phơ ngồi dán mấy trang sách, ngó lên nhìn tôi cười rồi kể, sáng này, ông cùng bà đẩy xe sách từ nhà đến nơi bán, vừa đẩy xe vừa nói với nhau về một vị khách nào đó hôm qua, tìm cuốn truyện Mùa tôm mà ông bà không có, tiếc ơi là tiếc. Nhưng sáng nay, mở xe sách ra thì thấy cuốn Mùa tôm nằm ở trên đống sách trong thùng. Ông cứ cằn nhằn bà, sao để đó mà lại quên. Ông không tiếc vài ngàn đồng bán sách, mà tiếc một vị khách mê những cuốn sách xa xưa mình đã đánh mất hôm qua.

Tôi lựa mấy quyển, ông già tính tiền với giá gần như cho. Ông nói, bác biết cháu là sinh viên, đâu có nhiều tiền, nên bán rẻ vậy là được rồi. Nhưng ông già nấn ná đưa sách cho tôi. Ông như muốn giữ lại, muốn nhìn “đứa bạn” tri ân của mình lần nữa, dù ông biết, “đứa bạn” ấy có sứ mệnh của nó. Là bạn, ông hiểu nó hơn ai hết, ông biết nó cần phải đi đến thêm nhiều bàn tay, đôi mắt nữa.

Ông già nói, cái cảm giác khi nghe khách hỏi về một quyển sách mà mình cũng thích, nó sung sướng như tìm được người tri kỷ tri âm.

Phải chăng vì lẽ đó, mà góc sách của ông bà đã tồn tại ở con đường nhỏ giữa thành phố Long Xuyên hơn bốn mươi năm rồi, bất kể nắng mưa, bất kể ngày ngày ít người tìm đến.

Tôi vẫn nhớ mãi câu nói lúc nhận mớ sách từ tay ông “bác lì xì con thêm quyển sách này, lì xì bằng sách là món lì xì vô giá...”

Lúc đó, tôi chợt nghe lòng mình gọi, ước gì khi về già, mình vừa sống tà tà vừa bán sách vầy hen... Có lẽ vì mơ ước ấy như hạt mầm tôi đã gieo vào lòng thành phố Long Xuyên, nên bao giờ về thăm phố, dẫu Long Xuyên có thay da đổi thịt ra sao thì vẫn là phố hiền trong tôi, hiền như những quyển sách trao tay mùa Tết.

Lê Quang Trạng/Chi Books và NXB Lao động

SÁCH HAY