Khủng long có thể có thể tồn tại cho tới ngày nay nếu tiểu hành tinh va chạm trái đất vào thời điểm sớm hoặc muộn vài triệu năm. Ảnh: Wiki |
Một nhóm các chuyên gia hàng đầu về khủng long từ Anh, Mỹ và Canada thực hiện nghiên cứu mới nhất về sự diệt vong cách đây khoảng 66 triệu năm của loài động vật “khủng”, BBC đưa tin.
Steve Brusatte, một tiến sĩ của Đại học Edinburgh, Anh, cho hay mực nước biển dâng và núi lửa hoạt động là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tuyệt chủng của nhiều loài động vật, bao gồm khủng long. Có thể chúng vẫn tồn tại tới ngày nay nếu thiên thạch đâm trúng trái đất sớm hoặc muộn vài triệu năm. Tiến sĩ Brusattle gọi đây là "vận hạn lớn” của loài bò sát cổ đại.
“Một loạt sự kiện đã xảy ra vào thời điểm khủng long ở trạng thái dễ tổn thương nhất”, ông Brusattle nói với BBC.
Vị tiến sĩ cho rằng, nếu thiên thạch lao vào địa cầu sớm hoặc trễ hơn vài triệu năm so thời điểm trước khi áp lực môi trường trở nên tồi tệ hơn, khủng long vẫn có thể hồi phục và tồn tại cho tới ngày nay, bởi chúng đã tồn tại trên trái đất khoảng 160 triệu năm bất chấp môi trường khắc nghiệt.
“Nếu sự kiện tiểu hành tinh va chạm trái đất xảy ra sớm hơn 5 triệu năm, một hệ sinh thái đa dạng, nguồn thức ăn dồi dào cho phép khủng long tồn tại lâu hơn. Còn nếu cú va chạm đến muộn hơn, khủng long lại có thêm vài triệu năm nữa để phục hồi sự đa dạng cùng khả năng sống sót trước tác tác động của tiểu hành tinh”, Brusatte nhận định.
Theo tiến sĩ Paul Barrett, một chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Anh, nghiên cứu mới cho thấy rằng, số lượng các loài khủng long đã giảm trước sự kiện thiên thạch va chạm với trái đất.
“Nghiên cứu cung cấp bằng chứng tốt nhất nhằm giải thích sự biến mất đột ngột của khủng long, đồng thời cho thấy vụ va chạm giữa tiểu hành tinh và trái đất là nguyên nhân gây nên sự tuyệt chủng của chúng, chứ không phải các nguyên nhân khác như hoạt động núi lửa xảy ra vào cuối kỷ Phấn trắng”, tiến sĩ Barrett nói.