Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khủng hoảng tinh thần vì bão giá ở Anh

Áp lực tiền bạc khiến ngày càng nhiều người Anh gặp vấn đề sức khỏe tâm thần. Họ rơi vào vòng luẩn quẩn và chọn đối diện nó một mình.

Theo tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần Mind của Vương quốc Anh, cứ 4 người thì có một người sẽ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong bất kỳ năm nào. Như vậy, 25% dân số nước này đang trải qua thách thức với vấn đề tâm thần, đa số họ chọn đối mặt nó một mình.

Trong những năm gần đây, mối liên hệ giữa tiền bạc và sức khỏe tâm thần ngày càng rõ nét. Hàng triệu người thấy mình mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn lo lắng về tiền bạc và căng thẳng tinh thần.

Họ rơi vào vòng lặp này có thể do áp lực tài chính đè nặng, đặc biệt trong thời kỳ bão giá hiện nay.

Theo The Big Issue, lo lắng về tiền bạc có thể khiến con người cảm thấy cô đơn, những thách thức càng nằm ngoài tầm kiểm soát.

khung hoang tien bac anh 1

Áp lực tài chính khiến nhiều người rơi vào khủng hoảng tinh thần. Ảnh: Happiful.

Thoát khỏi vòng luẩn quẩn

Trong một cuộc khảo sát hơn 1.000 người của Mind, 73% trong đó cho biết khi sức khỏe tâm thần kém, họ phải vật lộn nhiều hơn để quản lý tài chính của mình, và 74% nói rằng việc khó quản lý tiền bạc ảnh hưởng đến tinh thần của họ.

Bước đầu tiên để thoát khỏi áp lực là thừa nhận khó khăn mà bạn gặp phải. Tiếp theo, bạn có thể liên hệ với ai đó để được hỗ trợ. Đó có thể là bạn bè, thành viên gia đình hoặc một chuyên gia có kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần và nhà tư vấn tài chính.

Nói về sức khỏe tinh thần không chỉ tốt cho bản thân mà còn đem đến sự tích cực cho những người xung quanh.

Tuy nhiên, không dễ để một người nói ra khó khăn tài chính của bản thân. Laura Peters, trưởng bộ phận tư vấn sức khỏe tâm thần và tiền bạc tại tổ chức từ thiện Mental Health UK giải thích nỗi sợ hãi trở thành rào cản lớn.

"Có rất nhiều lý do khiến người ta sợ nói về vấn đề tiền bạc. Họ sợ cha mẹ hoặc người chăm sóc cảm thấy áp lực khi được đề nghị hỗ trợ tài chính cho họ. Một số người không muốn thua kém bạn bè. Nhiều người mắc nợ nói rằng họ xấu hổ và sợ bị kỳ thị nếu nói ra", Laura Peters nói với Happiful.

khung hoang tien bac anh 2

Bão giá làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe tinh thần của người dân Anh. Ảnh: Rolling Stone UK.

Juulia Kadlstedt, cố vấn của Hiệp hội Tư vấn và Tâm lý trị liệu Anh (BACP), thường xuyên làm việc với những thân chủ phải vật lộn với áp lực và căng thẳng liên quan đến tiền bạc.

"Khi một cuộc khủng hoảng như chi phí sinh hoạt tăng cao ập đến, chúng ta dễ bị cuốn vào căng thẳng và áp lực do hoàn cảnh. Chúng tôi dùng cụm viết tắt FACE làm cơ sở giải quyết vấn đề".

Theo đó, người rơi vào khủng hoảng cần "Tập trung (Focus) vào những gì trong tầm kiểm soát", "Thừa nhận (Acknowledge) những suy nghĩ và cảm xúc của bạn trong hoàn cảnh đó", "Kết nối (Connect) với hệ thống hỗ trợ" và "Cam kết (Engage) bằng một bài tập thở".

Chia sẻ hoàn cảnh của mình với những người rơi vào tình huống tương tự sẽ giúp bạn không thấy mình đơn độc. Tại Anh, có những cộng đồng trực tuyến tập hợp những người có chung mối bận tâm về áp lực tiền bạc như StepChange hay MoneySavingExpert.

khung hoang tien bac anh 3

Thừa nhận vấn đề và chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh là bước đầu để vượt qua khủng hoảng. Ảnh: Unplash.

Đối với những người rơi vào áp lực tinh thần do vấn đề tiền bạc, điều khó khăn nhất là nhìn ra phải bắt đầu giải quyết từ đâu. Sự choáng ngợp có thể khiến họ né tránh vấn đề.

Ban đầu, né tránh có thể khiến họ cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng vấn đề không thể biến mất, cuối cùng họ vẫn phải đối mặt để giải quyết chúng. Trong trường hợp vỡ nợ, né tránh trả các hóa đơn có thể khiến họ tốn nhiều tiền và căng thẳng cao hơn.

Đối với bất kỳ ai đối mặt với nỗi lo về tiền bạc, cần rất nhiều bản lĩnh để thừa nhận tình huống khó khăn mà họ gặp phải. Bằng cách lắng nghe, người xung quanh có thể góp một phần vào việc giúp họ định hướng các bước tiếp theo.

Amy Polly, người sáng lập tổ chức sức khỏe tâm thần đầu tiên của Vương quốc Anh và là người dẫn chương trình Podcast của The Mental Health Rebellion, nói rằng lắng nghe là chìa khóa quan trọng.

"Nhiều người không nhất thiết tìm kiếm câu trả lời nhưng họ muốn được lắng nghe. Được lắng nghe khi chia sẻ những trải nghiệm, lo lắng và băn khoăn, họ không còn cảm thấy bản thân ngu ngốc.

Không phải lúc nào chúng ta cũng có câu trả lời cho vấn đề của người khác, thậm chí không nên đưa cho họ lời giải. Bạn chỉ cần cho họ biết mình đã thực sự lắng nghe rồi hướng họ tìm tới các chuyên gia và tổ chức để được giúp đỡ".

Áp lực phải chi tiền tụ tập sau giờ làm

Nhiều người trẻ mới đi làm, mức lương thấp cảm thấy áp lực khi phải chi phần lớn thu nhập cho các cuộc vui cùng đồng nghiệp.

Đinh Phạm

Bình luận

Bạn có thể quan tâm