Dưới tác động của bão giá, các sky bar lo lắng xu hướng chi tiêu của khách thay đổi. |
Chia sẻ với Zing, anh cho biết đây là tình trạng chung mà ngành nightlife đang gặp phải, khi giá cả leo thang và thói quen hưởng thụ, chi tiêu của khách hàng thay đổi sau dịch.
“Hiện tại, giá thành của hầu hết nguyên vật liệu tăng mạnh. Ngoài ra, khách hàng cẩn trọng hơn trong việc chi tiêu và hạn chế sử dụng dịch vụ giải trí. Gặp bão giá ngay trong giai đoạn khôi phục hoạt động cũng là một thách thức lớn với chúng tôi”, anh nói.
Theo Mixmag, tình trạng giá cả leo thang đã ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực đời sống, trong đó có ngành nightlife.
Nghiên cứu của Hiệp hội Ngành công nghiệp về đêm (NTIA) cho thấy 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực đang phải gồng gánh chi phí vận hành tăng gần 30% so với thời điểm trước dịch.
Chỉ tăng giá khi thực sự cần thiết
Thay vì thu hẹp menu, điều chỉnh giá thành hay mô hình hoạt động, sky lounge, nơi anh Bảo Nguyễn làm việc, chọn cách áp dụng các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng và giảm bớt gánh nặng chi phí.
“Thực tế, ngành nightlife hiện vẫn trên đà hồi phục, còn cần quan sát thêm nhu cầu của khách hàng. Nắm bắt xu hướng chi tiêu thời bão giá, chúng tôi nghĩ việc cho khách hàng thêm lựa chọn và có các chương trình giảm giá sẽ giúp mọi người thoải mái hơn khi đi bar”, anh nói.
Anh chia sẻ rằng trong thời gian tới, quán sẽ tiếp tục cải thiện dịch vụ, tìm cách đa dạng hóa thực đơn, kết hợp tổ chức các sự kiện âm nhạc nhằm thu hút nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là phân khúc du khách và những người có mức chi tiêu cao.
"Bên cạnh bão giá, nhiều địa điểm vui chơi ra mắt liên tục với mô hình hoành tráng và ngày càng thu hút khiến thị trường cũng trở nên cạnh tranh hơn. Về phần mình, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì những ưu điểm vốn có, chỉ thay đổi không gian, giá cả, dịch vụ khi thực sự cần thiết”, nam quản lý nói.
Thay vì tăng giá, nhiều quán sky bar đa dạng hóa lựa chọn cho thực khách và đưa ra một số chương trình khuyến mãi. |
Giống như Bảo Nguyễn, anh Luân (33 tuổi) - quản lý tại sky bar Air Saigon (quận 1) - cũng kỳ vọng ngành nightlife sẽ dần khôi phục sức sống và tìm cách vượt qua bão giá.
Anh kể rằng vài tháng gần đây, lượng khách hàng tới quán đã khôi phục đáng kể, trong đó 60-70% là người trẻ. Đây là một sự thay đổi bất ngờ bởi trước dịch, khách nước ngoài vốn chiếm đa số.
“Sự thay đổi về đối tượng khách hàng chủ yếu và tác động của bão giá khiến chúng tôi phải điều chỉnh một chút về không gian, menu và các dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của họ”, anh nói.
Dù lượng khách hàng gia tăng rõ rệt, nam quản lý cho biết sức chi của khách hàng đã giảm phần nào.
“Có lẽ, mọi người cẩn trọng hơn trong việc chi tiêu vì vật giá leo thang. Thay vì order rượu mạnh, giá tiền cao, họ chỉ gọi cocktail hoặc nhiều shot nếu đi cùng bạn bè”, anh Luân nhận xét.
Để khắc phục ảnh hưởng của bão giá, anh Luân cho biết quán đẩy mạnh đầu tư vào chất lượng dịch vụ và đồ uống, thay vì dành nhiều sự chú ý vào không gian.
“Chúng tôi vốn thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng không gian và thiết bị nên mọi thứ vẫn hoạt động tốt, không đáng lo ngại. Chúng tôi muốn thu hút khách hàng trẻ bằng menu cocktail đa dạng, được thay đổi thường xuyên. Ngoài ra, quán còn có ‘Happy Hour’ - khung giờ chiều tối với những thức uống có giá cả hợp lý, trẻ trung”.
Thay đổi thói quen
Vào đêm cuối tuần đông đúc tại một sky bar ở quận 1, Khánh Đan (27 tuổi, nhân viên văn phòng) cùng 4 người bạn lần lượt mời nhau đồ uống để chúc mừng anh chuyển việc. Trong ngày vui của mình, Đan gọi 4 ly cocktail martini và 2 món ăn kèm.
Cuối buổi, khi ký vào hóa đơn hơn 3.000.000 đồng, anh có chút bất ngờ.
“Mọi thứ đều rất tuyệt, trừ giá cả”, Đan nhận xét.
Là khách quen của các quán bar ở TP.HCM, trước đây, anh không ngại mạnh tay kêu những chai rượu vang đắt đỏ.
Tuy nhiên, sau dịch, vì công việc bận rộn cộng với chi phí sinh hoạt phát sinh, anh không còn thường xuyên ghé lại các tụ điểm vui chơi. Hóa đơn cho mỗi cuộc vui thâu đêm cũng giảm hẳn một nửa.
“Tôi thích gặp gỡ bạn bè, không khí sôi động ở quán bar. Nhưng cũng lo ngại khi thấy tiền trong tài khoản hao hụt. Nếu có tụ tập, tôi thường lựa chọn đồ uống trong khung giờ ưu đãi cho rẻ”, Đan nói.
Nhiều khách hàng yêu thích đời sống về đêm ở TP.HCM, nhưng e ngại vì giá cả. |
Tranh thủ ngày rảnh, Thảo Trâm (quận 5) và Lê Giang (Tân Phú) hẹn nhau tại một sky bar ở quận 1, chọn bàn sát ngoài cùng để dễ ngắm khung cảnh thành phố từ trên cao.
Hai cô gái 29 tuổi cho biết đây là lần đầu tiên họ đến vui chơi ở một quán bar tầng thượng. Không gian mát mẻ, âm nhạc đậm chất deep house khiến đôi bạn khá hài lòng.
Trước kia, Trâm và Giang chỉ thi thoảng hẹn nhau vào cuối tuần ở các cocktail bar. Nhưng hiện tại, các cuộc gặp diễn ra thường xuyên hơn.
“Sau thời gian dài ở nhà, tôi cần một nơi để thay đổi không khí nên chọn sky bar. Vì tính chất công việc căng thẳng, tôi thường giải tỏa năng lượng bằng cách gặp gỡ bạn bè ở quán bar hoặc đi ăn uống. Đó là nhu cầu không thể thiếu dù đang trong bão giá”.
Trâm chia sẻ thay vì cắt giảm thói quen, sở thích, cô hạn chế tần suất và điều chỉnh chi tiêu để phù hợp với túi tiền.
Chẳng hạn, Trâm sẽ đến vào các khung giờ ưu đãi hoặc ngày diễn ra sự kiện Ladies’ Night để được miễn phí đồ uống. Nhờ vậy, cô chỉ tốn cho suất ăn và số tiền phải trả cũng được giảm xuống.
Không chỉ Thảo Trâm, Khánh Đan, điều chỉnh chi tiêu, cắt giảm tần suất tới các địa điểm giải trí về đêm là cách nhiều người trẻ sống ở đô thị lớn đối phó với bão giá. Điều này khiến ngành nightlife ngày càng trở nên đắt đỏ và khó tiếp cận hơn nếu tình trạng giá cả tăng cao kéo dài.