Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khủng hoảng thịt gà - dấu hiệu chứng tỏ Iran lâm vào bất ổn?

Giới chức Iran đang đau đầu với tình trạng nguồn cung thịt gà thiếu hụt trầm trọng, đẩy giá loại thực phẩm này tăng vọt.

Khủng hoảng thịt gà - dấu hiệu chứng tỏ Iran lâm vào bất ổn?

Giới chức Iran đang đau đầu với tình trạng nguồn cung thịt gà thiếu hụt trầm trọng, đẩy giá loại thực phẩm này tăng vọt.

Tình hình nghiêm trọng tới mức người đứng đầu cơ quan an ninh của Iran là ông Esmail Ahmadi-Moghaddam vừa lên tiếng yêu cầu truyền thông không phát sóng các đoạn video người dân ăn thịt chim, bởi e ngại bất ổn xã hội.

Các biện pháp trừng phạt phát huy hiệu quả?

Thịt gà đang khan hiếm tại Iran.

Nhiều người Iran có thể đổ lỗi cho sự khan hiếm thịt gà (khiến giá cả của loại thực phẩm này tăng vọt từ năm ngoái) là do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Iran. Điều này đồng nghĩa với việc khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang phát huy hiệu quả, điều mà giới lãnh đạo Iran chắc chắn không muốn thừa nhận. Do đó, truyền thông Iran được chỉ thị không đưa tin thêm về những ảnh hưởng mà các biện pháp trừng phạt đang tác động lên nền kinh tế.

Theo Bloomberg, các lệnh trừng phạt hiện khiến lợi nhuận của Iran giảm 133 triệu USD/ngày. Tính cả năm, Iran sẽ mất 10% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP). Xuất khẩu dầu mỏ Iran hiện giảm còn 1,2 triệu thùng/ngày, chỉ bằng một nửa so với thời kỳ "đỉnh cao".

Các biện pháp trừng phạt hà khắc của phương Tây đối với Iran không đẩy giá dầu thế giới leo thang là nhờ vai trò điều phối của Saudi Arabia, cũng như suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến nhu cầu dầu mỏ không quá lớn.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, các chính sách của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad trên thực tế đang hủy hoại nền kinh tế nước này, trước khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Cụ thể, các chính sách chi tiêu theo đường lối dân túy của ông Ahmadinejad bị cho là nguyên nhân đẩy mức độ lạm phát và thất nghiệp lên cao.

Chính sách cải cách trợ cấp là một ví dụ điển hình. Theo chương trình này, Tổng thống Ahmadinejad cắt giảm hỗ trợ chính phủ dành cho một số loại hàng hóa và ngành công nghiệp nhất định. Tuy nhiên, ông sau đó lại phát "tiền mặt miễn phí" để cân đối thu chi, khiến nguồn cung tiền mặt tăng và đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao.

Chi phi nuôi gà đang tăng.

Ngành công nghiệp gia cầm của Iran được cho là nạn nhân trực tiếp của chính sách của Tổng thống Ahmadinejad. Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani cho hay, các hộ gia đình chăn nuôi gia cầm tại Iran cầu cứu chính phủ về tình trạng thiếu thức ăn cho đàn gia cầm từ cách đây 8 tháng nhưng chỉ nhận được sự thờ ơ từ phía chính phủ.

Tiến thoái lưỡng nan

Không thể phủ nhận, các biện pháp trừng phạt tăng cường mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Iran nhằm gây áp lực buộc nước này chấm dứt chương trình hạt nhân gần đây dường như đang không chỉ khiến Cộng hòa Hồi giáo bị cô lập nhiều hơn, mà còn khiến nền kinh tế nước này điêu đứng, Bloomberg  bình luận.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế Iran.

Dưới tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, Iran đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ cách mạng năm 1979 đến nay.

Tuần trước, Mỹ thông báo tăng cường các biện pháp trừng phạt ("đánh" cả các ngân hàng Trung Quốc và Iraq vẫn làm ăn với Iran) thắt chặt hơn nữa sợi dây "thòng lọng" vào cổ nước này. Hai ngày sau đó, những biện pháp này được Quốc hội Mỹ thông qua.

Trong bối cảnh hiện nay, Iran khó lòng cứu nền kinh tế thoát khỏi tình cảnh khốn khó. Lý do là, nếu Iran muốn Mỹ và phương Tây tháo "thòng lọng", họ sẽ phải nhượng bộ chương trình hạt nhân.

Một lựa chọn khác cho lãnh đạo tối cao của Iran Khamenei là ngừng hỗ trợ chính quyền Syria trước khi quá muộn. Điều này có nghĩa là ông Khamenei buộc phải phản bội Tổng thống Assad. Tuy  nhiên, "bỏ rơi" Tổng thống Assad đồng nghĩa với việc Iran đánh mất niềm tin của các đồng minh khác trong khu vực.

Khả năng thứ 2, ông Khamenei cũng có thể mang chương trình hạt nhân lên bàn thỏa hiệp để tránh làm tổn thương nền kinh tế thêm nữa.

Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Iran phải từ bỏ tuyên bố chắc nịch trước đó rằng, họ có quyền làm giàu uranium, đồng nghĩa với việc Iran đầu hàng phương Tây.

Hiện lãnh đạo Iran chưa chọn cả 2 giải pháp trên. Trong một tuyên bố đầu tháng trước, ông Khamenei vẫn tỏ ra cứng rắn khi nhấn mạnh: “Việc duy trì các biện pháp trừng phạt dài hạn không có lợi cho phương Tây”.

Theo Bloomberg, đưa ra tuyên bố như trên, ông Khamenei bộc lộ niềm tin rằng, một khi Iran trở thành cường quốc hạt nhân trong khu vực, thì các đối thủ của họ là Saudi Arabia, Mỹ và châu Âu sẽ phải chấp nhận thương lượng và nhượng bộ họ.

Tuy nhiên, một khả năng khác, tham vọng sở hữu bom hạt nhân sẽ khiến chế độ Iran ngày càng bị cô lập, khi phải đối mặt với các chính sách thù địch hơn từ các chính phủ trong khu vực cũng như từ phương Tây.

Phương Đăng

Theo Infonet.vn

Phương Đăng

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm