Căng thẳng về thương mại giữa Qatar và các đồng minh trước đây ở vùng Vịnh cùng những lệnh cấm vận kinh tế và ngoại giao sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều, bất chấp nỗ lực “tháo ngòi nổ” khủng hoảng của Kuwait.
Tuy nhiên, cuộc chơi nào cũng có người thắng, kẻ thua. Chiến thắng trong cuộc khủng hoảng này dường như lại thuộc về Oman Air vốn được xem là hãng hàng không hạng hai ở Trung Đông.
Tình cảnh ngặt nghèo của Qatar Airways
Thống trị thị trường hàng không của khu vực vốn là 3 "ông lớn": Qatar Airways, Etihad của Abu Dhabi và Emirates của Dubai. Chính 3 hãng này đã đưa khu vực đến gần hơn với khách du lịch trên toàn cầu bằng các sân bay trung tâm kết nối xuyên suốt hầu hết mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngoại giao trong khu vực đang khiến mạng lưới này trở nên lỏng lẻo.
Đáng nói là Qatar Airways đang rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" do Qatar gần như bị bao vây bởi Saudi Arabia, UAE và Bahrain, những nước đã đóng cửa không phận với "người hàng xóm" trong cuộc khủng hoảng ngoại giao.
Các chuyến bay của Qatar Airways đến hoặc thậm chí là bay qua không phận Saudi Arabia, UAE, Bahrain và cả Ai Cập bị cấm. Đồng thời, tất cả các hãng hàng không từ những quốc gia này bao gồm Emirates, Etihad, Saudia và Gulf Air đều ngừng bay tới sân bay quốc tế Hamad ở Doha.
Hãng hàng không Qatar Airways rơi vào thế khó khi Qatar gần như bị bao vây bởi không phận của các nước láng giềng đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với họ. Đồ họa: IVAO/BI Graphics. |
Người mang hộ chiếu Qatar thậm chí không được phép quá cảnh qua các sân bay Dubai hoặc Abu Dhabi. Ngoài ra, một số hãng bay ngoài khu vực trong đó có Qantas của Australia không cho phép người mang hộ chiếu Qatar lên những chuyến bay đi Dubai.
Vận may cho hãng hàng không của Oman
Tình thế này khiến cho Oman Air bỗng chốc nổi lên như một kẻ chiến thắng trong cuộc khủng hoảng ở khu vực. Tuy chỉ ở "hạng 2" trong khu vực, Oman Air đang có lợi thế rõ ràng hơn so với nhiều đối thủ vì hãng hàng không này vẫn có quyền tự do bay tới bất cứ đâu.
Lệnh cấm mà các nước cắt quan hệ ngoại giao với Doha áp dụng với Qatar Airways, cùng với việc các hãng bay của các nước này bị cấm tới Qatar đã tạo ra một khoảng trống lớn trên thị trường hàng không. Đây là cơ hội cho hãng hàng không của Oman tận dụng.
Máy bay của hãng hàng không Oman Air. Ảnh: Boeing. |
Khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, Qatar Airways đã phải thuê 3 máy bay của Oman Air để đưa hành khách đang mắc kẹt từ Saudi Arabia đến Doha qua Muscat, đồng thời thuê một phi cơ của Kuwait Airlines chở khách qua Kuwait.
Tuy nhiên, đây không phải những hành khách duy nhất cần tìm đường bay mới. Hơn 100.000 công nhân Ai Cập sống tại Qatar hiện không thể bay thẳng về nhà hoặc quay trở lại Qatar. Công dân của Saudi Arabia, UAE hay Bahrain ở Doha cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Đối với hầu hết ai muốn đến hoặc đi Qatar từ các quốc gia nói trên, họ buộc phải đi qua một nước thứ ba “trung lập”. Ở đây rõ ràng họ chỉ có hai lựa chọn: bay qua Muscat (thủ đô của Oman) với hãng hàng không Oman Air, hoặc qua thành phố Kuwait với hãng Kuwait Airways. Mà xét về chất lượng dịch vụ và tiếng tăm thì Oman Air rõ ràng nổi trội hơn Kuwait Airways.
Tận dụng lợi thế trong cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh, Oman Air cho biết hãng đang tăng cường lượng chuyến bay tới Doha thông qua máy bay lớn hơn với sức chứa lớn hơn, từ ngày 8/6 đến 14/6.
Sân bay quốc tế Muscat của Oman có thể thua kém một số sân bay hàng đầu ở khu vực khi cung cấp ít lựa chọn hơn cho hành khách với 28 hãng hàng không nối 55 điểm đến (ít hơn nhiều so với các sân bay ở Dubai hay Abu Dhabi). Nhưng đây không phải là vấn đề đối với các hành khách đơn giản chỉ muốn bay đến hoặc đi Doha vì nhu cầu công việc, nghỉ ngơi, gặp gỡ gia đình.
Oman Air được lập năm 1970 và bắt đầu hoạt động vào năm 1993 với tên gọi Oman Airline. Oman Air là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới có dịch vụ di động và wifi trên máy bay. Hãng hàng không vùng Trung Đông hứa hẹn trong vòng vài năm tới sẽ ngang hàng với các "ông lớn" của khu vực như Qatar Airways hay Emirates.