Theo CNN, đợt nắng nóng kỷ lục đang khiến các công ty lớn trong ngành ôtô của Trung Quốc điêu đứng. Truyền thông địa phương đưa tin việc hạn chế sử dụng điện ở tỉnh Tứ Xuyên - trung tâm thủy điện quan trọng của Trung Quốc - đã ảnh hưởng tới sản lượng của những hãng ôtô lớn tại Thượng Hải, bao gồm Tesla.
Tứ Xuyên đã ra lệnh đóng cửa hầu hết nhà máy trong 6 ngày. Bởi nắng nóng và hạn hán đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng. Mới đây, tỉnh này tiếp tục gia hạn yêu cầu ngừng hoạt động.
Đợt nắng nóng kỷ lục đang khiến các ngành công nghiệp của Trung Quốc điêu đứng. Ảnh: Reuters. |
Sản xuất đình trệ
Theo báo cáo của Tesla và SAIC Motor - hãng ôtô lớn nhất Trung Quốc - với giới chức Thượng Hải, cuộc khủng hoảng năng lượng ở Tứ Xuyên đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất của các nhà máy.
Nhà máy tại Thượng Hải đã sản xuất 1 triệu chiếc xe cho hãng ôtô điện Mỹ. Trong khi đó, SAIC có 3 nhà máy lớn ở Thượng Hải, trong đó có 2 công ty liên doanh với Volkswagen và General Motors.
Tuần trước, 2 công ty đã yêu cầu chính quyền Thượng Hải hỗ trợ các nhà cung cấp ở Tứ Xuyên. Theo đó, 16 nhà cung cấp trong khu vực đã không thể sản xuất đủ phụ tùng vì bị cắt điện.
Cơ quan hoạch định kinh tế của Thượng Hải đã yêu cầu Tứ Xuyên tăng cường cung cấp điện cho các công ty này, bao gồm Chengdu Yinli Auto Parts.
Trung Quốc đang đối mặt với đợt nắng nóng tồi tệ nhất kể từ năm 1961. Ảnh: Bloomberg. |
"SAIC và Tesla là những công ty hàng đầu Thượng Hải trong công cuộc xây dựng một trung tâm công nghiệp ôtô mang tầm thế giới. Họ đã xây dựng mối quan hệ đối tác cung ứng quan trọng với nhiều công ty phụ tùng ở Tứ Xuyên", chính quyền Thượng Hải nói với các nhà chức trách Tứ Xuyên.
Trung Quốc đang đối mặt với đợt nắng nóng tồi tệ nhất kể từ năm 1961. Nhiệt độ đã vượt ngưỡng 40 độ C tại hơn 200 thành phố. Nắng nóng khiến mực nước của sông Dương Tử thấp đi đáng kể, dẫn tới hạn hán ở hơn 70 thành phố.
Hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt cũng khiến nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng đột biến, nguồn nước dùng cho thủy điện bị sụt giảm, gây căng thẳng cho lưới điện.
Đe dọa tăng trưởng
Tứ Xuyên đã phải đóng cửa hầu hết nhà máy kể từ đầu tuần trước. Tỉnh này cũng đặt nhiều công ty sản xuất chất bán dẫn, pin lithium và phụ tùng xe. Chính quyền địa phương cho biết động thái này nhằm đảm bảo đủ điện cho cư dân.
Tỉnh gia hạn thời gian cắt điện khi nắng nóng vẫn kéo dài. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty quốc tế lớn.
Theo Reuters, hãng sản xuất ôtô Nhật Bản Toyota đã phải dừng hoạt động tại nhà máy ở thành phố Thành Đô vào tuần trước.
Nhà máy ở Tứ Xuyên của Foxconn - đối tác quan trọng của Apple - cũng bị ảnh hưởng. BOE Technology, một nhà sản xuất màn hình LCD và OLED lớn, cho biết phải "điều chỉnh hoạt động sản xuất" tại Tứ Xuyên để đối phó với việc cắt điện.
Theo ước tính của chúng tôi, đợt thiếu điện hồi năm ngoái đã khiến mức tăng trưởng GDP chung của Trung Quốc giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm. Năm nay, con số này sẽ cao hơn nhiều
Bà Dan Wang - chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc
Khi Thượng Hải yêu cầu hỗ trợ đặc biệt cho các nhà sản xuất phụ tùng xe hơi, dư luận Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ. Họ cho rằng đó là một yêu cầu "vô lý" và "trơ trẽn" khi hàng nghìn người ở Tứ Xuyên đang sống trong cảnh không điện.
Các nhà sản xuất ôtô ở Trung Quốc chỉ vừa phục hồi sau đợt phong tỏa kéo dài nhiều tháng ở Thượng Hải vào đầu năm nay. Doanh số bán xe đã giảm mạnh trong tháng 4, riêng Tesla ghi nhận mức giảm lên tới 98%.
Do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa và khủng hoảng trong ngành địa ốc, kinh tế Trung Quốc cũng đã giảm tốc tăng trưởng trong quý II và tháng 7. Bà Dan Wang - chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc - cho rằng đợt nắng nóng nghiêm trọng có thể tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thứ hai thế giới.
"Chúng ta còn đang ghi nhận sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất của ngành thép, hóa chất và phân bón. Đó đều là những lĩnh vực quan trọng đối với xây dựng, nông nghiệp và sản xuất nói chung", bà Wang bình luận.
Nắng nóng kỷ lục và tình trạng mất điện gợi nhớ đến đợt cắt điện trên diện rộng tại Trung Quốc vào năm ngoái. Thời điểm đó, các trung tâm sản xuất như Quảng Đông, Chiết Giang và Giang Tô bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Theo ước tính của chúng tôi, đợt thiếu điện hồi năm ngoái đã khiến mức tăng trưởng GDP chung của Trung Quốc giảm khoảng 0,6 điểm phần trăm. Năm nay, con số này sẽ cao hơn nhiều", bà Wang cảnh báo.
"Tăng trưởng GDP có thể sụt giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm", bà dự báo.