Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc

Mức giá than tăng vọt vì nhu cầu sử dụng cao đã kéo theo sự thiếu hụt nguồn điện, từ đó đặt ngành công nghiệp chế tạo của Trung Quốc vào tình trạng báo động.

Các nhà máy ở Trung Quốc đang lâm vào tình cảnh khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với tình trạng nguồn cấp điện ngày càng trở nên khan hiếm, theo CNN.

Nhiều xí nghiệp nhiệt điện than của Trung Quốc đang lao đao vì giá than cao kỷ lục, khiến việc sản xuất điện không có lãi. Điều này không chỉ đe dọa cuộc sống người dân Trung Quốc khi mùa đông cận kề mà còn đẩy ngành công nghiệp sản xuất của nước này vào bờ vực suy thoái.

Trung Quoc thieu dien anh 1

Nhiều nhà máy sản xuất ở Trung Quốc lâm vào cảnh điêu đứng trước tình cảnh thiếu hụt năng lượng. Ảnh: CNN.

Ngành công nghiệp lao dốc

Một cuộc khảo sát Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào ngày 30/9 cho thấy chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 9 là 49,6, giảm so với mức 50,1 của tháng 8. Theo thang PMI, mốc điểm dưới 50 cho thấy sự suy thoái trong hoạt động sản xuất.

PMI là chỉ số đo lường năng lực kinh tế của ngành sản xuất. Theo Bloomberg, khảo sát PMI được thực hiện dựa trên việc theo dõi lượng truy vấn về sản xuất, số đơn đặt hàng, hàng tồn kho, vị trí lao động và giá cả.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chứng kiến sự thu hẹp hoạt động sản xuất sau 18 tháng tăng trưởng liên tục, theo MarketWatch.

NBS cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái nói trên xuất phát từ việc các nhà máy đang suy yếu do chi phí năng lượng tăng cao. Báo cáo hôm 30/9 cũng chỉ ra rằng các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng không có dấu hiệu khởi sắc trong hoạt động kinh doanh.

“Bức tranh tổng thể cho thấy ngành công nghiệp đã lao dốc ngay từ trước khi cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra”, Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, viết trong một báo cáo hôm 30/9.

Trung Quoc thieu dien anh 2

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics. Ảnh: Herald.

Ông Evans-Pritchard lưu ý rằng ngay cả các cuộc khảo sát mới nhất đều được thực hiện từ trước thời điểm việc thiếu điện trở thành một mối đe dọa đối với ngành công nghiệp Trung Quốc.

“Kể từ đó, tình trạng thiếu điện ngày càng trầm trọng”, ông Evans-Pritchard nói thêm, đồng thời chỉ ra rằng các báo cáo trên phương tiện truyền thông cho thấy nhiều nhà máy ở hơn 20 tỉnh đã phải thu hẹp quy mô sản xuất.

Hiệu ứng dây chuyền từ giá than tăng cao

Sự bùng nổ trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất đã thúc đẩy phần lớn sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm 2021, đồng thời tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, quá trình đó đòi hỏi một nguồn năng lượng đáng kể, chủ yếu đến từ lượng than khổng lồ mà Trung Quốc tiêu thụ.

Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc bắt đầu xảy ra vào tháng 6 và nhanh chóng chuyển biến xấu đi khi giá than tăng cao.

Ngày 27/9, người dân sống tại tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang lên mạng xã hội than phiền về việc thiếu điện chạy máy sưởi ấm, trong khi đèn giao thông và thang máy cũng không hoạt động, theo BBC.

Một công ty điện cho biết những đợt cắt điện có thể kéo dài tới mùa xuân năm 2022, và việc cúp điện không báo trước sẽ trở thành “trạng thái bình thường mới”. Bài đăng của công ty này sau đó bị xóa.

Trung Quoc thieu dien anh 3

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) ngày 29/9 thông báo họ sẽ “thực hiện nhiều biện pháp tăng cường điều chỉnh cung và cầu” song không tiết lộ có nâng trần giá điện hay không. Ảnh: SCMP.

Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng đã buộc các nhà máy phải cắt giảm sản xuất. Sự thu hẹp hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp là mối đe dọa đối với nền kinh tế Trung Quốc và có thể đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu đến bờ vực sụp đổ, hãng tin CNN nhận định.

Những công ty ở vùng trung tâm công nghiệp của Trung Quốc đã được yêu cầu hạn chế tiêu thụ năng lượng để giảm nhu cầu về điện, truyền thông nước này đưa tin.

Trước tình cảnh thiếu hụt năng lượng, vào cuối tháng 9, Tổng công ty Lưới điện Quốc gia Trung Quốc tuyên bố sẽ “dốc toàn lực để đấu tranh với cuộc chiến cung cấp điện”, nỗ lực đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đối mặt với cơn khủng hoảng năng lượng, giới chức Trung Quốc ngày 29/9 tuyên bố sẽ nhập khẩu nhiều than hơn và điều chỉnh giá điện dựa theo cung - cầu của thị trường, theo South China Morning Post.

Kể từ tháng 1, giá than, được sử dụng để sản xuất điện, đã tăng gần 2/3, từ khoảng 104 USD/tấn lên xấp xỉ 170 USD/tấn, trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh và nguồn cung hạn chế.

Vấn đề thiếu điện đã khiến các nhà phân tích tại hãng tư vấn Nomura và ngân hàng đầu tư Goldman Sachs hạ mức tăng trưởng dự báo trong năm 2021 đối với Trung Quốc.

Các chuyên gia thuộc Goldman Sachs chỉ ra “sự bất ổn đáng quan ngại” trong quý IV của nền kinh tế Trung Quốc với tác động từ khoản nợ khổng lồ mà tập đoàn Evergrande phải đối mặt.

“Ngành dịch vụ vẫn còn cơ hội phục hồi sau thời gian gián đoạn bởi đại dịch”, ông Evans-Pritchard viết. “Tuy nhiên, ngành công nghiệp (Trung Quốc) nhiều khả năng sẽ suy thoái hơn”.

Thiếu điện đe dọa tăng trưởng của Trung Quốc

Trung Quốc rơi vào tình trạng thiếu điện vì nhiều lý do, như nguồn cung than thiếu hụt, tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn trước, nhu cầu hàng hóa tăng mạnh sau Covid-19.

Trung Quốc rơi vào cảnh thiếu điện nghiêm trọng nhất một thập kỷ

Tình trạng mất điện diện rộng trên hơn 20 tỉnh, thành ở Trung Quốc khiến cuộc sống người dân trở nên khó khăn, đồng thời gây ảnh hưởng lớn tới các hoạt động sản xuất.

Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu than giữa khủng hoảng năng lượng

Giới chức Trung Quốc ngày 29/9 tuyên bố sẽ nhập khẩu nhiều than hơn và điều chỉnh giá điện dựa theo cung - cầu của thị trường trong bối cảnh nước này rơi vào tình trạng thiếu điện.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm