Theo The Guardian, Đức vừa mở lại một nhà máy nhiệt điện than từng bị đóng cửa. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là Nga dừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt sang châu Âu.
Nhà máy nhiệt điện than ở bang Lower Saxon (thuộc sở hữu của công ty năng lượng Czech EGH) vừa được cấp phép khẩn cấp để hoạt động đến tháng 4. Động thái này nhằm thúc đẩy sản xuất năng lượng.
Ông Robert Habeck - Bộ trưởng Kinh tế Đức - mô tả đây là một "bước đi tồi tệ nhưng cần thiết". Ông thừa nhận Đức buộc phải lùi một bước trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Đức vừa mở lại một nhà máy nhiệt điện than từng bị đóng cửa. Ảnh: Reuters. |
Bước lùi của Đức
Trong khi đó, đảng Xanh của Đức bác bỏ việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân. Theo kế hoạch, những nhà máy này sẽ bị đóng cửa vào cuối năm nay.
Bà Ricarda Lang của đảng Xanh khẳng định một khi bà còn trong chính phủ, động thái này sẽ không xảy ra. Bà Lang đã từ chối lời kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner. Theo đó, thay vì ngừng hoạt động vào cuối năm nay, 3 nhà máy điện hạt nhân của Đức có thể mở cửa đến khoảng năm 2024.
Đức vẫn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga. Phần lớn khí đốt của Đức được vận chuyển qua đường ống Nord Stream 1.
Mới đây, gã khổng lồ dầu khí Gazprom PJSC của Nga cho biết sẽ tiếp tục giảm cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sang châu Âu.
Theo đó, kể từ sáng 27/7, lưu lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này giảm xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m3 khí một ngày, do họ phải đem một tuabin đi bảo trì.
Phần lớn khí đốt nhập khẩu của Đức được vận chuyển qua đường ống Nord Stream 1. Ảnh: Reuters. |
Triển vọng kinh tế Đức đang ảm đạm. Lạm phát tăng vọt làm bào mòn sức mua của người tiêu dùng. Trong khi đó, một cuộc khủng hoảng năng lượng đang rình rập, đe dọa đẩy nền kinh tế hàng đầu châu Âu vào suy thoái.
Đức đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga. Tỷ lệ khí đốt nhập khẩu đến từ Nga tại Đức đã giảm còn 35%. Trước khi Moscow đổ quân vào Ukraine, tỷ lệ này là 55%.
Tuy nhiên, theo 5 viện kinh tế hàng đầu của đất nước, việc Nga dừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt sẽ quét sạch 220 tỷ euro (tương đương 226 tỷ USD) khỏi nền kinh tế Đức trong 2 năm tới.
Kịch bản Nga chặn nguồn cung nhiên liệu hoàn toàn có thể xảy ra. Trong những tháng qua, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho một số quốc gia và doanh nghiệp châu Âu. Cuối tuần trước, Moscow dừng dòng chảy năng lượng sang Latvia vì "vi phạm thỏa thuận" mà không nêu chi tiết.
Tìm cách xoay xở
Giới chức châu Âu liên tục cảnh báo về tình trạng khủng hoảng trong mùa đông năm nay và năm sau. Trong khi đó, Đức vẫn đang xoay xở để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng.
Đức đã áp dụng các hạn chế đối với hệ thống sưởi ở những tòa nhà công cộng như tòa thị chính và bể bơi. Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu cho phép người lao động làm việc từ xa nhằm tránh sự nóng lên của những tòa nhà văn phòng lớn.
Người dân và các ngành công nghiệp của Đức cũng được khuyến khích hạn chế sử dụng nhiên liệu.
Trên thực tế, việc tiếp tục khai thác các nhà máy điện hạt nhân cũng là một lựa chọn không dễ dàng. Điều này sẽ cần đến sự đầu tư trong nhiều năm, trong khi Đức cũng thiếu hụt những thiết bị và nguồn nhân lực cần thiết.
Các doanh nghiệp được yêu cầu cho phép người lao động làm việc từ xa nhằm tránh sự nóng lên của những tòa nhà văn phòng lớn. Ảnh: Reuters. |
Trong một cuộc phỏng vấn, bà Lang khẳng định ngành công nghiệp điện hạt nhân của Đức "không có tương lai".
3 nhà máy điện hạt nhân của Đức đang đáp ứng khoảng 6% nhu cầu điện của nước này. Một phần năng lượng cũng được xuất khẩu sang Pháp.
Năm ngoái, 12,6% lượng điện của Đức, tương đương 65,2 tỷ KWh, được sản xuất bởi các nhà máy điện khí.
Bà Lang thừa nhận rằng nhiều người Đức lo ngại về khả năng Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt. "Nhưng chúng ta cần những câu trả lời phù hợp", bà nhận định.
"Vấn đề thực sự của chúng ta nằm ở khí hậu, chứ không phải thiếu điện", bà nhận định.