Giá dầu thô thế giới trồi sụt dữ dội trong vòng 24 giờ qua. Theo dữ liệu của Trading Economics, ngày 3/8, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã xuyên thủng ngưỡng quan trọng 100 USD/thùng và tăng vọt lên 102 USD/thùng. Tuy nhiên, giá nhanh chóng quay đầu giảm còn hơn 97 USD/thùng, giảm gần 3,5% so với 24 giờ trước đó.
Trong khi đó, giá dầu WTI ở mức 91,3 USD/thùng, đánh dấu mức giảm 3,23% sau một ngày.
Nói với Zing, các chuyên gia nhận định giá dầu đã đi lên sau cuộc họp quan trọng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+). Tuy nhiên, đà phục hồi của giá dầu không kéo dài.
Giá dầu thô Brent biến động dữ dội trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
Vượt ngưỡng 100 USD/thùng
"Giá dầu tăng cao sau khi OPEC+ đồng ý nâng mục tiêu sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày vào tháng 9. Đây là một mức tăng rất nhỏ", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
"Thêm vào đó, nhiều quốc gia cũng đang không đạt mục tiêu sản lượng", ông nói thêm.
Kết thúc phiên họp ngày 3/8, OPEC+ thống nhất tăng sản lượng thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng hơn 600.000 thùng vào tháng 7 và tháng 8.
Sản lượng dầu của các quốc gia thành viên OPEC+ sẽ không được tăng đáng kể trong thời gian tới. Ảnh: Reuters. |
Đây là mức tăng thấp nhất trong lịch sử của nhóm. Đáng nói, con số này sẽ được chia cho 23 quốc gia thành viên.
"Chỉ Saudi Arabia và UAE có khả năng nâng sản lượng đáng kể. Do đó, sau khi chia đều cho các nước thành viên, mức tăng thực tế sẽ rất ít", ông Erlam bình luận.
Điều này xóa tan kỳ vọng về khả năng OPEC+ nâng sản lượng mạnh tay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung tiếp tục hỗ trợ giá dầu.
Đà tăng chóng vánh
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu không kéo dài. Giải thích với Zing, ông Erlam cho rằng việc OPEC+ không nâng sản lượng đáng kể đã được dự báo từ trước và phản ánh trên thị trường.
Cùng ngày, dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng 4,467 triệu thùng trong tuần trước lên 426,6 triệu thùng, mức tăng lớn nhất trong vòng một tháng và vượt xa dự báo của giới quan sát.
Sản lượng của các nhà máy lọc dầu cũng giảm 174.000 thùng/ngày, trong khi công suất hoạt động sụt giảm 1,2 điểm phần trăm.
Việc OPEC+ không nâng sản lượng đáng kể đã được dự báo từ trước và phản ánh trên thị trường
Ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London
Theo giới quan sát, giá tăng cao đã phá hủy nhu cầu tại Mỹ và các thị trường khác trên toàn cầu. Nhóm phân tích của ANZ cho biết doanh số nhiên liệu ôtô của Anh cũng sụt giảm, trong khi nhu cầu xăng dầu vẫn ở dưới mức trung bình 5 năm.
Lo ngại suy thoái cũng phủ bóng lên thị trường dầu toàn cầu. "Đà tăng trưởng của dầu chững lại sau thông tin về hoạt động yếu kém của các nhà máy trên toàn cầu. Điều này cho thấy kinh tế toàn cầu đang cận kề một cuộc suy thoái", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - giải thích với Zing.
"Các chỉ số đo lường hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và châu Âu đều sụt giảm. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ tiếp tục giảm sút. Điều này không mang lại triển vọng tích cực cho nhu cầu dầu thô", ông nói thêm.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hoạt động sản xuất tại đất nước 1,4 tỷ dân bất ngờ đi xuống vào tháng 7. Nguyên nhân là nhu cầu yếu và các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) chỉ đạt 49 điểm trong tháng 7, thấp hơn 50,2 điểm hồi tháng 6. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
Trong khi đó, PMI do S&P Global đo lường tại các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ 52,1 trong tháng 6 còn 49,8 vào tháng 7. Đây là lần đầu tiên PMI của khối này giảm xuống dưới ngưỡng 50 kể từ tháng 6/2020.
Các hoạt động kinh tế tại Mỹ cũng suy yếu. Theo số liệu được Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hôm 29/7, trong quý II, GDP của Mỹ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi lao dốc 1,6% vào quý I. Như vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ghi nhận 2 quý giảm liên tiếp.