Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu thô về dưới 100 USD

Giá dầu thô thế giới lao dốc mạnh trong những ngày qua. Nguyên nhân là nhu cầu có khả năng suy yếu, trong khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung được khắc phục.

Giá dầu thô thế giới tiếp tục lao dốc mạnh. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã rơi xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng. Tính đến 15h30 ngày 2/8, giá lao dốc gần 1% so với một ngày trước đó xuống 99 USD/thùng.

Cuối tuần trước, giá dầu Brent đã giảm mạnh một mạch từ gần 111 USD/thùng xuống dưới 103 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI hiện được giao dịch ở mức 93 USD/thùng.

"Giá dầu thô lao dốc sau thông tin về hoạt động yếu kém của các nhà máy trên toàn cầu. Điều này cho thấy kinh tế toàn cầu đang cận kề một cuộc suy thoái. Cùng với đó, giới đầu tư cũng kỳ vọng sản lượng dầu sẽ tăng lên sau khi những tập đoàn dầu khí lớn báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong quý II", ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ - giải thích với Zing.

gia dau anh 1

Giá dầu thô Brent toàn cầu sụt giảm mạnh trong những ngày qua. Ảnh: Trading Economics.

Triển vọng toàn cầu suy yếu

"Các chỉ số đo lường hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và châu Âu đều sụt giảm. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ tiếp tục giảm sút. Điều này không mang lại triển vọng tích cực cho nhu cầu dầu thô", ông nói thêm.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, hoạt động sản xuất tại đất nước 1,4 tỷ dân bất ngờ đi xuống vào tháng 7. Nguyên nhân là nhu cầu yếu và các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19.

Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) chỉ đạt 49 điểm trong tháng 7, thấp hơn 50,2 điểm hồi tháng 6. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp.

Các chỉ số đo lường hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và châu Âu đều sụt giảm. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ tiếp tục giảm sút. Điều này không mang lại triển vọng tích cực cho nhu cầu dầu thô

Chuyên gia tài chính Edward Moya

Trong khi đó, PMI do S&P Global đo lường tại các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm từ 52,1 trong tháng 6 còn 49,8 vào tháng 7. Đây là lần đầu tiền PMI của khối này giảm xuống dưới ngưỡng 50 kể từ tháng 6/2020.

Theo S&P Global, ngoại trừ Hà Lan, hoạt động sản xuất đang suy yếu ở tất cả quốc gia thuộc khu vực đồng euro. Mức sụt giảm tại Đức, Pháp và Italy - 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực - rất đáng lo ngại.

Theo nhóm phân tích của ANZ, doanh số nhiên liệu ôtô của Anh cũng đã sụt giảm, trong khi nhu cầu xăng dầu vẫn ở dưới mức trung bình 5 năm.

Trong khi đó, theo số liệu được Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hôm 29/7, trong quý II, GDP của Mỹ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi lao dốc 1,6% vào quý I. Như vậy, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã ghi nhận 2 quý giảm liên tiếp.

Lạc quan về nguồn cung

Giới quan sát cũng lạc quan hơn về nguồn cung nhiên liệu. Công ty năng lượng Mỹ Devon Energy Corp dự báo sản lượng nhiên liệu trong năm nay sẽ tương đương 600.000-610.000 thùng dầu/ngày, tăng so với ước tính 570.000-600.000 thùng dầu/ngày trước đó.

"Các nhà giao dịch đã quen với những thông tin về tình trạng thiếu hụt sản lượng, vì vậy, việc các gã khổng lồ năng lượng thúc đẩy sản lượng sẽ đưa thị trường đến gần hơn với trạng thái cân bằng cung - cầu", ông Moya giải thích.

Ngoài Devon, tập đoàn dầu khí ExxonMobil và Chevron của Mỹ cũng nâng dự báo về sản lượng dầu trong năm nay.

Các nhà giao dịch đã quen với những thông tin về tình trạng thiếu hụt sản lượng, vì vậy, việc các gã khổng lồ năng lượng thúc đẩy sản lượng sẽ đưa thị trường đến gần hơn với trạng thái cân bằng cung - cầu

Chuyên gia tài chính Edward Moya

"Nhà đầu tư cũng dồn sự chú ý vào cuộc họp của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) diễn ra trong tuần này", ông Moya chia sẻ.

"Khi triển vọng nhu cầu dầu thô suy yếu, việc nâng sản lượng là khó xảy ra", ông Moya bình luận.

"Tuy nhiên, điều thực sự thúc đẩy các tập đoàn dầu là việc Mỹ nâng sản lượng và nguy cơ mất thị phần trên thị trường dầu toàn cầu", ông Moya chia sẻ.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng năng lượng của nhóm OPEC+ sẽ có cuộc họp vào ngày 3/8 để đưa ra quyết định về việc nâng sản lượng trong tháng 9.

Cơ quan nghiên cứu Energy Aspects (có trụ sở tại London) dự báo OPEC+ có thể điều chỉnh thỏa thuận hiện tại để bơm thêm nhiều dầu ra thị trường. Tuy nhiên, nhà phân tích Tamas Varga của PVM Energy cho rằng không nên kỳ vọng vào việc nhóm này sẽ mạnh tay tăng sản lượng.

Theo nguồn tin của Reuters, liên minh do Arab Saudi và Nga đứng đầu sẽ thảo luận về mức tăng khiêm tốn trong cuộc họp vào giữa tuần này.

Mới đây, Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais khẳng định Nga là "nhà sản xuất năng lượng lớn và có ảnh hưởng cao trên bản đồ năng lượng thế giới".

Người Mỹ làm đâu tiêu đấy vì lạm phát kỷ lục

Hàng trăm triệu người trưởng thành Mỹ làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu vì giá cả tăng nhanh. Họ thậm chí phải tiêu vào tiền tiết kiệm và nợ nần chồng chất.

Cuộc chiến nhiên liệu toàn cầu leo thang

Các quốc gia trên thế giới giành giật nguồn cung LNG ít ỏi để chuẩn bị cho mùa đông. Điều này có thể đẩy giá lên cao hơn và làm trầm trọng tình trạng thiếu hụt.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm