Những người chào đời trong thập niên 80 là thế hệ con một đầu tiên ở Trung Quốc do chính sách kế hoạch hóa gia đình bắt buộc. Giới truyền thông cho rằng, nhiều con một sống như "tiểu hoàng đế" vì cha mẹ nuông chiều và tạo mọi điều kiện vật chất cho họ.
Một nghiên cứu của Tòa án Nhân dân quận Siming, thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến cho thấy thế hệ 8X, những người đang trong độ tuổi kết hôn và nuôi con, đối mặt với khủng hoảng ly hôn. Gần 40% số vụ ly hôn phát sinh từ những người chào đời trong thập niên 80.
Một đám cưới ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Image |
Kuang Jieyu, một thẩm phán của Tòa án Nhân dân thành phố Hạ Môn, khẳng định sự can thiệp của cha mẹ là một nguyên nhân chính đối với sự tan vỡ hôn nhân của thế hệ 8X, theo phiên bản điện tử của Nhật báo Nhân dân tại Trung Quốc.
Một số cặp tan vỡ do không thể sinh con trai, trong khi nhiều cặp khác không thể chịu nổi phụ huynh đầy quyết đoán của đối phương, những người sẵn sàng ra những quyết định trong gia đình, thẩm phán Kuang khẳng định.
Vợ chồng chấm dứt quan hệ hôn nhân ngay sau khi cưới do áp lực từ gia đình hai bên là hiện tượng không quá hiếm ở Trung Quốc.
Trong nhiều trường hợp, gia đình tan vỡ bởi những lý do cực kỳ vụn vặt, như hai bên thông gia bất đồng về quy mô tiệc cưới hay cách thức trang trí phòng cưới.
Một phụ nữ tìm bạn đời cho con tại một "chợ hôn nhân" ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Song, cũng theo nghiên cứu của tòa án, hơn 60% vụ ly dị của thế hệ 8X ở Trung Quốc xuất phát từ việc người chồng không chung thủy. Phụ nữ chủ động ly hôn trong 60% số vụ, hiện tượng trái ngược với văn hóa nam trị trong gia đình Trung Quốc.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại tỉnh Thiểm Tây ở miền bắc Trung Quốc. Theo Sách Xanh Xã hội Thiểm Tây 2016, khoảng 50% cặp vợ chồng thế hệ 8X đã chấm dứt hôn nhân. Tỷ lệ tương tự của các cặp thuộc thế hệ 70 và 90 lần lượt là 36% và 7,3%.
Wu Xiaoying, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng tình trạng ở Thiểm Tây phản ánh một hiện tượng khá phổ biến.
"Thế hệ 80 đang trải qua những thử thách đầu tiên của hôn nhân. Áp lực từ công việc, gia đình và việc nuôi con ngày càng tăng", Wu nói.
Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng, 3 xu hướng khác đang diễn ra khắp thế giới: người dân kết hôn ngày càng muộn hơn, số người sống độc thân tăng dần và tỷ lệ gia đình tan vỡ ngày càng cao hơn.
Một luật sư tại Thượng Hải nói với Daily Mail: "Con một chịu đựng kém hơn những người khác. Họ cũng lệ thuộc vào phụ huynh về tài chính. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ gia đình tan vỡ tăng tới mức cao".
Theo vị luật sư, nhiều thanh niên 8X cần tiền của gia đình để mua nhà riêng sau khi kết hôn. Vì thế, đương nhiên phụ huynh của những người ấy nghĩ rằng họ có quyền can thiệp vào cuộc sống của con. Suy nghĩ của họ gây nên xung đột. Nhiều gia đình trục trặc do phụ huynh can thiệp quá mức, đặc biệt sau khi cặp vợ chồng sinh con.
"Khi phụ huynh giúp thanh niên 8X chăm sóc con, mâu thuẫn ngày càng phổ biến do sự khác biệt quan điểm về nuôi con giữa hai thế hệ", vị luật sư bình luận.