Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghề khóc thuê ở các làng quê Trung Quốc

Vượt qua nỗi sợ hãi của những ngày mới bước vào nghề và bị ảnh hưởng thị lực vì tiếp xúc nhiều với hương khói, Jin Guihua đã kiên trì theo nghề khóc thuê 19 năm.

2/4 là ngày đầu tiên trong Tiết Thanh minh kéo dài 3 ngày ở Trung Quốc. Trong những ngày này, người dân sẽ ra nghĩa trang, làm sạch ngôi mộ của bạn bè, người thân trong gia đình để tưởng nhớ họ. 

Năm nay, Jin Guihua, một người chuyên khóc thuê ở Thành Đô, Tứ Xuyên, quyết định ở nhà. Người phụ nữ 42 tuổi cho biết bà vừa đi khóc thuê ở một đám tang với khoản thù lao 120 nhân dân tệ (18,6 USD). 

nghe khoc thue o Trung Quoc anh 1
Jin làm nghề khóc thuê từ sau khi người cha qua đời, đến nay đã 19 năm. Ảnh: 

West China Metropolis Daily

"Không có mức giá cố định nào cho dịch vụ của chúng tôi. Tuy nhiên, gia đình người quá cố trả bao nhiêu thì chúng tôi nhận bấy nhiêu", China.org dẫn lời Jin nói. 

Jin bắt đầu làm nghề khóc thuê cách đây 19 năm, sau khi cha của bà qua đời. Theo phong tục địa phương, gia đình bà đã chi một khoản tiền lớn cho các dịch vụ khóc thuê và tổ chức đám tang. Ý tưởng mở một công ty tổ chức dịch vụ tang lễ bắt đầu nhen nhóm trong đầu Jin kể từ đó.

Cả bà và chồng đều có khiếu ca hát và chơi được một vài nhạc cụ. Hai vợ chồng nghĩ rằng nếu lập một ban nhạc, họ có thể kiếm đủ tiền để trang trải chi phí sinh hoạt. Sau đám tang của cha, vợ chồng Jin cùng một số bạn bè biết hát và múa đã thành lập nhóm nhạc Furious Wave Band, bắt đầu cung cấp phục vụ cho các lễ tang và đám cưới. 

Lần đầu tiên Jin khóc thuê chuyên nghiệp là năm 23 tuổi. Khi đứng trước di ảnh của người quá cố, bà đã cảm thấy rất căng thẳng và sợ hãi. "Khi đó tôi còn trẻ. Tôi sợ chết chóc và cả bóng tối", Jin kể lại. Nhưng vì biết rằng đây là công việc để kiếm sống, bà lấy lại bình tĩnh và khóc lớn. 

Mặc bộ đồ màu trắng và búi tóc cao, Jin trông giống nữ diễn viên bước ra từ một vở nhạc kịch truyền thống của Trung Quốc. Ngay khi người chủ trì tang lễ thông báo bắt đầu, Jin quỳ xuống trước di ảnh người quá cố. Tiếng nhạc nổi lên, Jin vừa đọc các đoạn thơ vừa gào khóc tảm thiết. Tiếng khóc não nùng tê tái của Jin khiến nhiều người đến viếng đám tang cũng không kìm được nước mắt. 

nghe khoc thue o Trung Quoc anh 2
Jin thường mặc bộ đồ màu trắng và vấn tóc cao mỗi khi khóc than tại tang lễ. Ảnh: 

West China Metropolis Daily

"Chúng tôi luôn đưa cảm xúc thật vào khi làm việc để khiến không khí xúc động hơn", Jin nói. Là người khóc thuê chuyên nghiệp, Jin chia sẻ rằng công việc này không hề dễ dàng như mọi người vẫn nghĩ. Màn khóc thương của Jin thường có ba phần, từ kể lại những khó khăn mà người chết đã trải qua trong quá trình nuôi dạy con cái, đến bày tỏ nỗi tiếc thương của các thành viên trong gia đình và cầu chúc cho người qua đời có chuyến đi thanh thản sang thế giới bên kia. 

Người phụ nữ này hiện có một cô con gái 21 tuổi, đang làm việc tại một công ty tổ chức tiệc cưới. Sau 19 năm lăn lộn với nghề khóc thuê, thường xuyên phải tiếp xúc với khói và lửa nên thị lực của Jin đã giảm đi nhiều. Từ năm 2010, bà bị cận khá nặng. 

Jin nói bà không đặt ra mức giá cố định cho dịch vụ khóc thuê. Mức thù lao cho mỗi lần khóc tại đám tang dao động từ 100-1.000 nhân dân tệ (15,6-156 USD). Khách hàng chủ yếu là người sống ở vùng nông thôn hay ngoại ô. 

"Người thành phố hiếm khi tìm đến tôi vì họ không chú trọng những thủ tục này", Jin chia sẻ. Theo bà, điều quan trọng nhất trong khi làm nghề là điều tiết cảm xúc của mọi người, giúp họ giải toả nỗi đau và phiền muộn bằng cách khóc thật to. 



Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm