Đại diện các hệ thống bán lẻ cho biết smartphone cũng gặp tình trạng thiếu hàng giống như laptop. Tuy nhiên, các hãng như Samsung, Oppo, Xiaomi, Vivo... vẫn chưa đưa ra thông báo sẽ tăng giá máy.
Theo ông Phạm Công Bằng - Giám đốc Kinh doanh Vivo Việt Nam, hiện nay các nhà sản xuất đang gặp khó khăn về nguồn cung. Cụ thể, nguồn chip bị ảnh hưởng mạnh. Việc ảnh hưởng này diễn ra từ quý IV/2020 đến nay và sẽ còn tiếp diễn trong năm 2021.
Giá đầu vào một số sản phẩm của Vivo so với mức kế hoạch trước đó đã tăng từ 3-5%. Tuy nhiên đến hiện tại, công ty không tăng giá các model đã bán. Vivo chỉ cơ cấu doanh thu, giảm số lượng các model khi bị tăng giá cao dẫn đến bán lỗ.
Thị trường di động Việt Nam đang đối mặt với cơn khan hàng cục bộ. |
“Từ cuối quý 3/2020 chúng tôi đã có kế hoạch và dự trù về khả năng thiếu hàng. Nên phần lập kế hoạch về hàng hóa cho thị trường rất quan trọng. May mắn cho chúng tôi là Vivo không bị thiếu hụt hàng quá nhiều. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một số sản phẩm gần như chỉ bán ở Việt Nam như Y12s, nên cũng không bị ảnh hưởng/cạnh tranh bởi các thị trường khác”, ông Bằng nhận định.
Cuối năm 2020, 4 mẫu iPhone 12 lên kệ tại Việt Nam với giá bán từ 19-30 triệu đồng. Trong đó, mẫu iPhone 12 Pro và iPhone 12 Pro Max liên tục gặp tình trạng hết hàng tại các hệ thống bán lẻ. Mẫu Poco X3 Pro và F3 mới ra mắt cũng gặp tình trạng tương tự.
"Một số mẫu smartphone mới ra mắt như Galaxy A52, A72 và đa phần máy tính vừa rồi cũng gặp phải tình trạng thiếu hàng, không giao được như dự kiến", đại diện hệ thống FPT Shop chia sẻ.
Ông Hoàng Tuấn Vũ - đại diện truyền thông Xiaomi Việt Nam cho biết ngành hàng smartphone đang chịu ảnh hưởng do khủng hoảng chip trên toàn cầu. Hiện tại, các mẫu máy mới của Xiaomi có số lượng về hàng rất hạn chế so với trước đây.
Cuối tháng 3, Samsung thông báo với giới truyền thông rằng họ có thể phải trì hoãn việc ra mắt những mẫu smartphone cao cấp do tình trạng khan hiếm chất bán dẫn, mặc dù bản thân công ty cũng đang sản xuất mặt hàng này.
Theo The Guardian, người tiêu dùng toàn cầu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các sản phẩm điện tử như TV, điện thoại di động, máy chơi game và thậm chí là ôtô vì sự khan hiếm của chất bán dẫn.
Tình trạng thiếu chip, “bộ não” trong mọi thiết bị điện tử, đang ngày càng tồi tệ kể từ năm 2020. Vấn đề ban đầu chỉ là sự trì hoãn tạm thời về nguồn cung do các nhà máy phải đóng cửa để ứng biến với đợt sóng Covid-19 thứ nhất.