Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khủng hoảng bắt đầu tấn công nước Nga

Moscow thừa nhận nền kinh tế Nga bắt đầu rơi vào vòng xoáy khủng hoảng ngay trước khi bán đảo Crimea chính thức trở thành một phần lãnh thổ của họ.

Hôm 17/3, lần đầu tiên chính phủ Nga thông báo nền kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới đang rơi vào khủng hoảng. Trước đó các quan chức ở Moscow tin rằng, mặc dù nền kinh tế đang suy yếu, nhưng Nga có thể vượt qua các lệnh trừng phạt từ phương Tây sau khi sáp nhập Crimea vào lãnh thổ.

Theo Reuters, thị trường tài chính tại Moscow đã mất hàng tỷ USD trong những tuần gần đây. Giới chức Nga cho biết, cuộc đối đầu giữa Moscow và các nước phương Tây về vấn đề Ukraina sẽ “đè nặng lên nền kinh tế” do những lời đe dọa trừng phạt kinh tế và phong tỏa tài sản.

Giới chức Nga nói cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây sẽ gây hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù không trực tiếp nói về mức độ ảnh hưởng từ sự đối đầu giữa Nga với phương Tây nhưng tại một diễn đàn doanh nghiệp hôm 17/3, Thứ trưởng Kinh tế Sergei Belyakov cho rằng nền kinh tế Nga đang gặp rắc rối. 

“Nền kinh tế có dấu hiệu rõ ràng của một cuộc khủng hoảng”, ông Belyakov thừa nhận.

Giới chức châu Âu cho biết họ sẽ trừng phạt Nga vì hành động can thiệp vào Crimea. Các biện pháp cấm vận bao gồm hạn chế đi lại và phong tỏa tài sản đối với quan chức Nga. Mỹ cũng thực hiện các biện pháp tương tự.

"Trừng phạt là điều đáng lo ngại nhất. Tuy nhiên, vấn đề người ta quan tâm là các biện pháp trừng phạt đó là gì, quy mô ra sao và chúng sẽ tác động như thế nào tới hệ thống tài chính của Nga, nền kinh tế, thị trường và các công ty lớn”, ông Konstantin Chernyshev, giám đốc nghiên cứu của công ty tài chính Uralsib tại Moscow, nhận định.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán nước Nga sẽ bước vào giai đoạn khủng hoảng. Phần lớn họ đã nhanh chóng giảm con số trong các dự báo tăng trưởng của nước này. Đây là kết quả của sự đối đầu tồi tệ nhất giữa Nga và phương Tây từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

“Nhu cầu nội địa sẽ đình trệ do những bất ổn. Những điều kiện tài chính khắt khe hơn có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái trong quý II và quý IV năm 2014. Chúng tôi đã hạ triển vọng tăng trường cả năm của Nga xuống 0%. Những rủi ro sẽ tiếp diễn nếu những bất ổn tiếp tục leo thang hoặc các lệnh cấm vận có hiệu lực trong một thời gian dài”, Vladimir Kolychev và Daria Isakova, các nhà kinh tế thuộc tổ chức tài chính VTB Capital cho biết.

Trước khi cuộc khủng hoảng tại Ukraina leo thang, Bộ Kinh tế đưa ra những dự đoán về việc nền kinh tế Nga sẽ tăng 2% trong năm nay.

Cái giá quá đắt cho ván cờ chính trị

Các nhà kinh tế đưa ra nhiều lời cảnh báo rằng Moscow sẽ phải trá giá đắt cho những quyết định về chính trị sau khi Tổng thống Vladimir Putin can thiệp vào khủng hoảng tại Ukraina để bảo vệ những người dân nói tiếng Nga.

Chỉ số MICEX (công cụ đo biến động giá của 50 cổ phiếu hàng đầu  nước Nga) bằng đồng ruble đã mất hơn 66 tỉ USD trong giá trị vốn hóa thị trường (thước đo quy mô của doanh nghiệp). Ngân hàng Trung ương Nga đã chi hơn 16 tỉ USD để bảo vệ đồng ruble. Chỉ trong cuối tuần trước, chỉ số MICEX đã giảm 7,6 % và RTS giảm hơn 8%.

Theo các nhà phân tích, trong vòng vài tuần, từ vị trí là một thị trường mới nổi có khả năng không phải phụ thuộc vào gói kích thích tiền tệ của Mỹ, Nga trở thành một trong số những nền kinh tế dễ tổn thương nhất.

“Nền kinh tế Nga đã phải vật lộn với trước khi cuộc khủng hoảng tại Ukraina diễn ra. Các lệnh trừng phạt về kinh tế và tài chính sẽ khiến những bất ổn tăng cao”, Alexander Morozov, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng HSBC tại Moscow, nhận định.

Khoảng 50 tỷ USD đã rời khỏi nước Nga vào quý đầu tiên, con số quá lớn so với 63 tỉ USD trong cả năm 2013. Giá trị đồng ruble đã giảm 11% so với đồng USD trong khoảng thời gian từ đầu năm tới thời điểm hiện tại, đạt mức thập nhất từ trước tới nay.

Hôm 15/3, Ngân hàng trung ương Nga tuyên bố họ sẽ tìm biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế sau những bất đồng với phương Tây về vấn đề Crimea. Vào đầu tháng 3, ngân hàng đã bất ngờ tăng lãi suất cơ bản để ngăn chặn tình trạng thất thoát vốn.

Ngân hàng Trung ương Nga sở hữu lượng vàng và dự trữ ngoại hối lớn thứ ba trên thế giới với quỹ dự phòng là 494 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang tại Ukraina, lượng dự trữ đó sẽ cạn kiệt một cách nhanh chóng. 

“Rõ ràng quỹ dự phòng đã hao hụt trong những ngày gần đây, khi những căng thẳng địa chính trị tại bán đảo Crimea ngày trở nên nghiêm trọng hơn”, Nicholas Spiro, giám đốc bộ phận quản lý của công ty chuyên phân tích rủi ro tài chính Spiro tại London, nhận xét.

 

 

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm