Ngày 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư vào vùng với chủ đề "Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển".
Mục đích của hội nghị bao gồm xúc tiến đầu tư cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nếu chỉ cứ thiên về các chỉ tiêu năng suất, sản lượng, quy mô, diện tích canh tác, sản xuất các mặt hàng nông sản, thì tăng trưởng, phát triển nông nghiệp của các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ khó lòng sánh với các địa phương khác.
Ngược lại, nếu biết cách khai thác, chăm chút giới thiệu nét đặc sắc, độc đáo văn hoá tinh hoa của đồng bào dân tộc thiểu số, từ tài nguyên bản địa, cảnh sắc thiên nhiên, biết cách khéo léo kể chuyện, nâng niu, thổi hồn cho từng sản phẩm, hay đơn giản là biết cách in tên khách hàng lên từng hộp trà một cách trân trọng, nhiều giá trị mới, đa tầng, bền vững có thể được khởi tạo, lan toả khắp vùng cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 11. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Còn theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong vùng đang nỗ lực, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tạo bước tiến rõ rệt về xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, từ đó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển đường bộ gặp nhiều khó khăn, việc xây dựng, khai thác các sân bay như Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên, Nà Sản (Sơn La) sẽ tạo đột phá rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thậm chí kể cả các nhà đầu tư lớn như Samsung, khi phần lớn các sản phẩm của họ được vận chuyển đi khắp thế giới bằng đường hàng không.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là vùng có tiềm năng lớn, nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, có nơi, có lúc còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại trung ương, tính tự lực, tự cường chưa cao.
Thủ tướng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm tích cực triển khai hoàn thiện quy hoạch vùng, tập trung giải ngân vốn đầu tư công và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Với lợi thế có nhiều dược liệu quý và cửa khẩu quốc tế, vùng có thể đẩy mạnh phát triển vùng dược liệu và xây dựng hệ sinh thái kinh tế cửa khẩu.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Đến nay, tăng trưởng GRDP của vùng đang được cải thiện, đều ghi nhận mức cao nhất cả nước; bình quân giai đoạn năm 2005-2020 đạt khoảng 9,3%. Quy mô GRDP đạt 688.900 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 54,1 triệu đồng.
Xuất khẩu tăng mạnh, từ 3,3 tỷ USD năm 2013 lên đến 41,7 tỷ USD năm 2020; tốc độ tăng trưởng đạt 57,8%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Nhiều địa phương có công nghiệp phát triển mạnh như Bắc Giang, Thái Nguyên.
Nông nghiệp phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng như Mộc Châu, Sơn La, Bắc Giang...
Khu vực dịch vụ, du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Thị trường du lịch được mở rộng với một số sản phẩm du lịch đặc thù gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc.