Bọt biển ET và những loài san hô cấu thành khu vực được các nhà khoa học gọi là "khu rừng kỳ dị" ở dưới sâu Thái Bình Dương. Ảnh: NOAA. |
Một ngày năm 2017, một nhóm nhà khoa học đã không khỏi trầm trồ khi bắt gặp cảnh tượng ở ngọn núi lửa ngầm sâu gần 2,5 km giữa biển Thái Bình Dương. Họ gọi những gì đã trông thấy ở đó là “khu rừng kỳ dị”, theo Guardian.
Nhưng khu rừng ấy không hề có cây cối, mà thay vào đó là những loài san hô có hình thù kỳ quái. Có loài trông giống những chiếc cọ chai xoăn xoăn (Rhodaniridogorgia), loài khác mang hình hài chiếc đàn hạc (Narella) bị ép dẹp, phần nhánh bị những con sao biển đuôi rắn cuốn quanh.
Nằm xen giữa san hô là bọt biển thủy tinh các loài, trong đó có loài Aspidoscopulia, trông như một chiếc váy trắng xếp nếp đang đung đưa theo gió trên phần thân zigzag.
Nhưng có lẽ thu hút ánh nhìn nhất là loài bọt biển thủy tinh có phần thân dài, trên ngọn là một thứ gì đó từa tựa hình trái dưa hấu với 2 lỗ lớn, khiến người ta liên tưởng tới hai con mắt.
Cũng vì có ngoại hình kỳ lạ, loài bọt biển này đã được đặt biệt danh là “bọt biển ET” theo tên nhân vật người ngoài hành tinh trong bộ phim “ET” ăn khách của đạo diễn Steven Spielberg. Năm 2020, nó chính thức được đặt tên khoa học là Advhena magnifica, tức “người ngoài hành tinh hùng vĩ”.
Một cá thể bọt biển thủy tinh ET ở nơi sâu gần 2,5 km dưới biển Thái Bình Dương. Ảnh: NOAA. |
Một chi bọt biển mới hoàn toàn
Dù vẻ ngoài trông giống thực vật, bọt biển trên thực tế là động vật có cấu tạo đơn giản. Chúng không có gương mặt, não, tim, cơ bắp hay bất cứ bộ phận cơ thể nào khác. Phần lớn cuộc đời bọt biển gắn liền với đáy biển. Chúng kiếm ăn bằng cách dùng cơ thể lọc dòng chảy của nước để tách lấy những hạt thức ăn bé tí.
Trước khi được bắt gặp vào năm 2017, bọt biển ET mới chỉ được quan sát thấy một lần, đó là vào năm 2016 ở gần Rãnh Mariana, cách ngọn núi lửa ngầm giữa biển Thái Bình Dương hàng nghìn dặm về phía tây. Khi đó, các nhà khoa học đã lấy mẫu loại san hô này.
Ngay khi quan sát mẫu vật, tiến sĩ Cristiana Castello Branco tại Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Quốc Smithsonian lập tức nhận thấy sự lạ thường của loài sinh vật trước mắt. “Hình dạng của nó rất đặc trưng”, cô nói.
Bọt biển Advhena magnifica cấu tạo cơ thể bằng những cấu trúc tí hon, còn gọi là spicule, được làm từ silica. Dưới kính hiển vi, tiến sĩ Castello Branco thấy những cấu trúc tí hon này trông giống hình bông tuyết nhọn hay hoa cúc cánh rủ.
“Tôi thấy có một số spicule trong số này rất khác biệt”, tiến sĩ Castello Branco nói. Đây không những là một loài mới mà là cả một chi bọt biển nước sâu mới chưa từng được ai phát hiện trước đó.
Các nhà khoa học đặt tên cho bọt biển Advhena magnifica theo tên người ngoài hành tinh ET trong bộ phim cùng tên của đạo diễn Steven Spielberg. Ảnh minh họa: Universal Picture. |
Mẫu bọt biển ET mà tiến sĩ Castello Branco có trong tay đã được thu thập bằng cánh tay cơ khí của con robot lặn sâu dưới đáy biển, được điều khiển thông qua cáp nối với tàu trên mặt nước.
Điều này trái ngược với quá khứ, khi giới nghiên cứu thường chỉ có thể xem xét những mẫu bọt biển đã bị hỏng mất một phần sau khi san hô lọt vào lưới bắt cá.
Theo tiến sĩ Castello Branco, công nghệ điều khiển từ xa là thứ làm thay đổi cuộc chơi đối với công việc của cô. Bên cạnh việc có thể thu thập mẫu vật nguyên vẹn, giới nghiên cứu như cô có thể quan sát động vật ở sinh cảnh tự nhiên và biết thêm nhiều điều về đời sống của chúng.
Cách kiếm ăn trái ngược
Trên Scientific American, cây bút Jennifer Frazer nhận định bọt biển thủy tinh vốn dĩ là loài sinh vật rất kỳ lạ. Chúng không có hoặc có rất ít “tế bào” theo đúng nghĩa mà thay vào đó là mạng lưới các tế bào chất chứa nhiều nhân tế bào.
Bọt biển thủy tinh cũng có thể là một trong những loài động vật cổ xưa nhất trên Trái Đất. Một số cá thể có thể đã sống hơn 10.000 năm như Monorhaphis chuni.
Tiến sĩ Cristiana Castello Branco. Ảnh: Cristiana Castello Branco. |
Băng ghi hình khu rừng kỳ dị dưới biển Thái Bình Dương cho thấy tất cả cá thể bọt biển ET đều cùng quay mặt về một hướng. Về việc này, tiến sĩ Castello Branco cho rằng chúng có thể xoay thân như vậy để lọc thức ăn đi theo dòng nước quét qua rặng những ngọn núi ngầm dưới biển.
Bọt biển sinh sống ở vùng biển nông, bao gồm các loài thường được thu thập để dùng trong nhà tắm, thường sẽ hút lấy nước biển qua những chiếc lỗ li ti trên khắp cơ thể, lọc lấy thức ăn rồi đẩy nước ra qua những lỗ lớn hơn.
Nhưng nhiều khả năng bọt biển ET không làm như vậy mà chúng có thể sẽ hút nước qua phần “mắt” có diện tích bề mặt lớn hơn. Đây có thể là chiến thuật sinh tồn tối quan trọng cho sinh vật trú ngụ dưới biển sâu vì nơi đây thường có ít thức ăn hơn.
Cho tới nay, bọt biển ET mới chỉ được tìm thấy ở hai địa điểm nói trên, nhưng tiến sĩ Castello Branco tin rằng nhiều khả năng loài này sẽ xuất hiện ở các ngọn núi ngầm khác - nơi được cô gọi là đảo hội tụ sinh vật hoang dã.
“Đây chỉ là vấn đề thời gian”, cô nói. “Loại môi trường có sự đa dạng bọt biển như vậy phổ biến hơn nhiều so với những gì chúng ta vẫn thường nhận định”.