Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khu nhà đẹp cho sinh viên thuê giá 200.000 đồng ế khách

Ký túc xá chất lượng cao Pháp Vân - Tứ Hiệp từng hứa hẹn đáp ứng hơn 20.000 nhu cầu chỗ ở của sinh viên dù đã vận hành gần một năm nhưng ế khoảng 2/3 số phòng.

Khu nhà ở Pháp Vân (quận Hoàng Mai) nằm ven quốc lộ 1A, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km.
Công trình gồm 6 toà nhà 20 tầng xây dựng trên diện tích hơn 40.000 m2, có khả năng cung cấp chỗ ở cho 22.000 học viên, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học khu vực xung quanh.
Tháng 1/2015, khu nhà chính thức được vận hành. Tuy nhiên chỉ có 3/6 toà nhà đi vào hoạt động là toà A1, A5 và A6, 3 toà còn lại vẫn đang hoàn thiện với tiến độ chậm, chưa hẹn lịch khánh thành.
Tháng 1/2015, khu nhà chính thức vận hành. Tuy nhiên chỉ có 3/6 toà nhà đi vào hoạt động, bao gồm tòa A1, A5 và A6. 3 tòa còn lại vẫn đang hoàn thiện với tiến độ chậm.

Đại diện ban quản lý toà nhà cho biết, hiện chỉ có toà A6 là kín phòng tới tầng 18/19 tầng.
Còn lại các tòa A1, A5 sinh viên ở rất hạn chế. Đặc biệt, theo phản ánh của một số bạn trẻ, toà A5 có cả những người không phải học sinh sinh viên vào ở. Ông Lê Phúc Lợi, Trưởng ban quản lý toà nhà khẳng định, đây là các học viên một trường trung cấp nghề tại Thanh Xuân, thuộc đối tượng được thuê phòng.
Bảng hướng dẫn sinh viên đăng ký thủ tục đóng vào một góc cửa phụ tòa nhà A5, nơi ít người qua lại. Đại diện bộ phận tiếp nhận sinh viên cho biết, để hỗ trợ tối đa người tới đăng ký, BQL toà nhà đã làm việc cả thứ bảy, chủ nhật và ngoài giờ hành chính.

Tuy được quảng cáo từ đầu là công trình có nhiều tiện ích hiện đại nhưng theo ghi nhận, mạng ADSL mới có tới tầng 13 của toà nhà. Nhiều sinh viên ở các tầng cao do không có Internet phải dùng 3G để học tập.
Hiện tượng nứt, lún xuất hiện tại một số hạng mục thi công.
Theo nhiều sinh viên, cách đây không lâu, một trận mưa to đã làm nước tràn ngập tầng hầm để xe, gây thiệt hại phương tiện di chuyển. Ông Lê Phúc Lợi cho biết, đây là thực trạng chung của nhiều công trình xây dựng trên vùng đất trũng này. Khi tầng hầm bị ngập, BQL hô hào cả hội sinh viên hỗ trợ giải cứu phương tiện, đồng thời có ý kiến lên chủ đầu tư. Ông Lợi khẳng định tình trạng trên sẽ không tái diễn.

Khu vực xung quanh tòa nhà khá thoáng mát, nhưng ít dân cư, người qua lại cũng thưa thớt. Đa số sinh viên khi được hỏi đã cho biết, điểm trừ lớn nhất cản trở nhiều bạn tới đây ở là phương tiện giao thông quá khó khăn. 
Cả khu nhà hiện có khoảng hơn 1.000 sinh viên ở nhưng chỉ có duy nhất một tuyến xe buýt 60A vào khu ký túc xá. Muốn tới trường hay các nơi khác trong thành phố, sinh viên phải bắt tuyến buýt này tới bến xe Nước Ngầm rồi đi các chặng xe khác.

Đại diện BQL tòa nhà cho biết, thủ tục đăng ký thuê phòng khá đơn giản, chỉ cần giấy tờ chứng minh là học viên, sinh viên, đơn xin thuê trọ cùng khoản tiền đặt cọc ban đầu tổng cộng hơn 1,5 triệu đồng là có thể vào ở luôn. Giá thuê phòng là 205.000 đồng một tháng, các loại phí khác như gửi xe 40.000-60.000 đồng, điện nước và Internet mỗi tháng chưa tới 100.000 đồng. So với khung giá thuê phòng tại thành phố, mức này thấp hơn nhiều.

Lê Hiếu - Diệp Sa

Bạn có thể quan tâm