Chiều 15/6, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình mở đầu phần chất vấn bằng việc báo cáo một số vấn đề mà cử tri quan tâm trước khi nhận câu hỏi.
Cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng tích cực, kết quả tốt hơn tháng 4 và quý I.
Tuy nhiên, như Chính phủ đã báo cáo và ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu, kinh tế - xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 5,7%, thấp hơn cùng kỳ (7,4%).
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình. Ảnh: Quochoi.vn |
Chính phủ đang tiếp tục rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước; kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường.
Chính phủ cũng tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác; có giải pháp phù hợp xử lý về tài chính theo nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro đối với từng dự án, không sử dụng nguồn hỗ trợ từ NSNN; tạo thuận lợi để chuyển nhượng cho các đối tác bên ngoài.
Đối với các dự án phục hồi được, có giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị doanh nghiệp và thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm lỗ và tiến tới có lãi. Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN phải chịu trách nhiệm về việc hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và xử lý dứt điểm tồn tại để nâng cao hiệu quả hoạt động; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo thực hiện. Chính phủ sẽ xử lý nghiêm lãnh đạo DNNN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, không hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn và nhiệm vụ được giao.
-
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé: Xin Phó thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục các yếu kém trong các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là cao tốc để tạo động lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh): Tình trạng lãng phí trong đầu tư công, phát triển theo phong trào không bám sát quy hoạch, ô nhiễm môi trường... khiến các đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ cơ chế chịu trách nhiệm của từng thành viên trong các ban chỉ đạo hiện nay. Cần khắc phục tình trạng mỗi lần họp ban chỉ đạo nhưng không ai chịu trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang): Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều chính sách để phát triển khu vực miền núi. Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là lõi nghèo của cả nước. Đề nghị Phó thủ tướng cho biết giải pháp căn cơ để phát triển toàn diện khu vực này để nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
-
Ngoài 12 dự án thua lỗ lớn, còn có dự án nào tiếp tục thua lỗ?
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh): Về vấn đề giải cứu ngành chăn nuôi, năm 2016 giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi chiếm 45% giá trị của ngành nông nghiệp. Khi thị trường chăn nuôi hạ giá thì người nông dân gánh chịu hậu quả lớn. Chính phủ cho biết ý kiến để giải cứu ngành chăn nuôi?
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc): Dư luận xã hội quan tâm tới tồn tại yếu kém của các dự án gây lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng, xin Phó thủ tướng cho biết ngoài 12 dự án đã được xác định, có còn những dự án nào nữa? Chính phủ có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng dự án nghìn tỷ bỏ hoang và nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan?
-
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Thủ tướng, Chính phủ quyết tâm nhưng các chuyển động của các bộ, ngành còn thấp. Như ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều dự án còn chậm triển khai, cao tốc Trung Lương - Cần Thơ còn chưa có vốn để triển khai... Như vậy sự phát triển của khu vực này còn khó khăn, đời sống của 18 triệu dân còn khó chuyển biến?
-
Bỏ biên chế giáo viên chỉ là đề xuất của Bộ Giáo dục & Đào tạo
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình: Về câu chuyện biên chế giáo viên hay hợp đồng, vấn đề đề xuất này cơ quan đề xuất nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ. Đây là vấn đề liên quan tới chủ trương đồng thời liên quan tới chính sách và pháp luật. Pháp luật liên quan tới luật công chức, viên chức. Chính sách liên quan tới người lao động, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.
Chúng ta mong muốn công chức là những người tác nghiệp chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền. Còn viên chức thực hiện theo chế độ hợp đồng. Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ, còn đề xuất của Bộ Giáo dục Đào tạo mới chỉ là ý kiến đề xuất chứ chưa phải quyết định.
Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu đề án tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và trình tại Hội nghị Trung ương 6 tới đây.
-
Tiếp tục phát triển hạ tầng tại đồng bằng sông Cửu Long
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Giai đoạn 2011-2015, Nhà nước đã đầu tư 40 dự án với tổng mức 5,8 nghìn tỷ tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính phủ tiếp tục rà soát các dự án hiệu quả để thức đẩy đầu tư theo điều kiện phân bổ vốn. Trong đó, dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ có chậm, Chính phủ đã thấy có sự yếu kém trong công tác tham mưu. Sự chậm trễ này đã góp phần làm kìm hãm phát triển trong vùng. Khó khăn nằm ở việc thu xếp vốn của Bộ Giao thông Vận tải.
Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiếp độ. Chính phủ cũng đang chỉ đạo các bộ, ngành cùng các địa phương trong vùng hoàn thành các công trình theo quy hoạch để sớm đưa vào sử dụng hiệu quả .
Ban chỉ đạo nào không hiệu quả thì loại bỏ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh): Về quy chế phối hợp liên ngành của các ban chỉ đạo, thời gian tới Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng và nghiên cứu đề xuất để luật hóa trách nhiệm khâu nối giữa các cơ quan. Hiện nay có nhiều ban chỉ đạo liên ngành, có ban chỉ đạo phát huy hiệu quả có ban chỉ đạo chưa phát huy được trách nhiệm, còn hình thức.
-
Vẫn còn các dự án "đắp chăn, đắp chiếu"
Về 12 dự án thua lỗ, thất thoát, Phó thủ tướng cho biết các dự án này sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại trên tinh thần không để thất thoát về ngân sách, không dùng ngân sách trả nợ và xử lý nghiêm các vi phạm kể cả của tổ chức và cá nhân.
Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo do một phó thủ tướng làm trưởng ban để chỉ đạo khắc phục.
Về câu hỏi ngoài 12 dự án này còn có dự án nào không, Phó thủ tướng cho biết còn các dự án thua lỗ lớn nhưng Chính phủ vẫn đang yêu cầu các bộ ngành, các địa phương rà soát báo cáo các dự án "đắp chăn, đắp chiếu".
-
Phải hướng dẫn người nông dân sản xuất chất lượng cao
Trả lời các chất vấn "được mùa, mất giá", liên tục giải cứu nông sản, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết trách nhiệm của chính quyền là quy hoạch tốt, tìm đầu ra, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, có kho trữ tốt.
"Chúng ta phải hướng dẫn người nông dân làm sao sản xuất chất lượng cao, năng suất tốt, không dư thừa", Phó thủ tướng nói và nhìn nhận đây cũng là vấn đề liên quan đến tái cơ cấu lực lượng lao động.
-
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): Các dự án Nhà nước từng được coi là nắm đấm thép cho nền kinh tế nhưng giờ trở thành nỗi lo cho nhiều người, kể cả với đứa trẻ mới ra đời. Tình trạng bổ nhiệm người nhà, họ hàng, tâm lý một giọt máu đào hơn ao nước lã. Trong khi đó, con đường đến công lý của người dân rất gian nan gian nan. Tôi xin hỏi với tinh thần của Chính phủ kiến tạo, Chính phủ đặt lợi ích vào dân hay vào ai mà kỷ cương phép nước chưa tốt, đời sống người dân còn khó khăn. Chính phủ có cần đến niềm tin của người dân? Trừ các văn bản hoả tốc, Chính phủ có giải pháp căn cơ nào để giải quyết các vấn đề đang tồn tại hiện nay. Chính phủ cam kết gì trước cử tri cả nước về lộ trình giải pháp đưa ra. Tôi nghĩ rằng nên ba mặt một lời cam kết trước Quốc hội và cử tri tại đây.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình: Thời gian qua, báo chí phản ánh lãnh đạo địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào vị trí do mình phụ trách gây phản ứng trong dư luận. Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân, Thủ tướng yêu cầu bộ ngành, địa phương làm tốt chức năng của mình.
Thủ tướng cũng đã giao Bộ Nội vụ kiểm tra sự việc, sau đó tiến hành thanh tra công vụ báo cáo Thủ tướng. Bộ Nội vụ cũng thực hiện rà soát tại 11 địa phương, phát hiện sai phạm trong việc bổ nhiệm. Thủ tướng cũng có ý kiến chị đạo xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi các quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm chấm dứt hợp đồng, có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
-
Đề nghị Chính phủ có giải pháp thu xếp vốn cho cao tốc Trung Lương - Cần Thơ
Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng): Cao tốc Trung Lương đi Cần Thơ tiến độ quá chậm, dù con đường này có lưu lượng giao thông cực cao, trên 50.000 xe/ngày, cao nhất nước, vận tốc chỉ 40km/h, thực sự là quá tải. Dự kiến 2012 hoàn thành nhưng đến 2015 lại tái khởi động, thành lập liên danh 5 nhà đầu tư BOT nhưng không xong, giờ lại giao cho Vietinbank sắp xếp vốn. Nhưng cách làm này không biết khi nào xong. Đề nghị Chính phủ có giải pháp thu xếp vốn.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình: Đại biểu Nguyễn Văn Thể có ý kiến về cao tốc Trung Lương - Cần Thơ. Như Bộ GTVT đã trình bày, hiện nay có khó khăn về vốn. Đây là dự án BOT, Nhà nước hỗ trợ 1 phần đường Hồ Chí Minh - Trung Lương. Tới đây Chính phủ sẽ xây dựng thể chế minh bạch cho các dự án thực hiện BOT. Với dự án này sẽ có vay vốn ngân hàng một phần, kêu gọi nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Tinh thần của Thủ tướng là yêu cầu Bộ GTVT và bộ ngành tìm mọi giải pháp để cùng nhau đẩy nhanh tiến độ công trình. Đây là công trình đặc biệt của cả nước và Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Ý của đại biểu Thể là trong báo cáo tiền khả thi về đường cao tốc Bắc Nam không có đoạn Trung Lương - Cần Thơ. Đoạn này không nằm trong gói ngân sách Nhà nước mà giao BOT. Đại biểu cho rằng nên ưu tiên cho vùng khó khăn, tạo điều kiện cho 20 triệu dân sông Cửu Long được hưởng danh mục đầu tư giai đoạn tới chứ không phải đợi BOT.
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình: Dự án cao tốc Bắc - Nam là có bổ sung phần Trung Lương - Mỹ Thuận. Trước mắt, Chính phủ sẽ sử dụng vốn 5.000 tỷ, đồng thời huy động BOT. Chính phủ sẽ giao các bộ ngành cân đối để cố gắn hoàn thành dự án trước 2020.
-
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội): Hiện nay, Đảng, Nhà nước, Thanh tra quan tâm công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tuy nhiên vẫn còn những hạn chế. Tình hình khiếu kiện đông người diễn ra gay gắt tại một số nơi, một số thời điểm. Thời gian tới, Chính phủ có giải pháp đột phá nào để giảm bớt khiếu kiện đông người trên phạm vi cả nước?
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình: Các vụ việc chủ yếu liên quan đến khiếu kiện đất đai, quy hoạch treo. Có những vụ diễn ra từ 20-30 năm về trước, có vụ mới. Chính quyền các cấp nỗ lực lớn để giải quyết. Tuy nhiên, còn một số vụ việc kéo dài, tỷ lệ không nhiều nhưng dai dẳng, giải quyết không dứt điểm. Một phần do địa phương, phần do quy định pháp luật chưa rõ ràng, phần do giải phóng mặt bằng, thu hồi các công trình quốc phòng an ninh, các dự án đô thị giá cả đền bù không phù hợp.
Qua thanh tra thấy nổi lên một số vấn đề, đặc biệt là sự hài hoà lợi ích trong việc thu hồi đất giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nhà đầu tư có lương tâm thì đứng ra giải quyết thuận lợi. Nhưng khi có dấu hiệu chính quyền ưu ái nhà đầu tư dẫn đến khiếu kiện đông người. Thực tế, nhiều vụ xảy ra là khi đền bù giá rẻ sau đó chuyển đổi mục đích với giá trị cao, nhà đầu tư hưởng lợi nên người dân không đồng tình.
Có những giải toả không tính đến quyền hình thành của người dân. Người dân ở ổn định trước năm 1993 thì phải được cấp giấy phép. Nhưng có nhiều vụ, chính quyền không xác định và cấp giấy phép cho nến khi giải toả thì chỉ hỗ trợ chứ không đền bù... Những vụ này phải thanh tra xử lý để đảm bảo hài hoà lợi ích người dân.
-
Không xây cao ốc giữa trung tâm thành phố khi hạ tầng chưa cải thiện
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội): Giải pháp của Chính phủ nhằm giảm ùn tắc giao thông ở tuyến phố tại các thành phố lớn. Cử tri Hà Nội từng kỳ vọng vào giải pháp di dời cơ quan hành chính trường học ra khỏi nội đô nhưng không biết đã thực hiện đến đâu?
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình: Việc di dời công sở, trường học, bệnh viện từ trung tâm ra ngoại đô là chủ tưởng đúng nhưng thực hiện thì phải có kế hoạch chi tiết, cẩn thận. Đây là một vấn đề vừa chính trị, vừa là kinh tế, an ninh trật tự. Kể cả các nước thì trung tâm các cơ quan trung ương đặt tại trung tâm thủ đô. Cơ quan công sở, đại học hay bệnh viện đòi công nghệ kỹ thuật cao thì đưa ra ngoại ô. Nhưng trường tiểu học, trung học, bệnh viện khu vực không thể di dời vì không thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc này đòi hỏi phải có quy hoạch đáp ứng yêu cầu làm việc bình thường. Ngoài ra, cũng phải có kế hoạch sử dụng hoặc bán các công sở để có nguồn lực đầu tư hạ tầng. Các công trình này phải được đấu giá công khai, minh bạch.
Giải pháp hiện nay là phải quy hoạch hạ tầng và quy hoạch phát triển đô thị phải đồng bộ. Các toà cao ốc, công trình hạ tầng phải hài hoà với nhau. Đặc biệt, không để xây trung tâm thương mại, cao ốc giữa trung tâm thành phố trong khi hạ tầng chưa cải thiện. Bên cạnh đó, phải phát triển đô thị vệ tinh, đường vành đai kết nối, giao thông công cộng để chống ùn tắc giao thông, sử dụng công nghệ để ứng phó ùn tắc...
-
Phát biểu kết thức phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cáo những tranh luận sôi nổi giữa các đại biểu, từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục cho các vấn đề mà người dân quan tâm. Chủ tịch Quốc hội cho rằng nhiệm kỳ chưa đầy 1 năm, trong bối cảnh có nhiều thách thức, nhưng tập thể Chính phủ đã hết sức cố gắng khắc phục hạn chế yếu kém, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ổn định kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số nội dung đã được Quốc hội giám sát nhưng chuyển biến chưa đạt mong đợi. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đánh giá phiên họp chất vấn tại kỳ họp thứ 3 đã thành công tốt đẹp đối với Chính phủ, làm hài lòng nhiều cử tri.