Trao đổi với Zing.vn trước phiên chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ mong muốn trong phiên chất vấn, các đại biểu đặt câu hỏi trực tiếp, người trả lời đi thẳng vào vấn đề, nêu được giải pháp và trách nhiệm của bộ mình đến đâu.
Làm rõ trách nhiệm các dự án thua lỗ nghìn tỷ
Phó bí thư TP.HCM cho biết nếu có cơ hội bà sẽ chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề đầu tư công, nhất là những dự án đầu tư công lớn nhưng thiếu hiệu quả để làm rõ nguyên nhân, tránh các dự án lặp lại trong tương lai.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Quochoi.vn. |
“Tôi cho rằng cần phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Cơ quan nào trình dự án phải chịu trách nhiệm đến cùng về hiệu quả đầu tư của dự án đó, tránh tình trạng thua lỗ, thất thoát nhưng không ai bị xử lý”, bà Tâm nói.
Về các dự án “đắp chiếu” với số tiền thua lỗ, thất thoát hàng chục nghìn tỷ, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh vấn đề đầu tư công đã được đặt ra nhiều lần. Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát lại các dự án.
“Bây giờ vấn đề đặt ra là hướng, giải pháp xử lý như thế nào. Đây là một nguồn lực rất lớn của đất nước, càng để tồn đọng lâu lãng phí càng lớn. Trước mắt cần xử lý về mặt kinh tế, cái gì có thể huy động, tái tạo quay trở lại được, cái gì có thể bán…. Thứ hai là xử lý hành chính đối với những tổ chức, cá nhân liên quan tới thất thoát, lãng phí này”, đại biểu Sinh nói.
Đại biểu sẽ tranh luận nếu chưa hài lòng với câu trả lời
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết một điểm mới quan trọng của phiên chất vấn lần này là tăng thêm thời gian chất vấn trong khi số lượng bộ trưởng trả lời chất vấn không đổi, số lượng các thành viên Chính phủ tham gia giải trình sẽ nhiều hơn.
Quyền giơ biển tranh luận của ĐBQH cũng sẽ được thực hiện để đại biểu nào chưa hài lòng với câu trả lời có thể chất vấn lại hoặc tranh luận thêm.
Điều này sẽ giúp các ĐBQH chất vấn sâu sắc hơn, đi đến cùng vấn đề hơn, còn Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có thể giải trình cặn kẽ hơn về những việc đã làm, đang làm hoặc chưa làm được, cũng như định hướng sắp tới như thế nào.
Một điểm nhấn nữa là, với mỗi nhóm vấn đề, lần này, Quốc hội đã yêu cầu 1 Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực phải trực tiếp giải trình, làm rõ những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.
Các kỳ họp trước, các Phó Thủ tướng cũng đã tham gia trả lời chất vấn nhưng lần này Quốc hội yêu cầu rõ ràng hơn, ai phụ trách lĩnh vực nào phải có trách nhiệm trả lời về lĩnh vực đó. Phân định rõ trách nhiệm như vậy là để có giải pháp đúng tầm hơn.
Còn bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá phiên chất vấn đã có nhiều thay đổi như tranh luật theo cách giơ biển hoặc nhiều bộ trưởng có thể trả lời về một vấn đề liên ngành, cho phép chất lượng phiên chất vấn tăng lên nhiều.
Từ ngày 13 đến 15/6, Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ. Khác với lần trước, thời gian chất vấn được tăng lên thành 3 ngày.
Các phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, cùng 4 bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư sẽ trả lời các câu hỏi của đại biểu.a Bình sẽ phát biểu ý kiến và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.