Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Không thể tin Trung Quốc ngừng theo đuổi bá quyền’

Đây là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công An, trong cuộc trả lời phỏng vấn Zing.vn về phát biểu của chủ tịch Trung Quốc tại LHQ.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an. Ảnh: Nam Khánh
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an. Ảnh: Nam Khánh

- Trong bài phát biểu trước gần 200 nhà lãnh đạo tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh không bao giờ theo đuổi bá quyền hoặc mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Trước những điều Trung Quốc đã và đang thể hiện, ông đánh giá như thế nào về tuyên bố này?

- Thật ra tuyên bố của ông Tập cận Bình không mới. Trước đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra những phát ngôn tương tự. Sau hơn 2,5 năm nắm quyền chèo lái Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã 15 lần đưa ra tuyên bố như vậy. Đối với tôi, nó không mang nhiều ý nghĩa.

Ngoài ra, tuyên bố của ông Tập cũng không có gì lạ. Thật ra, người ta có thể đoán trước nội dung phát biểu của chủ tịch Trung Quốc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Nó giống một cuộn băng ghi âm mà họ sẽ bật lên khi cần thiết. Không thể tin tuyên bố ngừng theo đuổi bá quyền của giới lãnh đạo Trung Quốc.

- Ông đánh giá thế nào về các hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông?

- Tính riêng trong năm 2015, Trung Quốc đã 3 lần tuyên bố ngừng bồi lấp, xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lần thứ nhất là trước Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Asian ở Kuala Lumpur, Malaysia. Lần thứ 2 là trong Diễn đàn Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung và lần gần nhất là trước khi ông Tập Cận Bình thăm Mỹ. Những tuyên bố này được Bắc Kinh đưa ra nhằm giảm áp lực mà Trung Quốc phải chịu trên các diễn đàn quốc tế.

Việc tuyên bố ngừng bối lấp là thủ pháp chiến thuật để phục vụ hoạt động đối ngoại của chính phủ Trung Quốc trước các sự kiện lớn. Ngoài ra, Bắc Kinh chỉ đưa ra tuyên bố nhưng vẫn tiếp tục các hoạt động xây dựng phi pháp trên Biển Đông.

Ảnh vệ tinh cho thấy các đường băng được xây dựng trái phép của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam có khả năng giúp Bắc Kinh hiện thực hóa các ý đồ quân sự. Với đường băng dài hơn 3.000 m trên đá Chữ thập, chiến đấu cơ và máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc dễ dàng cất và hạ cánh.

Bên cạnh sân bay, Trung Quốc còn xây dựng các cảng nước sâu, cho phép tàu chiến cỡ lớn cập bến, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh. Bắc Kinh cũng có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không nhằm từng bước hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ phi lý mà Trung Quốc đưa ra.

- Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh hòa bình, phát triển, sự công bằng, công lý, dân chủ, tự do là những giá trị chung của nhân loại. Theo ông, những tuyên bố của ông Tập sẽ tác động như thế nào tới tình hình Biển Đông sắp tới? Trung Quốc có làm theo tuyên bố của họ?

- Nếu Trung Quốc làm theo những gì họ nói, tình hình khu vực đã ổn định. Theo tôi tổng kết từ năm 2010 tới nay, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã 14 lần cam kết ổn định tình hình khu vực với lãnh đạo Việt Nam và cộng đồng quốc tế nhưng 17 lần gây hấn, đi ngược lại với những gì họ nói. Theo quan điểm của tôi, tuyên bố này không có nhiều giá trị.

- Chủ tịch Trung Quốc cũng cho rằng nước lớn không nên đối xử với nước nhỏ bằng “luật rừng”. Vậy những gì Trung Quốc hành xử trên Biển Đông với ngư dân Việt Nam có thể gọi là “luật rừng” không?

- Không có gì để bàn cãi về điều đó. Từ năm 2007 tới nay, rất nhiều tàu cá Việt Nam bị tấn công khi đang hoạt động trên ngư trường truyền thống. Số liệu từ Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (NN&PTNT) có thể cho thấy rõ điều đó.

Báo cáo 6 tháng đầu năm của Cục Kiểm ngư nêu rõ: Tàu hải giám Trung Quốc đang ngày càng trở nên nguy hiểm khi gia tăng mức độ uy hiếp đối với tàu cá ngư dân Việt Nam đang khai thác hải sản ở ngư trường truyền thống là Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Trong đó, nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam bị đâm, bị đe dọa. Trong khoảng 6 tháng qua, Cục Kiểm ngư cho hay đã xua đuổi hơn 100 tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và ngư trường truyền thống của Việt Nam.

'Hành động xây đảo của Trung Quốc phạm luật quốc tế'

Trả lời AP nhân chuyến công tác Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ việc xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông vi phạm luật quốc tế, đe dọa an ninh hàng hải.

Hồng Duy (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm