Chiều 6/8, UBND TP.HCM thông tin về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ bị thu hồi đất thuộc phần 41 ha nằm trong ranh quy hoạch dự án Khu Công nghệ cao và 49 trường hợp có khiếu nại tố cáo.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP, nhận định qua các buổi tiếp xúc, lãnh đạo thành phố ghi nhận vấn đề mà nhiều người dân quan tâm nhất là chính sách bồi thường và tái định cư.
Đối với các trường hợp thuộc khu 41 ha, thành phố đã chỉ đạo UBND quận 9 thuê công ty thẩm định giá độc lập thẩm định theo giá thị trường tại thời điểm tháng 4/2007. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt bản đồ vị trí xác định ranh 7 khu đất thuộc phần diện tích 41 ha. Sau đó, UBND quận 9 lập danh sách các hộ dân bị thu hồi trong khu đất này.
Trên cơ sở chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được xây dựng tại thời điểm tháng 4/2007, HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết bổ sung kinh phí phát sinh dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu Công nghệ cao khoảng 1.471 tỷ đồng.
Lãnh đạo thành phố cho biết do giá và chính sách được xác định tại thời điểm tháng 4/2007 nhưng đến nay thành phố mới chi trả nên các trường hợp được nhận bổ sung sẽ được cộng thêm lãi suất trên số tiền bổ sung tính từ 18/4/2007 đến 31/12/2015. Từ ngày 1/1/2016 đến ngày ban hành quyết định điều chỉnh bổ sung, thành phố sẽ thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
“Ví dụ năm 2004, cô chú được bồi thường 4 tỷ mà chưa nhận, lãi suất ngân hàng 10%/năm thì 15 năm là 150%, tương đương với 6 tỷ. Như vậy phần bồi thường là 10 tỷ”, ông Hoan tính toán.
Liên quan đến 49 trường hợp có khiếu nại, tố cáo, UBND thành phố giữ nguyên chính sách bồi thường trước đây. Tuy nhiên, sau khi rà soát hồ sơ thu hồi đất, điều kiện hoàn cảnh và nguyện vọng của từng hộ dân, tổ công tác liên ngành trình UBND thành phố phê duyệt chính sách hỗ trợ đặc thù đối với 49 hộ này theo hướng bán nền tái định cư theo giá bán tái định cư.
Chủ tịch UBND quận 9 Trần Văn Bảy. Ảnh: Quang Huy. |
UBND thành phố dự kiến bố trí nền đất tái định cư tại khu đất 4.000 m2 mặt tiền đường Lê Văn Việt, một số nền đất công khu nhà ở Khang Điền (phường Phước Long B) và khu tái định cư Long Bình - Long Thành Mỹ giai đoạn 2.
Phó chủ tịch UBND TP khuyến nghị người dân nên nhận nền đất bởi đây là các vị trí đẹp, người dân sẽ được hưởng lợi khi mua nền đất với giá tái định cư.
Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, cho biết những sai sót tại Khu Công nghệ cao khác với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bên cạnh đó, quy mô và tính chất của 2 dự án cũng không giống nhau.
"Đặc biệt không có chuyện chính quyền thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch đối với Khu Công nghệ cao", ông Bảy nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhận định sai phạm của chính quyền tại Khu Công nghệ cao là thực hiện chưa đúng trình tự thủ tục.
"Mình thu hồi trước, thu hồi bổ sung nhưng không xin ý kiến", ông Võ Văn Hoan cho biết.
Người dân bị thu hồi đất ở dự án Khu Công nghệ cao (quận 9) nhiều năm khiếu nại về chính sách bồi thường, thu hồi đất. Ảnh: Nguyên An. |
Nhắc tới vấn đề Thủ Thiêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin cuối tháng 8, UBND TP dự kiến trình HĐND về việc thực hiện kết luận thanh tra cũng như những chính sách mới cho người dân chịu ảnh hưởng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Thành phố có thể tổ chức họp báo vấn đề Thủ Thiêm trước khi trình HĐND. Sau khi HĐND thông qua, TP tiếp tục tổ chức 1 buổi công bố kế hoạch thực hiện và dự kiến các việc sẽ hoàn thành với mốc thời gian cụ thể", ông Hoan chia sẻ.
Năm 1998, Thủ tướng ban hành quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Khu Công nghệ cao TP.HCM, xác định quy mô tổng diện tích là 800 ha. Thế nhưng, sau 3 lần thu hồi đất, diện tích của Khu Công nghệ cao tăng lên 913 ha.
Ngoài ra, UBND TP.HCM còn giao UBND quận 9 thu hồi thêm 149 ha đất nằm ngoài ranh Khu Công nghệ cao để lập 9 dự án gồm 7 dự án tái định cư, một khu nhà ở chuyên gia và một khu nhà lưu trú cho công nhân.