Có tỉnh chỉ có 1 thanh tra nông nghiệp
Đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho hay việc quản lý vật tư nông nghiệp đang có vấn đề: phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường, gần đây còn xuất hiện thuốc siêu tốc, chất kích thích tăng trưởng rau quả…
“Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng chậm khắc phục", đại biểu Minh muốn biết trách nhiệm và giải pháp của bộ trưởng.
Chia sẻ quan tâm, đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) đề nghị ông Cao Đức Phát khẳng định và hứa trước QH "đến bao giờ quản lý được vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng".
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng muốn Bộ trưởng hứa quản lý hàng giả trong nông nghiệp. |
Bộ trưởng Phát cho biết Bộ ông được Chính phủ phân công quản lý toàn diện về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi, quản lý đăng ký các loại phân bón sản xuất nhưng không quản lý về phân bón vô cơ.
“Qua kiểm tra hệ thống thấy trên thị trường đang lưu hành số lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi chất lượng kém, hàng giả ngoài danh mục”, ông khẳng định.
Theo ông Phát, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định trong toàn ngành, việc quản lý vật tư nông nghiệp là trách nhiệm số 1: “Đích thân Bộ trưởng hàng tháng họp giao ban chuyên đề về quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Những nỗ lực mấy năm nay có tạo sự chuyển biến nhưng chưa được như mong đợi nên rất quyết tâm và cố gắng để triển khai thực hiện”.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chấn chỉnh bộ máy về quản lý chất lượng vật tư và thanh kiểm tra trên toàn quốc, đấu tranh với những người làm ăn bất chính.
“Hiện ở một số địa phương, thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn rất yếu, Bắc Kạn chỉ có 1 người, Bắc Giang 2 người. Bình quân cả nước mỗi tỉnh là 8-9 người. Chúng tôi đang khắc phục bằng cách đào tạo cán bộ. Hiện đã có 1.900 người có thể đảm đương công việc nhưng vẫn rất ít so với khối lượng công việc khổng lồ”, ông Phát nói.
Đặt hàng giống lúa năng suất cao
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi tại sao chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo chưa mang lại lợi ích cho nông dân. "Tại sao cứ phải sử dụng giải pháp tình thế, giải pháp khắc phục để phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam?", ông Tuyết hỏi.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay chỉ khi giá xuống thấp, nông dân không được lãi 30% như Chính phủ cam kết, thì mới thu mua tạm trữ để giải quyết bất hợp lý cung cầu tạm thời. "Đó là giải pháp ngăn chặn giảm giá, đưa giá tăng trở lại, có lúc tăng đến 800 đồng/kg lúa", ông Phát nói.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Không nên trồng lúa nước mọi chỗ, mọi lúc. |
Bộ trưởng cũng cho rằng không nên trồng lúa nước mọi chỗ, mọi lúc, mọi mùa vụ mà chỉ tập trung vào đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng. "Ven biển miền Trung và trung du miền núi nên tạo điều kiện cho người dân chuyển sang cây trồng có lợi hơn”, ông Phát nói. Ông nhấn mạnh tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là về giống.
"Trong 5 năm qua đã có 102 giống lúa được phổ biến cho người dân. Nhưng nay tôi lại thấy con số đó là quá nhiều. đại biểuSCL cần ít giống hơn, năng suất cao hơn và ổn định hơn", ông Cao Đức Phát nói. "Tôi đã đặt hàng các viện nghiên cứu điều chỉnh lại các đề tài để chọn lại số lượng ít giống nhưng phải đạt các tiêu chí: giá trị thương phẩm trên 500 - 800 USD/tấn, có độ bền vững, trồng 10 năm trở lên mới xuống cấp, hiện nay 3 năm là đã xuống cấp”.
Khá nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề lũ lụt. Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) cho rằng chúng ta vừa trải qua cơn bão Haiyan với nhiều thiệt hại. Ngay khi chúng ta ngồi đây thì hàng triệu người dân đang chống chọi với lũ lụt, hàng chục người đã chết, nhà cửa, của cải chìm trong nước lũ.
"Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có chính sách gì hỗ trợ cho bà con vùng lũ? Tôi cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết mô hình làm nhà tránh lũ để người dân chống chọi với lũ lụt lâu dài", ông Quý đề nghị.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, cơn bão Haiyan vừa qua đã làm cho ông và những người đầu ngành suy nghĩ rất nhiều về việc phải làm sao để giúp cho nhân dân chống bão. "Có thể nói, đất nước ta đã may mắn trong cơn bão Haiyan nhưng chúng ta không thể may mãi được".
Phát biểu đến đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát "xin hết" không nói nữa. Trước câu hỏi về mô hình nhà tránh bão, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời thay.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ Xây dựng cũng đã cử đoàn sang Philippines nghiên cứu cơn bão Haiyan ảnh hưởng như thế nào để có giải pháp chống đỡ trong tình hình khí hậu biến đổi phức tạp. Đến nay Bộ đã lập dự án và được Chính phủ phê duyệt làm thí điểm 700 ngôi nhà chống lũ. Trong tình hình mưa lũ vừa qua, các ngôi nhà này đều rất an toàn.
"Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính nghiên cứu sẽ có 40.000 hộ nghèo được hỗ trợ vốn xây nhà chống lũ. Việc này sẽ được làm quyết liệt trong thời gian tới, sau đó sẽ mở rộng đối tượng sang khoảng 30.000 hộ cận nghèo", ông Dũng nói.
Hôm nay (20/11), phiên chất vấn sẽ tiếp tục với phần giải trình của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình và Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son sẽ đăng đàn.