Ông Đương đề nghị phải ra quy định khi có dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn thì các thủy điện phải xả hết nước, không được giữ nước rồi đến khi đầy lại xả lũ, đe dọa cuộc sống nhân dân.
"Việc đó phải bắt buộc thực hiện, ai không làm phải xử lý trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm hình sự rất nặng về tội cố ý làm trái, tội thiếu trách nhiệm hay tội gì đó trong luật hình sự không thiếu", đại biểu Đương nói.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương: Không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân. |
"Không thể vì lợi ích nhỏ mà hy sinh lợi ích lớn của nhân dân vùng hạ lưu. Đề nghị Chính phủ và Bộ Công thương có quy định chặt chẽ hơn, và nói phải đi đôi với làm".
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc chỉ ra: "Cần có giải pháp căn cơ để hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho người dân các vùng hay bị lũ lụt. Nếu không thì cứ bão, các lãnh đạo Chính phủ lại vào quyết liệt chỉ đạo phòng chống và khắc phục, nhưng các Phó Thủ tướng ra thì lũ lại tới, năm nào cũng vậy, đời sống người dân cứ khá lên một tí sau một trận bão lũ lại tái nghèo".
Ông Phúc dẫn số liệu của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy thiệt hại do bão lụt chiếm 1% GDP, số tiền đủ để thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững. Bên cạnh các kiến nghị về quy hoạch, ông cũng nhận định: "Không thể chấp nhận việc thủy điện xả lũ mà chính quyền địa phương và người dân không biết, không kịp trở tay, thủy điện và chính quyền vẫn tiếp tục tranh cãi về trách nhiệm".
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị điều tra xử lý kỷ luật, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự: "Phải làm vài vụ cho nghiêm, không thể chấp nhận việc hàng chục người chất và bị thương, tài sản thiệt hại nhiều như vậy mà không ai bị xử lý".
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhắc lại một việc đã chất vấn “ít nhất 2 lần” vẫn chưa thấy thực hiện: chính sách cho đồng bào nghèo ở các công trình thủy điện.
"Tôi nhớ ở kỳ 3, nghị quyết Quốc hội đã giao Bộ Công Thương rà soát việc di dân, tái định cư tại các công trình thủy điện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề xuất trích lợi nhuận từ các công trình thủy điện để tái đầu tư cho dân nghèo.
Đến kỳ 4, các đại biểu lại đề nghị ban hành chính sách đặc thù cho đối tượng này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ghi nhận ý kiến. Quốc hội yêu cầu trong năm 2013 phải báo cáo về chính sách này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Tôi 2 lần gửi phiếu chất vấn, đều nhận được câu trả lời của Bộ Công thương là trách nhiệm thuộc về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ", đại biểu Phú Yên nói.
"Đồng bào đang phấn khởi vì sẽ có chính sách, Bộ Công Thương trả lời như vậy thì đại biểu không biết phải nói với cử tri như thế nào", ông Nguyễn Thái Học chia sẻ.
Đang lập đề án
Được nhắc đến nhiều nhưng Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng lại vắng mặt trong các ngày chất vấn do đi công tác nước ngoài.
Bộ trưởng Công thương vắng mặt do công tác nước ngoài, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát chịu trách nhiệm giải trình. |
Bộ cũng đang chỉ đạo lập đề án chính sách, dự kiến trong tháng 12 này sẽ nghiệm thu để trình Chính phủ hoàn thiện dự thảo chính sách sửa đổi đối với công tác di dân, tái định cư; cũng như cùng các địa phương hoàn thành quy hoạch tổng thể về công tác này.
Nhận định bên hành lang Quốc hội giờ giải lao sau khi nghe thảo luận quanh chủ đề này, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng: Thủy điện với tất cả những lợi, hại, giá phải trả của nó, để giải quyết lâu dài, dứt điểm, không còn lấn bấn về trách nhiệm, thì một người không thể đứng ra chịu hết, quán xuyến tất cả, nhất là trong cơ chế của chúng ta.
"Việc bộ trưởng này đổ cho bộ trưởng kia, vị này không thể nói thay vị kia, sự lúng túng hôm nay tôi không nghĩ là sự trốn tránh trách nhiệm, vì trên cương vị đứng đầu một bộ không thể nói hết được", ông Dương Trung Quốc nói.
"Tôi rất thông cảm nhưng cách ứng xử này xảy ra trước mặt dân chúng thì họ cho là sự lảng tránh".
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, khi đến lượt mình trả lời chất vấn, Thủ tướng nên dành thời gian để nói về việc này ở tầm vĩ mô để chia sẻ với người dân. "Tôi tin Thủ tướng đủ nhạy cảm để đưa ra một thông điệp", nhà sử học nói.