Vẫn chưa hoàn hồn sau hai ngày được cứu sống giữa rốn lũ, anh Nguyễn Hoàng Phúc và vợ trú thôn Phú Khương, xã Hành Tín Tây, Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), nói: “Họ đã sinh ra vợ chồng tôi lần thứ hai, các con tôi không phải trở thành trẻ mồ côi...”.
Trưa ngày 15/11, nước lũ tràn về trên dòng sông Vệ đục ngầu. Khi đó vợ chồng anh Phúc vẫn bám trụ ở căn chòi trên một vạt đất giữa sông Vệ giữ tài sản. “Không ngờ nước lên nhanh đến mức tôi không kịp trở tay. Hết đường thoát, lúc này vợ chồng tôi đã nghĩ đến cái chết. Bỗng tôi nhớ đến điện thoại trong túi quần nên lấy ra gọi cho người thân trong bờ cầu cứu. May mà các anh ấy kịp thời có mặt chứ không thì… Gia đình tôi mang ơn họ rất nhiều”, anh Phúc cho biết.
Trao quà cho người dân vùng lũ. |
Còn chàng thanh niên Hồ Thanh Lâm, 22 tuổi (ở xã Hành Tín Tây), nói: Cứu người là chuyện lẽ thường thôi. Không lẽ thấy hàng xóm mình gặp nạn mà mình đứng nhìn sao. Mình còn mà họ bị nước cuốn đi, con cái họ sẽ mồ côi thì tội lắm. Bà con sống chết có nhau thôi.
Khi nhận được thông tin vợ chồng anh Phúc đang bị mắc kẹt giữa sông Vệ, còn nước thì tràn vào khu dân cư và ngập khắp nơi. Tôi tìm cha mình bàn cách cứu người. Nghe thế, mẹ tôi từ nhà dưới chạy lên bảo, cẩn thận nghen con, nguy hiểm lắm.
Tôi và cha chèo ghe đi cứu. Vừa ra giữa sông thì nước chảy xiết đẩy chiếc ghe trôi tự do. Hai cha con tôi cùng một thanh niên nữa gồng mình vượt qua. Vừa đến cồn cát thì thấy vợ chồng anh Phúc đang ngồi vắt vẻo trên cây. Phía bên dưới nước lũ đỏ quạch chảy ầm ầm. Thân cây cứ nghiêng dần...Khi anh Phúc vừa xuống được ghe thì nước đẩy ghe trôi đi xa, thân cây xà xuống gần đụng mặt nước, vợ anh Phúc hoảng hốt kêu cứu. Tôi cùng mọi người tiếp tục lần nữa chèo quay trở lại cứu chị Lan. Chị Lan vừa ngồi vào ghe an toàn thì cái cây cũng bị lũ cuốn trôi đi.
Hơn hai tiếng đồng hồ quần thảo với dòng nước lũ cuối cùng anh Lâm và cha đã đưa vợ chồng anh Phúc vào bờ an toàn. Vừa về đến nhà thì khắp xóm tiếng kêu cứu thảm thiết. Biết người dân gặp nguy cha con tôi tiếp tục chèo ghe đi cứu người. Đến gần 20h tối thì có hơn 80 người được họ đưa đến nơi an toàn. Lúc trở về nhà thì toàn bộ lương thực của gia đình bị lũ nhấn chìm, một con heo bị lũ cuốn trôi.
Lão nông chèo ghe cứu hơn 30 người
Khi nghe thông tin người dân trong thôn đang kêu cứu, không một phút lưỡng lự, lão nông Phan Thuận (55 tuổi, ở xã Hành Tín Tây) kéo chiếc ghe chỉ rộng 80cm và dài hơn 2m vượt qua dòng nước chảy xiết để tiếp cận với bà con đang gặp nạn. Chiếc ghe nhỏ tròng trành hết bị sóng đánh lại bị các thân cây gỗ rừng trôi va vào như muốn nhấn chìm.
“Tôi không thể chịu được tiếng kêu cứu của người dân. Thảm thiết lắm, không cứu họ lòng tôi bứt rứt lắm. Phải cứu thôi, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm, là tình làng nghĩa xóm, là mệnh lệnh con tim”, ông Thuận tâm sự.
Ông Thuận bên cháu nội sau một ngày lũ rút đi. |
Trong hai ngày 15-16/11, ông Thuận cùng một thanh niên khác trong xóm đã cứu hơn 30 người thoát chết trong dòng nước lũ. “Không có chú Thuận chắc mẹ con tôi giờ chẳng còn trên đời này nữa đâu. Nước lên vùn vụt, mẹ con tôi leo lên trần nhà ngồi, ai ngờ nước dâng lên nữa, tôi đập ngói thò đầu ra kêu cứu, may chú ấy vừa đến kịp đưa mẹ con tôi đi cũng là lúc lũ tràn lên nóc nhà. Tài sản bị trôi hết nhưng vẫn còn thấy may mắn hơn nhiều người bị lũ cuốn trôi”, chị Huỳnh Thị Thành xúc động nói.
Ông Nguyễn Văn Như, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây, cho biết, ông Thuận và anh Lâm là hai tấm gương tiêu biểu và rất dũng cảm. “Nó thể hiện tình người, tình làng nghĩa xóm rất cao và đó cũng là cách mà người dân chúng tôi thể hiện tình đoàn kết. Hiện xã đang lập hồ sơ đề nghị huyện Nghĩa Hành và UBND tỉnh tặng bằng khen”, ông Như nói.
“Chúng tôi nhận lệnh xả lũ lúc mất điện”
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định) Ngô Văn Tân với báo Tiền Phong, ngày 18/11, về việc lũ dồn về trong đêm 15/11, quét qua địa bàn, gây hậu quả nghiêm trọng.
“Bom nước” dội về trong đêm khiến hàng vạn nhà dân trở tay không kịp. Người dân cuống cuồng bỏ của chạy lấy người. Nhiều người bị lũ cuốn trôi do cố níu giữ con trâu, con bò hay bì lúa. Ông Ngô Văn Phúc, xã Phước Quang (Tuy Phước) cho biết: “Tui sống ở đây hai phần đời nhưng chưa có một cơn lũ nào kinh khủng như đợt này. Chúng tôi trở tay không kịp. Nước ở đâu về quét đi hết những gì chúng tôi tích góp cả đời”.
Ông Ngô Văn Tân, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn), cho biết: Chiều 15/11, đang họp cơ quan thì nhận được điện của Phòng kinh tế huyện báo là có xả lũ của hồ Định Bình, yêu cầu trực đêm. Nhận được điện quá muộn, trời tối, địa bàn lại mất điện nên cũng chưa kịp thông báo cho dân thì tối đó nước đã ập về. Chúng tôi cũng như dân làm sao trở kịp tay?
Ông Ngô Văn Tân, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn) cho biết: Chiều 15/11, đang họp cơ quan thì nhận được điện của Phòng kinh tế huyện báo là có xả lũ của hồ Định Bình, yêu cầu trực đêm. Nhận được điện quá muộn, trời tối, địa bàn lại mất điện nên cũng chưa kịp thông báo cho dân thì tối đó nước đã ập về. Chúng tôi cũng như dân làm sao trở kịp tay? Theo ông Tân, trên 50 năm sinh sống ở đây, chưa có đợt lũ nào lớn và nhanh như vậy, nó đã kéo hàng trăm ngôi nhà dân ra đồng.
Phó Chủ tịch phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), Trần Kim Thưởng cũng cho biết: 7 giờ tối khi biết tin thì điện trên địa bàn phường bị cúp, nên không thể chạy hết để thông báo kịp tới dân.
Trao đổi với PV về việc có hay không các hồ thủy điện, hồ thủy lợi trên địa bàn Bình Định xả lũ trong đêm gây hậu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, cho biết: “Đến thời điểm này địa phương có thể khẳng định là không hề có chuyện xả lũ của tất cả các hồ chứa nước trên địa bàn trong đêm 15/11, gây lũ quét. Việc nguồn nước khổng lồ từ đâu về gây lũ trên diện rộng, hậu quả nặng nề cũng là lý do mà chúng tôi đang cần tìm hiểu và mong sớm tìm hiểu được điều đó”.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, tại thời điểm lũ dồn về thì tất cả các hồ chứa, thủy điện trên địa bàn Bình Định vẫn ở mức cho phép, chưa vượt ngưỡng để xả lũ. Tuy nhiên, “túi” nước ở đâu đổ về gây ngập nặng và chỉ trong vòng một đêm là rút, đang là điều khiến tỉnh nhức nhối. Hiện tỉnh đang rất cần một đánh giá mà tầm địa phương không thể, tìm ra nguyên nhân của sự việc.