Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không thể dùng nước thủy điện đẩy mặn sông Hàn'

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho rằng hiện nay, lượng nước tại các hồ chứa của thủy điện tại Quảng Nam đang thấp, không thể dùng nước thủy điện để đẩy mặn cho Đà Nẵng.

Ngày 27/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo về tình hình khai thác nước và cuộc họp giữa kỳ của Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Hội thảo nhằm tìm ra giải pháp chống hạn và chống xâm nhập mặn cho TP Đà Nẵng.

Da Nang thieu nuoc vi xam nhap man anh 1
Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho rằng việc tích nước của các hồ thủy điện tại Quảng Nam làm tình trạng nhiễm mặn ngày càng cao. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, hiện nay, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng do ít mưa, nắng nóng kéo dài.

So với cùng kỳ năm 2018, dòng chảy trên sông Vu Gia – Thu Bồn chỉ đạt từ 32-70%. Việc nước đổ về các sông thấp khiến tình trạng xâm nhập mặn tại hạ lưu tăng cao.

Theo nhận định, từ nay đến hết tháng 8, dòng chảy trên thượng lưu sông Vu Gia có khả năng thiếu hụt từ 70-80%, trên sông Thu Bồn thiếu hụt từ 20-30% so với các năm.

Còn theo đại diện Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), hiện 5 cơ sở sản xuất nước đang hoạt động hết công suất và khai thác khoảng 311.000 m3/ngày. Nguồn nước sinh hoạt ở Đà Nẵng phụ thuộc rất lớn từ nguồn nước sông Vu Gia.

Nguồn nước ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam tại các hồ chứa nước thủy điện như A Vương tính đến ngày 30/6 chỉ đạt dung tích 69,2 triệu m3, mực nước thấp hơn 6,97 m (đạt 25,97%), Sông Bung 4 đạt dung tích 5,99 triệu m3, thấp hơn 3,48 m (đạt 2,56%) so với mực nước tối thiểu.

Hiện tại, các cửa thu tại Đà Nẵng đang đạt độ nhiễm mặn cao. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2019 tại vị trí cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ có 119 ngày nhiễm mặn với độ mặn cao nhất là 3.448 mg/l (vượt 14 lần so với quy chuẩn cho phép).

Theo Dawaco, việc độ mặn tại Cầu Đỏ tăng cao một phần do các thủy điện vận hành, làm ảnh hưởng việc cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng. Do đó, Dawaco phải bơm hơn 14 triệu m3 nước thô từ An Trạch để pha loãng độ mặn.

Tại hội thảo, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đề xuất Quảng Nam cùng phối hợp giám sát vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết về từ các hồ chứa trong mùa cạn.

Da Nang thieu nuoc vi xam nhap man anh 2
Ông Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, cũng đồng tình việc không thể sử dụng nước thủy điện để đẩy mặn. Ảnh: Thanh Đức.

Đà Nẵng cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam phối hợp giám sát, không huy động nước của nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 xả về sông Thu Bồn. Thực hiện việc tích nước nhằm giữ lại nguồn nước hiện có để chống hạn, nhiễm mặn, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia, gồm nước sinh hoạt cho Đà Nẵng và 4.000 ha lúa của hai địa phương.

Ngoài ra, yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 xả nước về hạ du sông Vu Gia khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ dưới 1.000 mg/l, nếu độ mặn hơn 1.000 mg/l thì xả với lưu lượng 25 m3/s.

Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, cho rằng hiện nay lượng nước tại các hồ chứa của thủy điện tại Quảng Nam đang thấp, không thể dùng nước thủy điện để đẩy mặn.

Theo ông Tý, việc sử dụng nước đẩy mặn không phải biện pháp tối ưu, đồng thời đưa ra giải pháp cả hai địa phương nên nghĩ đến việc xây dựng công trình để ngăn mặn.

Đà Nẵng họp khẩn 'xin nước' từ các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn

"Nếu việc điều tiết nguồn nước còn lại tại các hồ thủy điện không hợp lý sẽ làm cạn kiệt nguồn nước, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng", Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói.




Thanh Đức

Bạn có thể quan tâm