Sáng nay (20/9), đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay Bộ đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ ngành liên quan và các địa phương triển khai việc lấy mẫu các loại hải sản, kiểm nghiệm và cung cấp kết quả cho Bộ TN&MT, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam để xác định nguyên nhân gây cá chết.
Nhiều loại cá đã an toàn
Ngày 22/8, sau khi Bộ TN&MT công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ Y tế đã tập hợp các chuyên gia đầu ngành về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, sức khỏe của Bộ Y tế và các chuyên gia quốc tế để tiến hành nghiên cứu, đánh giá mức độ an toàn của hải sản 4 tỉnh miền Trung.
Sáng 20/9, đại diện Bộ Y tế công bố các loại hản sản an toàn sau sự cố môi trường biển tại miền Trung. Ảnh: Lê Hiếu. |
Bộ Y tế kết luận tất cả hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống tại tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
Không sử dụng các loại hải sản: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực cá đuối, cá đục, bạch tuộc và các loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý.
Bộ Y tế
Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định đây là nghiên cứu được triển khai trên quy mô lớn với 1.040 mẫu hải sản được lấy hằng ngày, ở tất cả các cảng cá, gò cá, các thuyền đánh bắt, đầm nuôi tại 4 tỉnh miền Trung.
Các mẫu được kiểm nghiệm các chỉ tiêu xyanua, phenol, thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia và Viện Dinh dưỡng. Đây là hai phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của quốc tế và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.
Song song với việc lấy mẫu tại 4 tỉnh, Bộ Y tế cũng tiến hàng lấy mẫu hải sản tại 3 tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là các tỉnh không chịu ảnh hưởng sự cố môi trường để làm nhóm chứng cứ so sánh với hải sản miền Trung.
Suốt quá trình thực hiện nghiên cứu, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ tổng hành dinh tại Geneva, Thụy Sỹ và từ văn phòng khu vực tây Thái Bình Dương tại Manila, Phillipines và chuyên gia về an toàn thực phẩm và kiểm định của Nhật Bản, Canada.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng các lọa hải sản: ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực cá đuối, cá đục, bạch tuộc và các loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý. Ảnh: Lê Hiếu. |
Mẫu được gửi đi kiểm chứng tại các phòng thí nghiệm của trường đại học Osaka, Nhật Bản và Trung tâm các giải pháp của Singapore. Kết quả kiểm chứng tại các phòng kiểm nghiệm nước ngoài cho thấy sự đồng nhất kết quả kiểm nghiệm hải sản với 2 viện của Việt Nam.
Hệ sinh thái san hô có dấu hiệu hồi phục tích cực
Đại diện Bộ TN&MT cho hay hệ sinh thái san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực, sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Trên rạn san hô đã thấy hiện tượng san hô hồi phục tự nhiên từ những tập đoàn đã bị chết từng phần và ấu trùng san hô bắt đầu định cư, phát triển trên nền đáy rạn. Cá kích thước nhỏ và các động vật đáy khác trên các rạn san hô đã có dấu hiệu hồi phục tích cực với mật đô cao khác hẳn giai đoạn trước.
San hô chết sau sự cố môi trường ở Bắc Trung Bộ. Ảnh: VASS. |
Bộ TN&MT cho hay trên cơ sở kết quả phân tích mẫu trong các tháng 5, 6 và 68 mẫu kiểm chứng vào tháng 8, so sánh với chất lượng cho thấy hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép.
Đối với các thông số tổng phenol và xyanua (là nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường) lượng sắt và xyanua đã giảm đi đáng kể. Xyanua nằm trong ngưỡng cho phép. Chỉ còn một số khu vực thuộc vùng biển Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế có giá trị thông số sắt ở tầng nước đáy vượt nhẹ ngưỡng cho phép.
Riêng thông số tổng phenol, trong tháng 6/2016 hàm lượng có tăng lên, một số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là mẫu tầng đáy.
Nguyên nhân là do cơ chế nhả hấp thụ phenol từ dạng phức hỗn hợp dưới dạng hệ keo sắt và từ trầm tích đáy vào nước biển. Đến thời điểm tháng 8/2016, hàm lượng tổng phenol trong nước biển đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.
Tới tháng 8/2016, đối với các khu vực Sơn Dương (Hà Tĩnh) khoảng 300 km2, Nhật Lệ (Quảng Bình) khoảng 330 km2, Sơn Chà (Thừa Thiên Huế) khoảng 160 km2, do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ nên 3 khu vực này có một số thông số môi trường trong nước biển cao hơn so với khu vực khác.
Đến nay, theo kết quả quan trong môi trường biển do Bộ TN&MT thực hiện tại 3 khu vực này cho thấy tất cả các thông số quan tắc đều trong giới hạn quy định, đạt quy chuẩn đối với vùng nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.