- Thưa ông, được biết Viện Công nghệ Môi trường tham gia vào giám sát Formosa từ sau khi xảy ra thảm họa biển miền Trung cho đến bây giờ, ông có thể cho biết, việc giám sát hoạt động môi trường của Formosa đang được thực hiện như nào?
- Chúng ta sẽ có 3 năm giám sát đặc biệt với Formosa. Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào đấy hai trạm quan trắc di động với thiết bị rất hiện đại. Viện Công nghệ Môi trường có cử một số cán bộ trực tiếp vận hành. Hai trạm quan trắc di động này sẽ phân tích được phần lớn chỉ tiêu gây ô nhiễm quan trọng. Một số chỉ tiêu khác vẫn phải đưa về phòng phân tích của viện ngoài Hà Nội.
Nước thải của Formosa đi qua 3 hệ thống gồm trạm xử lý nước thải sinh hoạt, trạm xử lý nước thải sinh hóa và trạm xử lý nước thải công nghiệp, trong đó trạm xử lý nước thải công nghiệp gồm nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hóa và các nguồn nước thải công nghiệp khác đổ về. Hiện tại, nước thải của Formosa dao động từ 10.000-12.000 mét khối ngày đêm.
Cá ở vùng biển Hà Tĩnh chết trôi dạt vào bờ sau khi Formosa xả thải ra biển.
|
Trong 3 nguồn nước thải kể trên, nước thải sinh hóa ô nhiễm nhất với hàm lượng phenol, xyanua rất cao. Trước đây, nước thải từ trạm sinh hóa đổ trực tiếp vào trạm xử lý nước thải công nghiệp làm cho hàm lượng phenol, xyanua giảm đi nhiều lần (vì nước thải sinh hóa chiếm khoảng 10% tổng nước thải của Formosa) tuy nhiên, tổng lượng độc không thay đổi.
Vì vậy, sau sự cố, chúng tôi yêu cầu nước thải sinh hoạt phải đạt quy chuẩn môi trường trước khi đổ vào trạm xử lý nước thải công nghiệp. Như vậy đã giảm thiểu đáng kể mức độ ô nhiễm của nước thải. Mới đây chúng tôi đo thì thấy, hàm lượng phenol của nước thải sinh hóa, sau khi xử lý, đã đạt dưới quy chuẩn cho phép khoảng 5 lần.
Với trạm nước thải công nghiệp (trạm xử lý cuối cùng trước khi đổ ra môi trường - PV), việc xử lý nước thải phải qua hai khâu là keo tụ và lọc. Thời điểm xảy ra sự cố môi trường, trạm này thiếu vật liệu lọc. Chúng tôi đã yêu cầu Formosa phải bổ sung.
Ngoài ra, để giám sát Formosa, hệ thống quan trắc tự động nước thải đã đưa vào hoạt động và kết nối trực tiếp với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, quan trắc tự động chỉ đo được một số thông số và tính chỉ thị về mức độ ô nhiễm không cao nên phải vận hành hai xe quan trắc di động mà tôi nói ở trên.
Nếu như trước đây việc quan trắc một tháng hoặc 3 tháng mới thực hiện một lần tùy vào chỉ tiêu quan trắc thì nay, việc lấy mẫu và phân tích được thực hiện hàng ngày. Nước thải đầu vào của 3 trạm xử lý được lấy một lần một ngày và nước thải đầu ra được lấy 3 lần một ngày để kiểm tra các chỉ tiêu quan trọng.
Đây là tần suất ở thời điểm hiện tại, khi thực hiện quan trắc đặc biệt ba năm, tần suất lấy mẫu và phân tích có thể thay đổi một chút nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể như nào phải chờ kết quả thống nhất giữa Bộ TNMT và Công ty Formosa.
Về khí thải, không phải công đoạn nào của nhà máy cũng độc hại, gang cán ra thép thì không độc, chủ yếu là bụi thôi. Tuy nhiên, luyện gang từ quặng lại độc hại vì quặng chứa nhiều tạp chất. Chúng tôi đã yêu cầu Formosa triển khai các nội dung bảo vệ môi trường. Thời gian tới sẽ kiểm tra việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường của Formosa, trong đó có công trình xử lý khí thải.
PGS.TS Trịnh Văn Tuyên.
|
Bên cạnh đó, việc quan trắc tự động được thực hiện với một số thông số của khí thải. Chúng tôi cũng tiến hành đo nhanh một lần một ngày và đo chậm một tuần một lần với khí thải của Formosa để giám sát các thông số ô nhiễm.
Chiều 30/8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã chuyển nốt 250 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển miền Trung. Như vậy, phía Formosa đã chuyển đủ 500 triệu USD bồi thường thiệt hại theo cam kết.
- Với các giải pháp như vậy, liệu chúng ta có thể yên tâm khi Formosa đi vào hoạt động không?
- Theo tôi sự cố vừa rồi là một bài học rất đắt giá. Cơ quan quản lý cũng có bài học đắt giá để quản lý môi trường chặt hơn, có sự tham gia của các nhà khoa học nhiều hơn. Với các giải pháp như trên, tôi tin rằng, sự cố môi trường như vừa qua sẽ không xảy ra.
- Nhưng thưa ông, Formosa được cấp phép hoạt động 70 năm, chúng ta chỉ giám sát đặc biệt 3 năm thì có yên tâm được không?
- Các công trình môi trường, giai đoạn đầu thường hoạt động chưa ổn định, rất dễ xảy ra sự cố. Trong 3 năm giám sát đặc biệt, chúng ta biết điểm nào của hệ thống bảo vệ môi trường hoạt động ổn định, điểm nào dễ bị phá vỡ tính ổn định để có giải pháp đưa chúng đi vào ổn định.
Sau ba năm, chúng ta không buông mà vẫn thực hiện giám sát, chỉ có điều tần suất sẽ giảm bớt đi thôi. Cơ quan quản lý vẫn phải giám sát thường xuyên theo quy định và tăng cường các thông số giám sát tự động so với bây giờ.
Hiện nay, Formosa đang xây dựng và hoàn thiện 22 công trình bảo vệ môi trường. Trước đây, chúng ta giám sát hoạt động bảo vệ môi trường theo ĐTM nhưng theo tôi, điều ấy không quan trọng vì ĐTM chỉ là hình thức nhà đầu tư dự kiến đưa ra, quản lý các công trình bảo vệ môi trường mới là điều quan trọng nhất.
Tôi được biết, sắp tới Bộ TN&MT sẽ kiểm soát rất chặt chẽ các báo cáo hoàn thành công trình môi trường của Formosa. Viện Công nghệ Môi trường sẽ tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát này.
Xin cảm ơn ông!