Trong giai đoạn giãn cách, laptop hay máy tính nói chung không nằm trong danh mục "hàng thiết yếu" dù nhiều người làm việc tại nhà. Đây cũng là trang bị tối thiểu để học sinh, sinh viên có thể học online.
TP.HCM bắt đầu mở cửa lại với những động thái đầu tiên, nhắc đến máy tính và các thiết bị tin học văn phòng trong văn bản chỉ đạo mới nhất. Tuy nhiên, trao đổi với Zing, nhiều chuỗi cửa hàng và hãng máy tính cho biết vẫn loay hoay với bài toán giao nhận, chưa thể mở trở lại vì nhiều lý do.
Nhiều doanh nghiệp bán, bảo hành máy tính không phải "hộ kinh doanh"
Theo quy định mới, từ ngày 9/9, TP.HCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6-18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang về.
TP.HCM cũng cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động trong khung giờ trên.
Các cửa hàng bán thiết bị tin học văn phòng vẫn phụ thuộc vào shipper công nghệ. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến. Đồng thời, quy định mới yêu cầu hàng được giao bởi các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ. Những cơ sở dịch vụ được phép hoạt động phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
“Sau khi TP.HCM cho phép hoạt động lại theo hình thức trên, CellphoneS đã được các đối tác vận chuyển nhận hàng giao cho khách. Điều này giúp việc giao các mặt hàng công nghệ phục vụ cho việc học tập, làm việc tại nhà đỡ tắc nghẽn hơn trước đây, khi Chỉ thị 16+ có hiệu lực, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế”, Nguyễn Huy, đại diện CellphoneS, chuỗi bán lẻ thiết bị di động, laptop trả lời Zing.
Theo ông Hoàng Minh, đại diện một trung tâm bảo hành tại Quận 3, TP.HCM, doanh nghiệp của ông đã đăng ký hoạt động lại dịch vụ hậu mãi nhưng không đáp ứng được các tiêu chí. Điều kiện được hoạt động lại áp dụng cho giấy phép hộ kinh doanh. “Đa số đơn vị bán lẻ, bảo hành đều đăng ký giấy phép doanh nghiệp. Quy định về giấy phép hộ kinh doanh khiến nhiều bên không thể mở cửa”, ông Minh cho biết.
Trong thời gian giãn cách, laptop trở nên thiết yếu và chiếm thời gian sử dụng hơn so với smartphone. Chúng tôi mong dịch vụ giao nhận được phép hoạt động rộng hơn với các chủng loại hàng hóa, sản phẩm đa dạng hơn.
Eric Lee, CEO ASUS Việt Nam
Trả lời Zing, Phó chủ tịch UBND quận 3, TP.HCM cho biết hiện quận áp dụng chỉ thị của thành phố, các cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh được phép hoạt động trong khung giờ quy định.
“Những đơn vị có trong danh sách được hoạt động phải đáp ứng được các yêu cầu giãn cách, không đảm bảo giãn cách thì không được hoạt động”, Phó chủ tịch UBND quận 3, TP.HCM nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo quận 3, ngoài các cơ sở có giấy phép Hộ kinh doanh, những doanh nghiệp thuộc danh sách được phép hoạt động theo chỉ thị 16 đã được cấp giấy phép trước đó. Tuy vậy, các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị tin học văn phòng không nằm trong danh sách này.
Nhu cầu thiết bị đang tăng gấp 3
Theo ông Eric Lee, CEO ASUS Việt Nam cho rằng trong giai đoạn dịch bệnh, khi nhu cầu có một thiết bị hữu hiệu để làm việc, học tập ở nhà tăng cao. ”Chiếc laptop trở nên ‘thiết yếu’ và chiếm nhiều thời gian sử dụng hơn so với cả một chiếc điện thoại di động, vốn là thiết bị trước đây được ưu tiên sử dụng”, ông Eric Lee cho biết.
Trả lời Zing, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động hệ thống bán lẻ FPT Shop cho rằng nhu cầu về các sản phẩm laptop, thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến trong thời gian qua đang tăng đột biến.
Theo số liệu từ nhà bán lẻ, hiện nhu cầu thiết bị học trực tuyến đang tăng gấp 3 so với cũng kỳ năm ngoái. Ảnh: Quỳnh Trang. |
“Trong bối cảnh áp dụng học trực tuyến như hiện nay, mỗi học sinh, sinh viên đều mong muốn có một thiết bị riêng để phục vụ như cầu. Bên cạnh đó, nhiều công việc yêu cầu làm tại nhà cũng đòi hỏi người lao động phải có thiết bị kết nối. Riêng nhu cầu các sản phẩm laptop đang tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Kha phân tích lý do nhu cầu về các thiết bị công nghệ tăng đột biến trong thời gian giãn cách.
Tuy vậy, theo các nhà phân phối sản phẩm công nghệ, số lượng đơn hàng giao đi vẫn phụ thuộc vào đơn vị vận chuyển, phần lớn đều đang quá tải. Đồng thời, nguồn hàng cũng bị ảnh hưởng vì khó khăn trong vận chuyển.
“Chúng tôi hy vọng tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát, hệ thống dịch vụ giao nhận được phép hoạt động rộng hơn với các chủng loại hàng hóa, sản phẩm đa dạng hơn”, CEO ASUS Việt Nam chia sẻ.
Chưa tìm được phương án giao hàng nhận hiệu quả
Theo đại diện FPT, nhu cầu tăng đột biến được giải quyết trong thời gian qua bằng chính sách đặt hàng online và hỗ trợ cài đặt từ xa. Tuy vậy, chuỗi bán lẻ này vẫn gặp khó khăn trong luân chuyển hàng hóa từ nhà phân phối và việc giao nhận cho khách hàng tại khu vực cách ly.
Trong khi đó, khó khăn trong khâu giao nhận ở ngành hàng máy tính để bàn lại lớn hơn. Một số chuỗi phân phối, nhãn hàng không đánh mạnh online chọn kết hợp với các sàn thương mại điện tử để giao nhận. Cách làm này cũng được nhiều thương hiệu như Dell, ASUS sử dụng để giao hàng đến người dùng. Tuy nhiên, cách làm này chưa đem lại hiệu quả như mong muốn bởi các sàn thương mại điện tử hiện nay cũng đang trong tình trạng quá tải.
Một số thiết bị tin học văn phòng cần được bảo hành, lắp ráp bởi nhân viên kỹ thuật. |
Các doanh nghiệp đã sớm hoàn thiện bán hàng online như website, trả góp từ xa lại chọn kết hợp với đơn vị vận chuyển. Đại diện Gearvn, chuỗi chuyên phân phối PC cho biết do đã chủ động số hóa kinh doanh từ đầu nên họ vẫn tiếp tục kinh doanh qua hình thức online.
Tuy vậy, phần giao hàng phụ thuộc hoàn toàn vào bên vận chuyển. “Mất 3-5 ngày mới chúng tôi mới có thể giao được hàng tới tay người dùng trong TP.HCM vì phụ thuộc bên thứ ba. Đây là vấn đề chung mà các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng máy tính, laptop gặp phải”, đại diện Gearvn cho biết.
Bên cạnh kéo dài thời gian giao nhận, việc kết hợp với các bên vận chuyển cũng tồn tại nhiều khó khăn. “Một số sản phẩm đặc thù như Wi-Fi, PC thường phải có nhân viên kỹ thuật hỗ trợ lắp đặt. Ngoài ra, một số cửa hàng nhỏ lại không được các bên vận chuyển hỗ trợ thanh toán tại nhà bởi giá trị hàng hóa cao”, Đào Đức Tiến, đại diện An Phát PC nói với Zing.
Theo ông Tiến, mặt hàng công nghệ thường được người dùng chọn mua theo cách trả góp. Thế nhưng, một số chuỗi cửa hàng chưa chuẩn bị kịp cho dịch vụ trả góp từ xa. “Giá trị hàng hóa lớn, rủi ro cao và đòi hỏi chuyên môn khiến một số cửa hàng quyết định đóng cửa đến khi đội ngũ kỹ thuật có thể giao hàng, lắp đặt trực tiếp”, ông Tiến nói thêm.
Khó sửa chữa, bảo hành
Bên cạnh nhu cầu mua sắm thiết bị mới, vấn đề bảo hành, sửa chữa cũng được nhiều người dân quan tâm. “Trong bối cảnh dịch bệnh, các trung tâm bảo hành chỉ có hai lựa chọn là tiếp tục đóng cửa hoặc bảo hành theo hình thức giao nhận”, ông Hoàng Minh chia sẻ.
Theo đó, người dùng sẽ gửi thiết bị đến trung tâm bảo hành qua các đơn bị vận chuyển được phép hoạt động. Đại lý bán lẻ hay nhãn hàng sẽ tiếp nhận, sửa chữa và gửi lại người dùng.
Trả lời Zing, CEO ASUS Việt Nam cho biết hiện hãng tạm ngưng nhận hàng trực tiếp từ người dùng cuối tại trung tâm bảo hành. “Hiện tại, ASUS sẽ cung cấp dịch vụ giao nhận hàng tại nhà thông qua đối tác vận chuyển ở những tỉnh thành được phép hoạt động. Chúng tôi hỗ trợ dịch vụ này miễn phí cho tất cả trường hợp trong bảo hành và ngoài bảo hành”, ông Eric nói thêm.
Theo CEO ASUS Việt Nam, laptop là mặt hàng "thiết yếu" trong bối cảnh người dân phải học tập và làm việc tại nhà. Ảnh: Trần Bình. |
Tuy nhiên, với các lỗi cần sửa chữa phần cứng, hãng máy tính chỉ có thể giải quyết và hỗ trợ người dùng khi tình hình dịch bệnh TP.HCM được khống chế hoặc dịch vụ bảo hành được phép hoạt động trở lại.
“Trung tâm bảo hành hiện không thuộc diện được hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp dịch vụ bảo hành phải đến tận nhà để phục vụ nên khó đáp ứng các điều kiện”, ông Hoàng Minh nói thêm.
Để hỗ trợ người dùng, một số hãng đã chủ động tăng thời gian bảo hành lên 1-2 tháng tùy trường hợp để người dùng có thể sửa chữa các sản phẩm hư hỏng sau khi trung tâm bảo hành được hoạt động trở lại, tránh phần thiệt cho khách hàng.