Quyết định ngừng hợp tác với Huawei của Google là điểm khởi đầu của một làn sóng quay lưng đối với công ty Trung Quốc. Nhiều người tin rằng việc Google rút giấy phép Android là một thảm họa với Huawei, nhưng hóa ra họ đã nhầm.
Mất giấy phép Android, Huawei sẽ không còn nhận được các bản cập nhật hệ điều hành và bảo mật sớm, cũng không được truy cập vào các dịch vụ cốt lõi của Google. Thế nhưng họ vừa được Bộ Thương mại Mỹ cấp giấy phép tạm thời 3 tháng, cũng như có kế hoạch xây dựng hệ điều hành của riêng mình.
Việc bị nhà thiết kế chip ARM quay lưng mới đúng là thảm họa với Huawei.
Mất đi một cánh tay
ARM là viết tắt của Advanced RISC Machine, nhưng nhiều người ví công ty này giống như một “cánh tay” (arm trong tiếng Anh) của những nhà sản xuất di động. Thậm chí ví von như vậy cũng là chưa thích đáng. Theo Android Authority, ARM như là mạch máu của toàn bộ ngành smartphone.
Mọi hãng sản xuất smartphone đều phải sử dụng công nghệ của ARM, và Huawei cũng không phải ngoại lệ. Ảnh: Android Authority. |
Công ty này quan trọng như vậy bởi các kiến trúc và tập lệnh mà họ tạo ra được tất cả các hãng sản xuất smartphone sử dụng. Có thể nói smartphone có thể xử lý, tính toán được là nhờ công nghệ của ARM.
ARM còn thiết kế vi xử lý, nhân đồ họa cho phần lớn smartphone hiện nay. Ngoại trừ Apple, hầu hết hãng còn lại đều mua bản quyền thiết kế CPU hoặc GPU của ARM để tạo nên chip riêng của mình. Dòng chip Qualcomm Snapdragon, Huawei HiSilicon, MediaTek hay Samsung Exynos đều sử dụng bản quyền của ARM.
Nói cách khác, bất kỳ smartphone nào bạn nhìn thấy trên thị trường đều có một phần công nghệ của ARM trong đó.
Huawei không còn lựa chọn nào khác
Theo BBC, Huawei vẫn sẽ được sử dụng các thiết kế chip sẵn có của họ, như dòng chip tầm trung Kirin 710 hay cao cấp Kirin 980. Những dòng chip đã phát triển xong như Kirin 985 cũng không bị ảnh hưởng.
Tương lai thì khác, bởi Huawei không có giải pháp nào khác nếu không dùng công nghệ của ARM. Do ARM không tiếp tục hợp tác, Huawei không thể tự thiết kế chip của mình và phải mua lại của hãng khác như Samsung Exynos hay MediaTek.
Dòng chip Kirin của Huawei cũng sử dụng công nghệ, kiến trúc của ARM để phát triển. Ảnh: Huawei. |
Dù vậy khả năng này cũng khó xảy ra, nếu như ARM tuân thủ hoàn toàn theo lệnh cấm của Mỹ. ARM tuy có trụ sở tại Anh, nhưng cũng sử dụng rất nhiều công nghệ từ Mỹ.
Vài năm trước, ngoài ARM thì thế giới di động còn có chip của Intel sử dụng tập lệnh x86. Tuy nhiên Intel giờ đã ngừng sản xuất chip cho di động, và họ cũng không thể bán công nghệ cho Huawei.
Nếu phát triển chip mới, Huawei sẽ phải làm ra một con chip không hề dùng tập lệnh x86 hay ARM, tức là cũng không có nhiều lựa chọn. Kể cả có lựa chọn được một kiến trúc như MIPS, thì Huawei cũng không thể làm ra một con chip mới trong nhiều năm chứ đừng nói là vài tháng.
Nói cách khác, quyết định của ARM khiến cho Huawei thiệt hại nhiều hơn hẳn. Không có Google, Huawei có thể tìm cách khác để tạo ra phần mềm cho điện thoại của họ. Dù gì thì họ cũng đã có kinh nghiệm với dòng sản phẩm nội địa không dùng dịch vụ Google.
Không có ARM, Huawei còn chẳng có phần cứng để làm điện thoại. Họ chẳng có đường nào khác để đối phó.