Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Không phải công ty Nhật nào ở Việt Nam cũng lớn như Sony, Fujitsu'

Là thế hệ thứ 3 của một tập đoàn đã đầu tư tại Việt Nam hơn 26 năm, CEO 36 tuổi của Mitani Sangyo chia sẻ từ nhỏ ông đã hiểu Việt Nam có vị trí quan trọng trong cuộc đời mình.

Mitani Sangyo dau tu tai Viet Nam anh 1

Tadateru Mitani là người kế nghiệp đời thứ 3 của tập đoàn đa ngành đến từ Nhật Bản - Mitani Sangyo. Cha của ông, Chủ tịch Mitsuru Mitani đã đến Việt Nam từ năm 1993 để tìm hiểu về thị trường và là một trong những công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam từ thời kỳ đầu.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Tadateru Mitani từng có 4 năm làm việc tại San Francisco (Mỹ) trước khi quay về làm việc tại tập đoàn của gia đình và đảm nhiệm vị trí CEO của Mitani Sangyo vào năm 2017.

Trò chuyện với Zing, ông cho biết công ty mình đang hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật có kế hoạch đầu tư sang Việt Nam trong thời gian tới.

"Năm 14 tuổi, tôi từng thấy rất có lỗi với người Việt"

- Lý do nào đã khiến cha ông, Chủ tịch Mitsuru Mitani, quyết định đầu tư tại Việt Nam gần 26 năm về trước?

- Năm 1993, khi Mitani Sangyo có kế hoạch mở rộng đầu tư ra ngoài Nhật Bản, cha tôi đã có một chuyến đi khảo sát nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia... Lúc ấy, Việt Nam không nằm trong danh sách các điểm đến của ông.

Tuy nhiên, cuối chuyến đi, ông đã quyết định ghé Việt Nam trước khi về để hiểu thêm về đất nước xã hội chủ nghĩa này.

Khi đó Việt Nam đang trong thời kỳ "Đổi Mới", ông khá bất ngờ vì sự cởi mở của Việt Nam so với các quốc gia cùng thể chế chính trị, thậm chí có nhiều điểm tương đồng với Nhật Bản về văn hóa. Bên cạnh đó, nhìn vào lớp người trẻ, ông thấy được ánh mắt sáng lấp lánh của những con người muốn cống hiến để làm kinh tế. Đây là điểm rất giống với người Nhật trong thời trẻ của ông.

Mitani Sangyo dau tu tai Viet Nam anh 2

Chủ tịch Mitsuru Mitani và CEO Tadateru Mitani. Ảnh: TL.

- Vậy lần đầu tiên ông đến Việt Nam là khi nào? Ấn tượng của ông lúc đó về đất nước này là gì?

- Năm 14 tuổi, tôi theo chân cha sang Việt Nam công tác. Đúng thời điểm ấy tôi cũng đang có một kỳ thi rất quan trọng tại Nhật Bản.

Khi đó đã có một cuộc đấu tranh giữa cha và cô giáo về đơn xin phép đi Việt Nam du lịch của tôi. Cô giáo đã hỏi giữa kỳ thi này và việc đi Việt Nam, điều gì quan trọng với tôi hơn. Và bố tôi đã trả lời rất dứt khoát rằng "Đương nhiên là Việt Nam".

Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi được ở tại một khách sạn rất cao cấp, tuy nhiên vào năm 1998, Việt Nam còn nghèo. Khi nhìn thấy những đứa trẻ theo bố mẹ ăn xin trên đường, tôi đã cảm thấy rất có lỗi đối với người dân Việt Nam, vì mọi người còn đang sống trong điều kiện nghèo khổ mà tôi lại ở trong một khách sạn sang trọng như vậy.

- Từ đó đến nay đã 22 năm, vậy trong mắt ông, Việt Nam đã thay đổi như thế nào?

- Nhìn chung, chất lượng cuộc sống của người Việt đã tăng lên rất nhiều, tầng lớp trung lưu ngày càng đông, đô thị phát triển với nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng thì khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam cũng đang ngày một lớn.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm qua rất đáng ngưỡng mộ. Các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư ngày càng nhiều. Ngược lại, bản thân lực lượng doanh nghiệp Việt Nam cũng rất đông, xuất hiện nhiều tập đoàn lớn khiến các doanh nghiệp nước ngoài như chúng tôi tôn trọng và thán phục.

Doanh nghiệp Nhật cần Việt Nam và ngược lại

- Việt Nam là thị trường nước ngoài duy nhất mà Mitani Sangyo đang hiện diện. Công ty có kế hoạch mở rộng ra các quốc gia khác hay không?

- Đây là câu hỏi mà các cổ đông cũng nhiều lần đặt ra cho ban quản trị. Tuy nhiên chúng tôi vẫn quyết định chỉ tập trung đầu tư tại Việt Nam.

Mitani Sangyo dau tu tai Viet Nam anh 3
CEO Tadateru Mitani cho biết thị trường Việt Nam có nhiều giá trị phù hợp với doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: TL.

Mỗi quốc gia có một văn hóa và chính sách khác nhau để tạo nên giá trị tổng thể của thị trường, ngay cả giữa ASEAN cũng có nhiều sự khác biệt. Tính về chi phí đầu tư vào một thị trường mới cũng như thời gian để thích nghi với nền văn hóa bản địa thì tôi thấy việc tiếp tục đầu tư ở Việt Nam là phương án tối ưu. Lợi nhuận từ việc đầu tư tại Việt Nam sẽ tiếp tục được tái đầu tư vào thị trường này.

- Ông đánh giá thế nào về việc Chính phủ Nhật Bản đang có nhiều biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp của mình dịch chuyển từ Trung Quốc đến các thị trường khác?

- Đây là một chủ trương đang được chỉ đạo quyết liệt. Thực tế, việc rời khỏi Trung Quốc là mong muốn từ trước đó của nhiều doanh nghiệp nhưng chưa thể thực hiện. Chính vì vậy, định hướng này của Chính phủ là cơ hội để doanh nghiệp có thêm động lực.

Trong xu hướng này, Việt Nam là một điểm đến đáng cân nhắc. Theo tôi quan sát, Việt Nam cũng đang có những khâu chuẩn bị rất tích cực trong việc chào đón làn sóng chuyển dịch đầu tư.

Các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam cần gắn bó với nhau để giải quyết nhiều vấn đề.

CEO Tadateru Mitani

Các công ty Nhật Bản có nhiều vấn đề cần kết hợp với người Việt Nam để giải quyết, ngược lại, người Việt cũng cần các doanh nghiệp Nhật để phát triển trên nhiều khía cạnh. Chính vì vậy theo tôi cả hai phía cần gắn bó với nhau.

Nhìn rộng hơn, bối cảnh quốc tế hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề mà ở đó, Việt Nam và Nhật Bản cần bắt tay nhau để đảm bảo trật tự, an ninh khu vực cũng như ổn định kinh tế trong mối tương quan với nhiều quốc gia, tổ chức khác.

Các công ty vừa và nhỏ hỗ trợ nhau đến Việt Nam

- Ông nhìn nhận thế nào về sự chuyển dịch của các công ty Nhật Bản đến Việt Nam trong thời điểm gần đây?

- Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản rất đa dạng. Các tập đoàn lớn như Sony, Fujitsu,... là những công ty có tiềm lực lớn, tự bản thân họ có thể đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tự lực đầu tư ra nước ngoài là một quyết định lớn khiến họ không khỏi lo lắng.

Hiểu được điều này, nên Mitani Sangyo đang rất tích cực giúp họ đến Việt Nam dễ dàng hơn.

Mitani Sangyo dau tu tai Viet Nam anh 4

Bên cạnh những công ty có quy mô lớn, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam cũng có nhiều công ty nhỏ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cụ thể, gần đây Bộ Tài nguyên và Môi trường Nhật Bản đang có chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc xử lý rác thải xây dựng - vấn đề nan giải của các quốc gia đang phát triển. Một công ty trong lĩnh vực xử lý rác thải xây dựng của Nhật có mong muốn được tham gia vào dự án này, tuy nhiên họ chưa từng đầu tư tại Việt Nam trước đó. Chính vì vậy, chúng tôi đang hỗ trợ và chia sẻ các kinh nghiệm của mình để giúp công ty này tham gia vào dự án một cách suôn sẻ nhất.

- Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã có vị Thủ tướng mới, ông Yoshihide Suga. Theo ông, chính sách kinh tế của Nhật Bản với Việt Nam dưới nhiệm kỳ của ông Suga có thay đổi gì không?

- Tôi cho rằng Thủ tướng Suga sẽ không đưa ra nhiều thay đổi trong chính sách kinh tế của Nhật Bản đối với Việt Nam. Tuy nhiên, các chính sách đối với Trung Quốc sẽ được cân nhắc điều chỉnh theo tình hình mới. Vì xu thế chung đang là rời Trung Quốc nên tôi tin rằng các hoạt động giao lưu và đầu tư với Việt Nam sẽ được tăng cường.

Vì xu thế chung đang là rời Trung Quốc nên tôi tin rằng, trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Suga, các hoạt động giao lưu và đầu tư với Việt Nam sẽ được tăng cường.

CEO Tadateru Mitani

- Trong bối cảnh này, ông nhìn nhận thế nào về mức độ cạnh tranh của thị trường Việt Nam so với các thị trường khác ở Đông Nam Á trong việc thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản?

- Hiện nay Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách ưu đãi trong dài hạn, đảm bảo cho các doanh nghiệp đầu tư tại đây có thể dung hòa được nhiều yếu tố, yên tâm đầu tư tại Việt Nam.

Ví dụ, với một doanh nghiệp nước ngoài, khi tỷ lệ thu mua nguyên vật liệu trong nước đạt đến mức độ nhất định sẽ được coi như doanh nghiệp trong nước và được hưởng các ưu đãi. Với chính sách này, Chính phủ Việt Nam có thể vừa đảm bảo phát triển các doanh nghiệp cung ứng trong nước, đồng thời kích thích doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nguyên vật liệu tại Việt Nam nhiều hơn để được hưởng các đãi ngộ về thuế. Có thể nói đây là việc làm "một mũi tên trúng hai đích".

Chi phí đầu tư tại Việt Nam cũng ở mức vừa phải, phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô trung bình của Nhật.

Nhân lực tại Việt Nam rất ưu tú. Khi có vấn đề bất ngờ xảy ra, họ luôn biết cách ứng phó và hợp tác làm việc nhóm để đảm bảo hoạt động của công ty diễn ra một cách thuận lợi nhất. Khi nói chuyện với những công ty đang đầu tư ở các thị trường lân cận, tôi cũng không nghe được những đánh giá tích cực như vậy so với người lao động ở Việt Nam.

Song song đó, vẫn còn một số vấn đề còn được xem là trở ngại. Cụ thể, luật pháp và các chính sách về thuế vẫn còn đang trong quá trình sửa đổi và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn với nhau, gây khó khăn trong việc chấp hành.

Một yếu tố khác là tình trạng nhảy việc của nhân viên tại Việt Nam. Họ chuyển việc rất nhanh, trong khi có rất nhiều kỹ năng cần thời gian để tiếp thu và rèn luyện mới có thể làm tốt, khiến họ khó có thể phát huy được vai trò của mình trong công ty.

- Thay cha đảm nhiệm vị trí lãnh đạo hoạt động đầu tư tại Việt Nam khi còn khá trẻ, ông có cảm thấy áp lực?

- Các phương châm của công ty từ thời cha tôi vẫn sẽ được giữ vững, tuy nhiên có một số thay đổi trong định hướng đầu tư như lợi nhuận sẽ được tái đầu tư vào Việt Nam và điều chỉnh phương pháp quản lý nội bộ. Ngoài ra, chúng tôi có thêm nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa, xã hội thay vì chỉ tập trung kinh doanh.

Sau hơn 22 năm kể từ lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi hiểu được sự quyết đoán của cha trong câu trả lời với cô giáo rằng Việt Nam quan trọng hơn kỳ thi ấy là hoàn toàn có lý do. Hai cha con tôi đã có một quyết định đúng đắn. Khi đó Việt Nam còn là một nước mới phát triển và có rất nhiều tiềm năng. Có thể nói, tôi đã được trưởng thành cùng với sự lớn mạnh của nền kinh tế này.

- Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này.

CEO Vinamit: ‘Dịch Covid-19 cho ta cơ hội lùi lại’

Đối với ông Nguyễn Lâm Viên, chỉ khi không thể tăng trưởng nóng, doanh nghiệp mới có cơ hội tái cấu trúc và hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ.

Hà Bùi

Bạn có thể quan tâm