Đối với ông Nguyễn Lâm Viên, chỉ khi không thể tăng trưởng nóng, doanh nghiệp mới có cơ hội tái cấu trúc và hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ.
Phóng viên Zing gặp Nguyễn Lâm Viên trong một căn nhà gỗ nhỏ tại TP.HCM, nơi tái hiện không gian ông sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt. Ông bảo may mắn lắm mới sở hữu được mảnh đất này: Một triền dốc cao nằm ngay trung tâm thành phố.
Trong khuôn viên rộng thoáng có sự hiện diện của một quán cà phê nhỏ mang tên Regina. Quán cũng bán cà phê, nước ép và các loại đồ uống khác. Nhưng tại Regina, lợi nhuận được dành để chăm sóc trẻ tự kỷ và hỗ trợ người nghèo.
- Điều hành một doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Việt Nam với những trang trại rộng lớn khắp cả nước, vì sao ông lại dành thời gian cho Regina, một dự án xem chừng quá nhỏ?
- Tôi phá khu vườn của mình để lấy mặt bằng làm quán cà phê vì mong muốn tạo ra một tổ chức có thể làm từ thiện đều đặn. Việc đóng góp cho cộng đồng cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nên được thực hiện thường xuyên, như một phần trong hoạt động, hơn là chỉ đóng góp khi được kêu gọi.
Hơn 13 năm qua, Regina giúp tôi hoàn thành tâm nguyện này. Tiếc là năm nay, Covid-19 phần nào ảnh hưởng đến doanh thu của quán, nghĩa là, cũng sẽ ảnh hưởng đến những đóng góp mà Regina thực hiện hàng năm.
- Liên tục trong những năm qua, Vinamit ghi nhận nhiều tin vui: Đạt chứng nhận hữu cơ từ Trung Quốc sau nhiều năm sở hữu chứng chỉ ở Mỹ và châu Âu, tăng trưởng gần 50%... Còn hiện tại, ngoài Regina, dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến các mảng kinh doanh khác của Vinamit không?
- Tất cả chuyện vui kia là của năm 2019. Chúng ta đã bước qua một cái Tết Nguyên Đán kỳ lạ nhất của thập kỷ để rồi sau cái Tết ấy, tất cả đều không còn như xưa. Vinamit cũng như rất nhiều doanh nghiệp khác, đều chịu ảnh hưởng trực tiếp trong đại dịch lần này.
Chính phủ khống chế dịch rất tốt, nhưng kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào xuất khẩu trong khi thị trường các nước đều phải vùng vẫy chiến đấu với con virus nhỏ bé kia. Làn sóng lây nhiễm thứ nhất qua đi, lại đến làn sóng thứ hai bùng phát. Rất khó để nói về kinh tế lúc này, ít nhất cũng phải đợi đến khi các nước thực hiện được tiêm chủng ngừa virus.
- Cụ thể, dịch Covid-19 đã khiến Vinamit mất những gì?
- Từ năm 1991 khi xuất khẩu những container mít sấy khô đầu tiên ra thế giới, chưa bao giờ tình hình kinh doanh của Vinamit lại trồi sụt như hiện nay. Tất cả thị trường xuất khẩu chính của Vinamit đều khó khăn. Tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng giảm do lượng khách du lịch đến Việt Nam không còn. Tổng doanh thu giảm đến 20%. Dự kiến, tăng trưởng trong năm nay là số âm.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ phải đóng cửa văn phòng đại diện ở thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc, chuyển lại cho người địa phương duy trì mô hình đại lý chính thức. Đây có thể nói là một quyết định khó khăn bởi trong số bình quân 1.600 tấn mít sấy xuất khẩu mỗi năm của Vinamit thì có khoảng 1.100 tấn là phục vụ thị trường này. Sắp tới sẽ chỉ còn một văn phòng đại diện duy nhất ở Mỹ. Tuy nhiên, với tôi, bước lùi đó là cần thiết.
- Có vẻ như ông không quá khó chịu với dịch Covid-19?
- Ngoại trừ một chuyện tôi bứt rứt nhất là không được thăm nom vợ con ở nước ngoài, với tôi, sự hiện diện của dịch bệnh lần này chứa đựng rất nhiều thông điệp.
Riêng ở Việt Nam, thời gian chậm lại này rất quý giá. Một doanh nhân kinh doanh khu nghỉ dưỡng ở Đà Lạt đã nhiều lần nói với tôi rằng anh ấy tha thiết được cải tạo cảnh quan khu nghỉ dưỡng của mình, trồng thêm cái này, sửa lại góc kia, nhưng lượng khách cứ đổ về mỗi ngày lại nhiều hơn.
Nhu cầu của khách và doanh thu trước mắt khiến chủ doanh nghiệp không đủ dũng cảm để lắc đầu, chấp nhận khai thác cái sẵn có, không thể tu bổ gì cho Đà Lạt. Dịch Covid-19 đã mang đến "cơ hội" đó. Và giờ, sau thời gian cải tạo thì khu nghỉ dưỡng của anh đẹp hơn, lung linh hơn hẳn.
Đó cũng là chuyện của rất nhiều doanh nghiệp trong nước mà tôi biết. Nhiều doanh nhân đã nói với tôi rằng dịch Covid-19 đã cho họ cơ hội để tái cấu trúc, hoàn chỉnh các dịch vụ, sản phẩm của mình. Đây là điều mà thời gian trước, do phải chạy theo tăng trưởng nóng, họ không có điều kiện thực hiện.
- Dưới sự điều hành của ông, Vinamit có hơn 600 nhân sự chính thức và 3.000 nhân viên thời vụ. Ông thích ứng như thế nào khi dịch Covid-19 hoành hành?
- Trước Tết, khi quan sát xung quanh, tôi đã linh cảm có điều gì đó từ sự thịnh vượng chung của mọi người. Nếu nhìn lại sẽ thấy, năm 2019, người Việt kiếm tiền dễ hơn, thong thả hơn. Nhiều người tích lũy lớn và ai cũng nói về dự định đầu tư bất động sản. Tựa như đồ thị parabol, khi thịnh vượng lên đến đỉnh thì sẽ phải xuống đáy để có thể bắt đầu một chu kỳ mới.
Khi tiếp cận những thông tin đầu tiên, tôi cũng phần nào bất ngờ. Tuy nhiên, Vinamit đã được ứng dụng công nghệ quản trị từ trước nên xáo trộn xảy ra không nhiều. Việc suy giảm cũng là ảnh hưởng chung của kinh tế thế giới. Nhân viên của chúng tôi vẫn ổn định.
Thực lòng, cũng như vị doanh nhân kinh doanh khu nghỉ dưỡng kia, bản thân tôi thấy dịch Covid-19 đã cho Vinamit cơ hội lùi lại, để có thể tái cấu trúc cho tương lai phía trước. Chúng tôi lùi một bước hôm nay, nhưng sẽ tiến ba bước trong tương lai không xa.
- Ông sẽ làm gì để có ba bước tiến ấy?
- Tái cấu trúc, hoàn thiện các nghiên cứu đang theo đuổi và thực hiện những dự định mà tôi ấp ủ lâu nay.
- Năm 1986, là một trong những người bước chân ra thế giới ngay từ những ngày đầu đất nước mở cửa, ông dự định gì trong hành trình đầu tiên ấy?
- Thời điểm đó, tôi chỉ biết là phải ra ngoài để xem các nước làm nông nghiệp ra sao. Nông dân Việt Nam nghèo quá, ăn cơm độn khoai, độn bắp dù đất đai thổ nhưỡng màu mỡ. Canh tác và phát triển không hiệu quả khiến giá trị nông sản luôn ở mức thấp. Muốn phá vỡ hiện thực đó, chỉ có cách duy nhất là học hỏi thế giới.
Sau nhiều điểm đến, cuối cùng, tôi chọn Đài Loan. Nếu không có những chuyến đi ấy, sẽ không có Vinamit hiện nay.
- Nghĩa là, Đài Loan đã tạo nên nền móng cho sự nghiệp của ông?
- Có thể nói là như vậy. Ở đó, tôi làm nghiên cứu sinh và may mắn được hướng dẫn bởi những giáo sư hết sức tận tình. Những kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao mà tôi học được có thể ứng dụng trong suốt 20 năm qua và vẫn còn hữu dụng với tôi trên chặng đường phía trước.
Các nhà kinh doanh Đài Loan cũng là người đầu tiên tiêu thụ sản phẩm của tôi khi tôi thành công trong việc sấy khô mít, trái cây, rau củ, làm nên món ăn vặt quen thuộc và bổ dưỡng hiện nay. Họ bao tiêu sản phẩm cho tôi suốt 5 năm đầu, giúp tôi ổn định về mặt tài chính để bước ra biển lớn, vươn đến những thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn, Nhật, châu Âu…
Tôi thực sự biết ơn hành trình ấy, biết ơn từng con người tôi gặp. Đó là quãng thời gian tôi được tiếp thêm sức mạnh cho niềm tin, rằng chúng ta hoàn toàn có thể vươn đến một ngành nông nghiệp công nghệ cao.
- Khi đang thành công với việc ứng dụng công nghệ vào chế biến thực phẩm với những tiến bộ độc đáo như sấy khô trái cây, rau củ quả, gần nhất là sấy khô cả sữa chua, nước mía, tắc…, vì sao Vinamit lại lấn sân sang cung cấp thực phẩm hữu cơ?
- Tôi quyết tâm theo đuổi con đường “organic” (hữu cơ) khi mà những thông tin về mít, sầu riêng tiêm thuốc kích chín phủ đầy các trang báo. Người dùng trong nước e dè thì khách quốc tế càng lo ngại.
Ban đầu, dự định của tôi chỉ là triển khai hữu cơ cho mít, nguyên liệu chính yếu. Nhưng càng ứng dụng, tôi càng ngộ ra, hình như mình đã có câu trả lời cho những ấp ủ thủa còn xanh. Phải có mô hình khác cho nông nghiệp Việt Nam, quốc gia đang đứng những vị trí đầu trong xuất khẩu nông sản, nhưng chỉ là nguyên liệu thô và công tác nuôi trồng thì phụ thuộc hoàn toàn vào hoá học.
Mô hình đó không thể nói, mà chỉ có thể làm. Tôi phải bắt tay vào làm, bắt đầu từ việc đơn giản nhất là trồng từng cọng rau, nuôi từng con cá. Như vậy mới có thể đưa ra một mô hình cụ thể cho người dân nhìn thấy và ứng dụng.
- Ý tưởng đó thành công chứ?
- Những lúc hừng hực quyết tâm, người ta rất dễ quá đà. Tôi vướng vào tình trạng đó khi muốn hiện thực hóa thật nhanh những ý tưởng của mình. Việc thuê chuyên gia, triển khai mô hình cánh đồng lớn ngay từ đầu cho tôi một bài học. Cũng may là thất bại đến nhanh, tôi buồn nhưng cũng được an ủi vì ít nhất cũng đỡ mất thời gian.
Tôi trở lại điểm xuất phát, xắn tay trực tiếp làm, với mô hình trang trại nhỏ và những cộng sự trẻ là sinh viên mới ra trường. Hai năm nay, mô hình này hoạt động ổn định. Vinamit đã đưa ra thị trường những sản phẩm rau xanh organic đúng chuẩn. Chúng tôi cũng từng bước lấy được các chứng nhận hữu cơ cho các nguyên liệu sản xuất chính yếu.
Tuy nhiên, để phát triển đồng bộ, con đường này đòi hỏi những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Điều chúng tôi cần nhất hiện nay là nhân sự. Lượng kỹ sư nông nghiệp được đào tạo ở Việt Nam không thiếu nhưng lại không đúng với con đường nông nghiệp hữu cơ mà tôi đang theo đuổi.
- Giải pháp của ông trước khó khăn đó là gì?
- Hiện tôi đào tạo lại từ đầu một thế hệ kỹ sư nông nghiệp mới, học và làm trực tiếp ở các trang trại. Họ được đào tạo từ những kiến thức cơ bản nhất, như hệ sinh thái đất, đời sống của côn trùng… Chỉ có hiểu biết đủ đầy về hệ động, thực vật, chúng ta mới có thể dựa trên đó mà phát triển nông nghiệp tự nhiên. Những trang trại của Vinamit đều có phòng thí nghiệm, có không gian nuôi trồng thử nghiệm để phục vụ công tác nghiên cứu.
Nhưng quan trọng nhất là những kỹ sư trẻ ấy cũng được đào tạo năng lực quản trị để có thể tự làm chủ nông trại nhỏ của mình, được chia lại từ đất của nông trại tổng. Sản phẩm của họ được Vinamit bao tiêu nếu đúng tiêu chuẩn.
Nói đơn giản, tôi sẽ là nhà đầu tư và các kỹ sư trẻ ấy là chủ doanh nghiệp. Tôi giao đất, cung cấp tài nguyên, đào tạo và cho họ quyền tự chủ, sáng tạo. Quá trình nghiên cứu, làm việc của các bạn trẻ ấy đều được ghi lại bằng các ứng dụng kĩ thuật số để dùng làm giáo án điện tử cho việc đào tạo các thế hệ kỹ sư kế cận.
- Dường như trong việc này, ông đang có một tham vọng lớn hơn?
- Để nông nghiệp Việt Nam tiếp cận đến những giá trị cao nhất, tôi cần có thật nhiều nhân lực nhận thức được sự đúng đắn và quyết tâm theo đuổi nông nghiệp hữu cơ. Thực tế, công tác đào tạo kỹ sư nông nghiệp ở Việt Nam không theo định hướng này. Mỗi lứa kỹ sư, tôi mất ít nhất 3 năm đào tạo lại. Nếu tham gia ngay từ đầu, tôi sẽ giúp những bạn trẻ ấy đỡ mất thời gian.
Chúng tôi đang xúc tiến để có thể vận hành mô hình đào tạo trung cấp, cao đẳng chuyên ngành. Ngôi trường tương lai ấy sẽ được đặt ở Đà Lạt, vùng đất thuận lợi nhất ở Việt Nam trong phát triển nông nghiệp hữu cơ.
- Nghĩa là, ông sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc đào tạo?
- Nông nghiệp đích thực không có chuyện thần tốc mà đòi hỏi những người theo đuổi nó phải thuận tự nhiên, phải biết dành thời gian, mùa nào thức ấy. Như đã nói, Covid-19 đang cho chúng ta cơ hội đó. Tăng trưởng sẽ chậm lại, nhưng lại tạo không gian cho sự phát triển mạnh mẽ ở tương lai. Tôi tin và chờ đợi điều đẹp đẽ ấy.
- Xin cảm ơn ông vì những trao đổi này!