Khuyến cáo này được TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đưa ra tại cuộc họp trực tuyến với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19), sáng 17/6.
Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, thực trạng nguồn cung vaccine, các kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch và nhu cầu tiếp cận với vaccine trong thời gian tới.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ Việt Nam quyết tâm và nỗ lực đẩy nhanh triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Ảnh: VGP. |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của WHO trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19, đồng thời cảm ơn WHO và Văn phòng WHO tại Việt Nam đã hỗ trợ tích cực Việt Nam trong hơn một năm rưỡi qua kể từ khi đại dịch bùng phát.
Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam quyết tâm và nỗ lực đẩy nhanh triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng, qua đó giúp sớm nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội và đảm bảo sức khoẻ, an sinh xã hội cho người dân.
Nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vaccine, Phó thủ tướng đề nghị WHO thúc đẩy chuyển giao sớm vaccine trong chương trình COVAX cho Việt Nam, tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine khu vực, qua đó đóng góp vào những nỗ lực chung nhằm hỗ trợ các nước khu vực tiếp cận kịp thời với nguồn vaccine.
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai đánh giá cao biện pháp ứng phó dịch bệnh hiệu quả của Việt Nam. Ông cho rằng thành công của Việt Nam có được là nhờ sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo cấp cao, việc truyền thông hiệu quả về các biện pháp phòng, chống dịch để bảo đảm sự tham gia, tuân thủ nghiêm ngặt của toàn thể nhân dân.
Theo ông, Việt Nam đã và đang là tấm gương điển hình về ứng phó Covid-19 tại khu vực. Ông cũng đánh giá cao cách tiếp cận đúng đắn và hiệu quả của Việt Nam đối với vaccine thể hiện qua hai phương thức.
Thứ nhất là cách tiếp cận 5K+vaccine, coi vaccine là công cụ quan trọng giúp kiểm soát dịch bệnh, nhưng không thể dựa hoàn toàn vào vaccine, mà cần kết hợp chặt chẽ với các biện pháp phòng chống dịch khác.
Thứ hai, là sự đầu tư đều đặn cho phòng chống dịch, đặc biệt là việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và thúc đẩy hợp tác công - tư (PPP) trong việc tìm kiếm, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine.
Việt Nam và WHO nhất trí tăng cường hợp tác, trao đổi chính sách, quy định an toàn về tiêm chủng, phát huy tối đa vai trò của WHO trong hỗ trợ các quốc gia phòng chống dịch bệnh. Ảnh: VGP. |
TS. Takeshi Kasai khuyến nghị các quốc gia cần tiếp tục thắt chặt các biện pháp quản lý dịch bệnh, không được chủ quan nới lỏng quản lý, kể cả khi phần lớn dân số đã được tiêm phòng.
Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cam kết tiếp tục hỗ trợ, sát cánh cùng Việt Nam trong ứng phó với dịch bệnh; sẽ thúc đẩy chuyển giao sớm nhất nguồn vaccine trong cơ chế COVAX cho Việt Nam; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, xem xét khả năng hợp tác để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine khu vực.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác, trao đổi chính sách, quy định an toàn về tiêm chủng, phát huy tối đa vai trò của WHO trong hỗ trợ các quốc gia phòng chống dịch bệnh.
Nhân dịp này, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với các nỗ lực chung; đồng thời cảm ơn Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân nhiễm Covid-19 là chuyên gia của WHO.