Làm sao loại bỏ dịch Covid-19 ở Việt Nam sớm nhất và đạt tác dụng tương đương như miễn dịch cộng đồng sớm nhất trong điều kiện thiếu vaccine toàn cầu?
Giáo sư (Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) nêu vấn đề và chia sẻ chiến lược tiêm vaccine lan tỏa từ các đối tượng và khu vực có nguy cơ cao nhất với tính toán: Tổng số vaccine cần mua năm 2021 khoảng 56,6 triệu liều (mỗi người được tiêm 2 lần) - chỉ bằng 41,6% nhu cầu mua cho 70% dân số Việt Nam (136 triệu liều).
Theo ông, chiến lược này giúp chúng ta nhanh chóng dập dịch trong cả nước, tạo miễn dịch cộng đồng ở tất cả địa phương đang có dịch; kiểm soát, đảm bảo lây nhiễm thấp trong cả nước 6 tháng cuối năm 2021. Đồng thời, nó còn giúp tiết kiệm được kinh phí và tránh được áp lực phải tìm mua một lượng lớn vaccine đang rất khan hiếm trên thế giới hiện nay.
Zing ghi lại đề xuất của ông.
Lây nhiễm cộng đồng được xác định qua chỉ số: Trong một triệu dân có bao nhiêu người đang bị nhiễm Covid-19, là nguồn lây nhiễm tiếp tục cho người khác. Những người bị nhiễm được phát hiện được đưa vào bệnh viện, một số chưa được phát hiện vẫn ở trong cộng đồng. Do thông thường số chưa được phát hiện là nhỏ và không thể biết chính xác, nên số người mắc Covid-19 đang điều trị ở các bệnh viện được dùng để xác định mức độ lây nhiễm cộng đồng.
Sự phân bổ nguồn lây nhiễm cộng đồng không đồng đều trên thế giới
Ngày 27/1/2020, bình quân trên thế giới chỉ có một người mắc Covid-19 đang được điều trị/một triệu dân. Ngày 11/3/2020, khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố “lây nhiễm Covid-19 đã trở thành dịch toàn cầu, thì bình quân có 10 người mắc Covid-19 đang được điều trị/một triệu dân.
Từ đó đến nay số người đang điều trị/một triệu dân không ngừng tăng lên, phản ánh dịch Covid-19 đang lan rộng, bùng phát toàn thế giới. Ngày 24/1, làn sóng lây nhiễm toàn cầu đạt đỉnh. Số người đang điều trị/một triệu dân là 2.461, sau đó giảm nhẹ rồi lại tăng đạt đỉnh vào 30/4, sau đó tiếp tục giảm, song còn ở mức cao là 2.003 người đang được điều trị/một triệu dân vào ngày 23/5.
Tuy nhiên, có một thực tế là việc phân bổ người lây nhiễm - số người đang được điều trị trên thế giới rất không đồng đều giữa các nước và châu lục.
Châu Mỹ chỉ chiếm 13,1% dân số thế giới, song lại có tới 48,7%, tức gần 50% số người mắc Covid-19 đang được điều trị. Châu Á chiếm 58,2% dân số thế giới, có 28,68% số người đang được điều trị.
Đáng chú ý, châu Phi chiếm 16,9% dân số thế giới nhưng chỉ có 1,9% số người đang được điều trị toàn cầu. Nếu tính chung cả châu Mỹ và châu Âu, thì hai lục địa giàu nhất, có GDP/người bằng khoảng 2,4 - 2,5 lần bình quân của thế giới, chiếm chưa tới 1/4 dân số thế giới (23,9%), song lại chiếm gần 70% số người đang điều trị - nguồn lây nhiễm toàn cầu.
Nếu phân chia các nước mắc Covid-19 theo mức lây nhiễm cộng đồng, ở 4 mức: Nước không có dịch, có dịch nhẹ, có dịch trung bình và dịch nặng sẽ thấy càng rõ sự phân bổ không đồng đều nguồn lây nhiễm.
Qua số liệu trên ta thấy, các nước không có dịch chiếm 22,9% dân số thế giới, song chỉ có 0,01% số người đang điều trị; 43 nước có dịch nặng, chiếm 13,7% dân số thế giới, có đến 63% tổng số người đang điều trị. Còn 51 nước có dịch trung bình, chiếm gần 30% dân số và 32% số người đang điều trị. 100 nước dịch nhẹ, chiếm 33,3% dân số thế giới, nhưng chỉ có 4,58% số người nhiễm đang điều trị của toàn cầu.
Đặc biệt, 95,4% số người đang được điều trị - nguồn lây nhiễm toàn cầu nằm ở 94 nước có dịch trung bình và dịch nặng, với dân số chiếm 43,4% toàn cầu; còn 4,6% người đang được điều trị còn lại của thế giới nằm ở 126 nước không có dịch và dịch nhẹ, với dân số bằng hơn 56% toàn thế giới.
Tiêm chủng hiệu quả trong tình trạng thiếu vaccine toàn cầu
Với dân số thế giới khoảng 7,7 tỷ người, nếu tiêm chủng 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng thì cần khoảng 5.400 triệu liều vaccine mỗi lần tiêm. Nếu trong năm 2021 tiêm bình quân ít nhất 2 lần (có thể phải 3 lần ở một tỷ lệ dân cư nếu đã tiêm xong 2 lần trong 6 tháng đầu năm 2021), thì cần khoảng 10,8 tỷ liều vaccine. Đến ngày 26/5, cả thế giới mới sản xuất và phân phối được gần 1,78 tỷ liều - khoảng 23% nhu cầu nói trên.
So sánh với dân số thế giới, đến ngày 12/5, mới có 8,6% dân số thế giới tiêm đủ 2 liều vaccine.
Nếu ước lượng số vaccine được sản xuất và phân phối 6 tháng đầu năm 2021 là 2 tỷ liều và 6 tháng cuối năm 2021 tăng gấp đôi, thì cả năm 2021 thế giới có khoảng 6 tỷ liều - mới đáp ứng hơn 55% nhu cầu dự báo nói trên, tức là chỉ đủ tiêm cho 39% dân số thế giới.
Vì vậy, bài toán đặt ra với thế giới là: Làm sao có thể kết thúc dịch Covid-19 toàn cầu sớm nhất, khi rất thiếu vaccine trong năm 2021 để tiêm đủ 70% dân số thế giới?
Xuất phát từ thực tế nguồn lây nhiễm Covid-19 của thế giới phân bố không đồng đều theo dân số ở tất cả quốc gia mà tập trung hơn 95% ở 94 nước chỉ chiếm hơn 43% dân số thế giới, ngày 17/4, tôi đã đề xuất với Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) một chiến lược tiêm chủng vaccine không dàn đều mà tương thích với sự phân bổ các nguồn lây nhiễm toàn cầu, với các nội dung chính như sau:
1. Ở tất cả quốc gia phải tiêm chủng vaccine cho các đối tượng rủi ro lây nhiễm cao (người làm việc trong ngành y tế, hải quan, quân đội, điều khiển phương tiện vận tải, người tham gia lực lượng phòng chống dịch trực tiếp, người phải ra nước ngoài và người có bệnh lý nền có nguy cơ cao), số này ước lượng khoảng 10% dân số.
2. Ở các nước có dịch nhẹ và không có dịch cũng như nơi chưa thể tiêm chủng ở các nước khác cần áp dụng triệt để biện pháp phòng chống dịch không dùng vaccine đã thể hiện hiệu quả trong thời gian qua (2020, 2021).
3. Các nước có dịch nhẹ tiêm chủng thêm 10% dân số là người ở các vùng có dịch nặng ở các nước này để giảm nhanh số người bị nhiễm ở các nước đó.
4. Các nước có dịch trung bình và nặng, tiêm chủng 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng năm 2021.
Với cách tiếp cận này, tương ứng với phân bổ nguồn lây nhiễm toàn cầu ngày 12/5, thì nhu cầu vaccine cho một đợt tiêm ở các nước không có dịch là: 177 triệu liều; các nước có dịch nhẹ là 514 triệu liều; các nước có dịch trung bình là 1.601 triệu liều và các nước có dịch nặng là 740 triệu liều. Tổng cộng là 3.032 triệu liều. Nếu so với dân số toàn thế giới thì bằng hơn 39%.
Nếu mỗi công dân tiêm đủ 2 liều thì cần khoảng 6.064 triệu liều, bằng số vaccine dự kiến có thể sản xuất năm 2021 là khoảng 6 tỷ liều. Tức là chúng ta có thể chấm dứt dịch Covid-19 ở các nước có dịch nặng và trung bình trong năm 2021; giảm đáng kể dịch ở các nước có dịch nhẹ và giảm lây nhiễm ở các nước không có dịch trong năm 2021 mà chỉ cần tiêm cho khoảng 40% dân số thế giới. Sang năm 2022, mở rộng tiêm chủng theo nhu cầu ở các nước hiện nay có dịch nhẹ và không có dịch.
Kiến nghị chiến lược tiêm vaccine ở Việt Nam
Trong thời gian từ 2/2020 đến 30/4/2021, số người đang điều trị/một triệu dân của Việt Nam chưa bao giờ vượt mức 3,9 người - thấp hơn nhiều ngưỡng có dịch là 10 người/một triệu dân. Vì vậy Việt Nam là nước có lây nhiễm Covid-19, đã trải qua 3 làn sóng lây nhiễm, song không có dịch.
Để việc phòng dịch có hiệu quả, giải quyết hài hòa yêu cầu chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, cần phân loại mức lây nhiễm của các địa phương để có các giải pháp phòng chống dịch hợp lý và làm công tác dự báo việc lây nhiễm ở các địa phương cũng như cả nước.
Việc phân loại trạng thái lây nhiễm cộng đồng khi chưa có dịch thành 4 mức:
- Không có người lây nhiễm (số người đang được điều trị/một triệu dân = 0)
- Lây nhiễm nhẹ, nguy cơ thấp trở thành có dịch (số người đang được điều trị/một triệu dân không quá 5 người)
- Lây nhiễm trung bình, nguy cơ ở mức trung bình trở thành có dịch (số người đang được điều trị/một triệu dân: 5-8 người)
- Lây nhiễm cao, nguy cơ cao trở thành có dịch (số người đang được điều trị/một triệu dân: 8-10 người)
Như vậy, tình hình lây nhiễm ở Việt Nam đến ngày 29/5 có thể tóm tắt như sau:
Có 18 tỉnh, thành phố có dịch nhẹ, với số người điều trị/một triệu dân từ 10,5 đến 1.121 người. Trong đó, 3 tỉnh, thành phố là Bắc Giang, Bắc Ninh và Đà Nẵng là 3 địa phương có dịch nhẹ, với số người đang điều trị/một triệu dân cao nhất cả nước, tức là có lây nhiễm cộng đồng cao nhất: Một triệu dân bình quân có 683 người đang được điều trị.
15 tỉnh, thành phố còn lại đang có dịch nhẹ, số người đang điều trị/một triệu dân bình quân có gần 27 người (từ 10,5 đến 94,7 người).
Có 30 tỉnh, thành phố có lây nhiễm, song chưa có dịch với số người đang điều trị/một triệu dân bình quân là gần 3 người và 15 tỉnh hiện nay không có lây nhiễm.
Như vậy, tương tự như phân bổ nguồn lây nhiễm Covid-19 ở trên thế giới, nguồn lây nhiễm ở Việt Nam phân bổ rất không đồng đều. Từ số liệu trên ta có sơ đồ phân bổ nguồn lây nhiễm và tương quan với dân số các tỉnh có người lây nhiễm trong hình sau.
Do tình hình thiếu vaccine trên thế giới mà Việt Nam cũng rất thiếu vaccine. Để tạo miễn dịch cộng đồng cần tiêm ít nhất cho 70% dân số. Tức là mỗi đợt tiêm cần khoảng 68 triệu liều vaccine và hai đợt tiêm cần khoảng 136 triệu liều.
Hiện nay, hơn một triệu người Việt Nam đã tiêm mũi 1, chiếm hơn 1% dân số và hơn 28.500 người đã tiêm mũi 2 (khoảng 0,03% dân số).
Số vaccine đã về đến Việt Nam là 2,898 triệu liều. Như vậy, sau khi tiêm lần 2 cho hơn một triệu người đã tiêm một mũi thì còn khoảng 0,9 triệu liều, đủ tiêm cho 0,45 triệu người 2 mũi.
Tổng số người tiêm đủ 2 mũi sẽ khoảng gần 1,5 triệu người, chiếm 1,55% dân số. Số vaccine đang đặt hàng cho cả năm 2021 khoảng trên 100 triệu liều, song thời hạn cung cấp không cam kết đảm bảo đúng theo kế hoạch. Như vậy bài toán đặt ra với Việt Nam là: Làm sao loại bỏ dịch Covid-19 ở Việt Nam sớm nhất và đạt tác dụng tương đương như miễn dịch cộng đồng sớm nhất trong điều kiện thiếu vaccine toàn cầu?
Trên cơ sở chiến lược tiêm chủng vaccine không dàn đều mà tương thích với phân bổ các nguồn lây nhiễm, tôi đề xuất “Chiến lược tiêm vaccine lan tỏa từ các đối tượng và khu vực có nguy cơ cao nhất” ở Việt Nam với 5 nội dung chính và lộ trình như sau:
1. Tiêm vaccine cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao của Việt Nam (nhân viên y tế, hải quan, công an, quân đội, lực lượng phòng chống dịch trực tiếp, người điều khiển phương tiện giao thông vận tải, người phải ra nước ngoài, người có bệnh lý nền phức tạp…).
Ngoài ra cần tiêm chủng cho cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị (thường xuyên tiếp xúc với nhân dân) để hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả, an toàn vì đất nước. Ở Việt Nam có thể ước nhóm đối tượng này khoảng 2 triệu người.
2. Nơi nào chưa tiêm vaccine thì áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam và các nước đã áp dụng hiệu quả thời gian qua.
3. Ngay bây giờ tập trung tiêm vaccine cho Bắc Giang, Bắc Ninh và Đà Nẵng - 3 địa phương có lây nhiễm cộng đồng cao nhất cả nước (từ hơn 200 người đến hơn 1.100 người đang điều trị/một triệu dân), với dân số chỉ chiếm 4,48% dân số cả nước, song lại có hơn 74% tổng số người đang điều trị.
Việc tiêm cho 3 địa phương này nên làm ngay trong quý II và đầu quý III/2021.
4. Sau đó, tiêm vaccine cho 15 tỉnh, thành phố hiện nay đang có dịch nhẹ, chiếm 34,46% dân số cả nước và 22,46% số người đang điều trị cả nước. Trong 15 tỉnh thành này có tất cả các địa phương của cả nước có số công nhân ở các khu công nghiệp trên 100.000 người (Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Long An, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Thái Nguyên).
Nếu tính cả số công nhân ở các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh và Đà Nẵng thì số công nhân ở các khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao ở 12 tỉnh, thành này sẽ là khoảng 2,7 triệu người, chiếm 75% tổng số lao động trong các khu công nghiệp cả nước. 2,7 triệu lao động này ở các khu công nghiệp của 12 tỉnh, thành phố cần được ưu tiên tiêm trước ở mỗi địa phương. Lao động của các doanh nghiệp làm việc trong các văn phòng nên được ưu tiên tiếp theo.
Nếu tiêm cho 70% dân số của 15 tỉnh, thành phố này thì cần tiêm cho 23,34 triệu người (33,347 triệu x 0,7). Việc tiêm này nên làm vào cuối quý III, đầu quý IV/2021.
5. Năm 2022, khi ta sản xuất được vaccine hoặc đặt hàng được nhiều hơn thì có thể tiêm đại trà cho 45 tỉnh, thành phố còn lại theo nhu cầu thực tế lúc đó. Khi tác dụng lây nhiễm cộng đồng của hơn 96% nguồn lây nhiễm của cả nước ở 18 địa phương trên đã bị loại trừ và người dân ở đây đã được tiêm vaccine thì khả năng lây từ các địa phương này cho 45 tỉnh, thành phố còn lại đang không có dịch và không có người lây nhiễm sẽ rất thấp.
Vì vậy trong năm 2021, các địa phương này hoàn toàn có thể kiểm soát tốt lây nhiễm ở quy mô nhỏ mà chưa cần tiêm vaccine cho 70% dân cư.
Như vậy, lượng vaccine cần thực tế cho Việt Nam năm 2021 để loại bỏ dịch Covid-19 và tạo miễn dịch cộng đồng ở tất cả 18 tỉnh, thành phố hiện nay có dịch và kiểm soát, đảm bảo lây nhiễm thấp toàn quốc là:
- Tiêm cho các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao: 2 triệu người (quý II/2021)
- Tiêm cho 3 tỉnh, thành phố đang có dịch nặng nhất (Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng): 3 triệu người (quý II và quý III/2021)
· Tiêm cho 15 tỉnh, thành phố đang có dịch nhẹ: 23,34 triệu người (quý III và quý IV/2021).
Tổng cộng cần tiêm cho: 28,3 triệu người, bằng 29,4% dân số Việt Nam.
Như vậy tổng số vaccine cần mua năm 2021 khoảng: 56,6 triệu liều (mỗi người được tiêm 2 lần), chỉ bằng 41,6% nhu cầu mua cho 70% dân số Việt Nam (136 triệu liều).
Một “chiến lược tiêm vaccine lan tỏa từ các đối tượng và khu vực có nguy cơ cao nhất” như vậy sẽ giúp chúng ta nhanh chóng dập được dịch trong cả nước, tạo được miễn dịch cộng đồng ở tất cả địa phương đang có dịch; kiểm soát, đảm bảo lây nhiễm thấp trong cả nước 6 tháng cuối năm 2021.
Đồng thời, tiết kiệm được kinh phí và tránh được áp lực phải tìm mua một lượng lớn vaccine đang rất khan hiếm trên thế giới hiện nay.
Loạt biện pháp mạnh được Chính phủ triển khai để chống dịch
Chủ động tấn công, tăng cường xét nghiệm, thực hiện bằng được chiến lược vaccine, chống dịch quyết liệt nhưng đảm bảo mục tiêu kép… là những chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ.
Thủ tướng: Tổng tiến công toàn diện, toàn lực để dập dịch
Nhắc lại tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng yêu cầu “phải tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa” để khoanh vùng, dập dịch.
Thủ tướng: 'Mục tiêu những ngày tới là đẩy lùi dịch bệnh ở Bắc Giang'
Đưa ra phương châm chống dịch mới, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ngay các biện pháp công nghệ để quản lý người lao động, nhất là công nhân.
Ý kiến bạn đọc (5)
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
L
NH
L
LN
LK
Xem thêm bình luậnLuuTruong 14:45 15/06/2021
Phân tích khoa học, cách nhìn thực tế. Tôi ý kiến thêm nên tiêm đủ 2 liều cho các đối tượng ưu tiên, đồng thời tiến hành tiêm chủng thep 5 bước như ý kiến nhưng cần đưa 2 thành phố HN và tp HCM vào loại ưu tiên số 1 vì 2 nơi này mật độ giao thông trong nước và quốc tế cao nhất nước và cũng là trọng điểm kinh tế của Việt Nam.
Trả lời • 2 • 0
Nguyễn Văn Hùng 03:27 01/06/2021
Nhưng thực tế, do vừa có dịch lây rộng trong cộng đồng, có dân số đông nhất nước, là đầu mối giao thương nhộn nhịp nhất nước, đầu tầu kinh tế... cần coi TPHCM là địa phương ưu tiên tiêm vaccine nhanh và rộng hơn bất cứ nơi nào?
Trả lời • 5 • 1
LuuTruong 14:55 15/06/2021
Rất đúng, nhưng cần đưa 2 tp HN và TpHcm vào ưu tiên 1 vì cả 2 tp này là nơi có mật độ giao thông trong nước và ngoài nước rất cao và là 2 trọng điểm kinh tế của cả nước.
Trả lời • 3 • 0
Long Nguyễn 03:28 01/06/2021
Một nghiên cứu hết sức tỉ mỉ và khoa học, một đề xuất hợp lý và đúng lúc. Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe!
Trả lời • 3 • 2
Lm Kts 03:45 01/06/2021
Suy nghĩ như vậy rất đúng.
Trả lời • 3 • 2