Kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh sáng 29/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tình hình tổng thể đang được kiểm soát, song cục bộ tại một số địa phương đang có rất nhiều khó khăn, diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, điển hình như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM và một phần Hà Nội.
Qua lắng nghe ý kiến của các tỉnh, thành, Thủ tướng nhận định cuộc họp đã giúp đánh giá được tình hình dịch, rút ra các bài học kinh nghiệm, và đưa ra mục tiêu, giải pháp, tư tưởng chỉ đạo để chống dịch trong giai đoạn tới.
Chủng virus mới nguy hiểm, khó kiểm soát
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý thêm chủng virus lần này rất nguy hiểm và phức tạp, gây thiệt hại và khó kiểm soát hơn. Đáng lưu ý, đã có lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp và ngược lại; xuất hiện lây nhiễm từ hoạt động đông người, tôn giáo.
Thủ tướng đưa ra nhiều nguyên nhân dẫn đến diễn biến dịch như hiện nay, trong đó có việc một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch thì lơ là, mất cảnh giác, chủ quan. Một số không nắm chắc tình hình, không đánh giá đúng tình hình, không đưa ra biện pháp phù hợp, giải quyết ngay từ đầu, từ sớm, từ xa.
Trong khi đó, một bộ phận nhân dân lơ là, chủ quan, thiếu nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch nên tạo ra sự lây lan rất nhanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý thêm chủng virus lần này rất nguy hiểm và phức tạp, gây thiệt hại và khó kiểm soát hơn. Ảnh: VGP. |
Đề cập nhiều giải pháp đã triển khai, Thủ tướng cho biết các nguồn lực con người, vật chất đã được huy động. Những khó khăn về cơ chế, chính sách và vướng mắc đã được tháo dỡ.
Chiến lược vaccine được thúc đẩy quyết liệt, tích cực. Công tác chống dịch phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, trong đó lấy tấn công làm trọng tâm.
Từ thực tế đã nêu, Thủ tướng nêu nhiều bài học kinh nghiệm.
Trước hết, nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt và hiệu quả. Thứ hai, tổ chức nghiêm túc, thực hiện các quy định nhưng vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào từng điều kiện cụ thể để huy động mọi nguồn lực. Thứ ba là khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Thứ tư là tập trung tháo gỡ ngay những vướng mắc.
Người đứng đầu Chính phủ quán triệt mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Cùng với đó là kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt dịch bệnh đang bùng phát, nhất là ở các địa phương, địa bàn trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Hà Nội, các khu công nghiệp.
Bộ trưởng Y tế báo cáo tình hình dịch bệnh trên cả nước tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 29/5. Ảnh: VGP. |
Nhắc lại tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng yêu cầu “phải tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa” để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải nắm chắc và dự báo tốt tình hình; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công.
“Phòng ngừa là cơ bản, chiến lược lâu dài và mang tính quyết định, nhưng tấn công chính là đột phá”, Thủ tướng nói và nhắc nhở không lơ là, chủ quan khi chưa có dịch, nhưng cũng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh khi có dịch dẫn đến các quyết định kém hiệu quả.
“Không lo lắng, hốt hoảng quá mà phải tỉnh táo, thông minh, sáng tạo, linh hoạt, chủ động để vượt qua khó khăn, khẳng định tinh thần tự lực tự cường. Đặc biệt, tránh khuynh hướng khó khăn thì mất đoàn kết, đổ lỗi, phân tán lực lượng”, Thủ tướng nhắc nhở và lưu ý càng khó, phức tạp càng phải đoàn kết, thống nhất.
Ông đề nghị xử lý nghiêm những tư tưởng, hành động biểu hiện lợi dụng việc phòng, chống dịch hay xuyên tạc, chống phá, làm mất trật tự khiến người dân hoang mang lo sợ.
Tháo gỡ khó khăn cho địa phương với phương châm "3 không"
Cuối cùng, nói về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình, đưa ra các quyết định có hiệu quả, đặc biệt, chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Ông cũng yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện thể chế, quy định, quy trình chống dịch có căn bản, hệ thống, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. "Quy định phải hoàn thiện, biên soạn thành lý luận để phát huy, không bị động, lúng túng", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ tháo gỡ khó khăn cho các địa phương với phương châm "3 không": Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn lực; và không nói thiếu cơ chế, chính sách, cơ sở, vật chất, phương tiện, sinh phẩm, thuốc men...
Thủ tướng Phạm Minh Chính họp cùng các lãnh đạo tỉnh, thành về chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Về chiến lược vaccine, Thủ tướng yêu cầu bằng mọi cách phải tiếp cận vaccine qua các biện pháp ngoại giao, qua doanh nghiệp, phát huy tính chủ động... Đồng thời, Việt Nam phải sớm nghiên cứu sản xuất trong nước. Ba là bằng mọi biện pháp tìm mua các công nghệ sản xuất vaccine, Thủ tướng giao Bộ Công an và Bộ Quốc phòng làm việc này.
Bên cạnh đó, ông nhận định việc tuyên truyền tiêm vaccine phải theo thứ tự ưu tiên, hợp lý, hiệu quả cho các địa bàn trọng điểm.
Về các biện pháp chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh biện pháp 5K + vaccine + các giải pháp công nghệ. Ông yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện ngay giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch này.
Ông cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh cư trú trái phép. Ngoài ra, ông kêu gọi huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức để mua vaccine và xây dựng quỹ phòng chống Covid-19.
Về khu công nghiệp, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe, tinh thần cho người lao động. Bộ Y tế cần huy động mọi nguồn lực, bao gồm cả trường y, để hỗ trợ.
Cuối cùng, Thủ tướng khẳng định trong quá trình phòng chống dịch vẫn phải tổ chức sản xuất, kinh doanh, nhất là các khu công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ.
Lãnh đạo Chính phủ kêu gọi toàn dân phối hợp với lực lượng chức năng để phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe, đời sống nhân dân một cách tốt nhất.