Hội nghị diễn ra sáng 29/5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, được kết nối trực tuyến đến điểm cầu của UBND 63 tỉnh, thành và tại những huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tình hình mới, diễn biến mới phức tạp hơn của dịch bệnh đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn mới có thể kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh, đặc biệt tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch phải tập trung, trách nhiệm với tinh thần tổng lực, toàn diện, tập trung trí tuệ, thời gian, công sức.
Đa chủng lây nhiễm
Lý giải nguyên nhân khiến dịch diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đặc điểm dịch tễ của đợt dịch này có một số vấn đề khác, như đa ổ dịch, đa hình thái và đa chủng lây nhiễm.
Đa ổ dịch tức là cùng thời điểm xuất hiện nhiều ổ dịch khác nhau tại các địa phương. Đa hình thái, theo ông Long, nghĩa là có hình thái nổi trội lây nhiễm trong khu công nghiệp, sau đó lây nhiễm từ khu công nghiệp vào khu dân cư và ngược lại.
Còn đa chủng, Bộ trưởng Y tế giải thích hiện có 2 chủng phổ biến là chủng của Ấn Độ và chủng của Anh; trong đó, chủng của Ấn Độ phổ biến nhất, trong khi chủng của Anh chỉ có ở Đà Nẵng và một số địa phương.
“Chúng tôi đã phát hiện một chủng mới có sự lai tạo giữa chủng của Ấn Độ và Anh. Nghĩa là trên chủng Ấn Độ xuất hiện đột biến gene chủng của Anh, cái này rất nguy hiểm; tới đây chúng tôi sẽ công bố trên bản đồ gene của thế giới”, ông Long cho hay.
Virus đợt này lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có một vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng; do đó, điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sáng 29/5. Ảnh: VGP. |
Tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang, do mật độ công nhân đông, không gian nhà máy hẹp, khép kín, dùng chung nhà vệ sinh, ăn uống tập trung, đi xe chung, ở chung khu nhà trọ, tỉnh sẽ kiểm soát được dịch nhưng không thể trong thời gian ngắn.
Tại Bắc Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long quan ngại việc lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp có xu hướng phức tạp hơn. Bộ Y tế nhận định và dự báo, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang cố gắng từng bước kiểm soát.
Tỉnh Bắc Giang chủ động và xây dựng phương án ứng phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm, còn Bắc Ninh là 3.000 ca nhiễm. Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TP.HCM có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng.
Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, mặc dù ghi nhận các chùm bệnh, ca bệnh khác nhau, hai địa phương triển khai rất bài bản các giải pháp để giữ vững và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng
Báo cáo thêm về việc thực hiện chiến lược vaccine, Bộ trưởng Y tế cho biết mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Tuy nhiên, ông cũng cho biết nhu cầu vaccine ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có một loại chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn thứ 3, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả nguồn vaccine phòng Covid-19 trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long báo cáo tại hội nghị sáng 29/5. Ảnh: VGP. |
Đến nay, Việt Nam đã có ký kết, cam kết khoảng hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực để mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tiến độ cung ứng vaccine cũng cần được quan tâm để các lô vaccine về sớm nhất. Bộ Y tế khẳng định ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho hai địa phương này nhanh nhất có thể. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc bảo vệ các khu công nghiệp trong bối cảnh hiện nay là rất quan trọng để bảo vệ sản xuất công nghiệp.
Xác định nguy cơ đối với các khu công nghiệp là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh chóng, khó khăn trong vấn đề kiểm soát, Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với tình huống lây nhiễm trong khu công nghiệp, lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể từng nhà máy, khu công nghiệp khi có dịch bệnh.
Đặc biệt, Bộ Y tế cho rằng phải tiến hành quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú. Các khu công nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên.
Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiệp phải được tăng cường. Cũng theo người đứng đầu ngành y tế, giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng để phòng chống dịch, các địa phương đã rất chủ động khoanh vùng, cách ly quyết liệt nhưng ở phạm vi gọn nhất có thể, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Sáng 29/5, Bộ Y tế công bố thêm 87 ca mắc Covid-19 trong nước, gồm 57 ca ở Bắc Giang, Bắc Ninh có 27 ca, Bạc Liêu, Gia Lai và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều mỗi nơi có một ca.
Các bệnh nhân ở Bắc Giang được ghi nhận trong khu cách ly và khu vực phong tỏa, liên quan công nhân làm tại khu công nghiệp.
Bạc Liêu có ca bệnh đầu tiên được xác nhận là F1 của bệnh nhân Covid-19 liên quan ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở TP.HCM.
Những bệnh nhân mới tại Bắc Ninh, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) và Gia Lai đều thuộc diện F1, liên quan ổ dịch cũ, đã được cách ly.
Từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 3.594 ca mắc Covid-19 trong nước tại 33 tỉnh, thành phố. Bắc Giang vẫn là địa phương có số lượng người mắc cao nhất với 1.881 ca, tiếp đó là Bắc Ninh có 736 ca và Hà Nội có 356 ca .
Hiện tại, số người phải cách ly là 161.445. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 5.373 người, 32.404 trường hợp được cách ly tập trung tại cơ sở khác. Cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 123.668 người.