Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Không nên đổ mọi tội lỗi lên đầu Miura’

So sánh chất lượng của lứa Công Phượng với các thế hệ đàn anh, các chuyên gia cho rằng HLV người Nhật Bản không may mắn như những người tiền nhiệm.

Cả chuyên gia bóng đá Lê Thụy Hải và Nguyễn Thành Vinh đều cho rằng HLV Miura chỉ là một trong những nguyên nhân khiến thành tích bóng đá Việt Nam không tốt thời gian qua. Điều quan trọng không kém là chất lượng của dàn cầu thủ dưới quyền HLV người Nhật cũng không thật sự ấn tượng. Thế nên, các ông này cho rằng, ngay cả Mourinho làm, thành tích của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam cũng chỉ khá lên một chút.

So sánh lứa Công Phượng, Tuấn Anh với các thế hệ đàn anh, ông Lê Thụy Hải và ông Nguyễn Thành Vinh cho rằng mọi so sánh đều khập khễnh, mỗi một thế hệ cầu thủ đều có những nét riêng, nhưng xét trên nhiều tiêu chí, lực lượng của đội tuyển hiện nay kém hơn so với các thời trước.

HLV Lê Thụy Hải: 'Đáng lẽ VFF phải sa thải Miura lâu rồi'

HLV đầy cá tính cho rằng chính những người ra quyết định thuê HLV Miura cần xem xét bản thân để tránh mắc sai lầm trong những lần thuê HLV ngoại tiếp theo cho bóng đá Việt Nam.

Vẻ buồn bã, bất lực của HLV Miura sau một trận đấu không như ý. Ảnh: Tùng Lê.

Vốn trực tính và không ngại va chạm, HLV Lê Thụy Hải nói thẳng: "Thế hệ cầu thủ U19 mà tiêu biểu là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chủ yếu là do báo chí thổi lên thôi, chứ chuyên môn khó có thể so sánh với thế hệ của Công Minh, Hồng Sơn, Huỳnh Đức, hay Văn Quyến, Quốc Vượng trước đây được. Công Phượng, Tuấn Anh chỉ hơn về mặt được nuôi dạy, được trưởng thành trong một môi trường bóng đá chuyên nghiệp, được đào tạo toàn diện cả về văn hóa tại Học viện bóng đá HAGL mà thôi."

Cũng theo vị chuyên gia này thì về độ tinh tế, lứa đàn anh như Hồng Sơn "ăn đứt" thế hệ Công Phượng. Hay gần đây hơn như trường hợp của Văn Quyến, cũng giống như Công Phượng đều đá bóng hay một cách bẩm sinh. Tuy nhiên lò đào tạo của SLNA khi đó không thể bằng lò của bầu Đức bây giờ và quan hệ quốc tế của bóng đá Việt Nam khi ấy cũng chưa được như hiện nay nên dù rất xuất sắc, dự nhiều giải đấu quốc tế, thi đấu với nhiều đối tượng nhưng những cầu thủ xuất sắc như Văn Quyến thời đó cũng không có điều kiện để xuất ngoại.

"Tôi cho rằng Công Phượng, Tuấn Anh đúng là tài sản quốc gia thật nhưng còn thiếu nhiều tố chất, chưa có gì vượt trội cả, nhất là so với các cầu thủ của bóng đá Nhật Bản hay Hàn Quốc. Thế nên chuyện hai cầu thủ này xuất ngoại có khi không chỉ đơn thuần là từ yếu tố chuyên môn, quá xuất sắc để được các CLB đó mời về. Còn ở trong nước, nếu nói đá hay, đá tốt thì phải đóng góp được cho CLB, cho đội tuyển quốc gia chứ nếu để CLB lẹt đẹt như HAGL mùa vừa rồi thì chưa nói được gì nhiều”, ông Lê Thụy Hải nói.

Ông Hải từng theo rất sát lứa Văn Quyến trước đây và từng tham dự SEA Games 2005 trong vai trò trợ lý. Theo ông, cái thiếu của lứa Công Phượng hiện nay so với đàn anh là không có sự đóng góp đều đặn ở cả cấp độ quốc gia lẫn CLB. Đồng thời, thế hệ của Quyến cũng có nhiều cầu thủ xuất sắc khác và tỏ ra đồng đều hơn hiện nay.

VFF chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với HLV Miura

Sau gần 2 năm gắn bó, VFF sẽ chia tay HLV Miura kể từ tháng 3/2016. Hội đồng huấn luyện viên quốc gia đang gấp rút tìm người phù hợp hơn cho ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2016.

Vị HLV này cũng cho rằng bóng đá Việt Nam đang ở tầm thấp và đúng là xây nhà từ nóc như ông A.Rield từng nói. Đã thế các CLB lại không chú trọng  nhiều đến công tác đào tạo trẻ trong khi lãnh đạo của VFF lại không quyết liệt để cùng với các CLB, các địa phương chăm lo cho đời sống bóng đá ngay từ chuyện sân bãi, ăn uống, dinh dưỡng đến chỗ ở của các cầu thủ.

Nhận định về lực lượng hiện nay của bóng đá Việt Nam, chuyên gia bóng đá Nguyễn Thành Vinh cũng cho rằng đội tuyển hiện nay yếu hơn nhiều so với những năm trước đây. Bởi để tìm được 1 cặp trung vệ hay, ăn ý như Như Thành - Huy Hoàng hay những cầu thủ xuất sắc ở tuyến giữa như Minh Phương, Hữu Thắng, Tài Em, Quốc Vượng là rất khó. Đấy là chưa kể đến hàng tiền đạo, khó tìm được cầu thủ xuất sắc như Văn Quyến ngày xưa. Công Vinh cũng đá tốt nhưng giờ đã lớn tuổi.

So với thế hệ vàng của Hữu Thắng, Huỳnh Đức, Công Minh, thế hệ hiện nay cũng không bằng. "Mọi so sánh đều là khập khiễng nhưng những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường cần có thêm thời gian để trưởng thành qua các giải đấu. Phải chờ sau 2-3 năm nữa khi các cầu thủ có thêm tích lũy, thêm kinh nghiệm và nếu được dẫn dắt bởi một HLV phù hợp, có cách làm đúng đắn, bóng đá Việt Nam mới có cơ hội", chuyên gia bóng đá xứ Nghệ nói.

Ngoài ra muốn đội tuyển thành công, theo ông Vinh, các cấp lãnh đạo, ngay từ VFF cũng phải có sự quan tâm đến đội tuyển, đến các cầu thủ, HLV. Ông Vinh nhớ lại: "Trước đây hồi còn chuẩn bị cho SEA Games 2003, Chủ tịch VFF khi đó là anh Mai Liêm Trực, rồi anh Trần Duy Ly trực tiếp xuống tận đội tuyển động viên các cầu thủ bằng những khoản trợ cấp riêng. Tuy nhỏ thôi nhưng ai cũng khấn khởi. Hồi đó, ông Đoàn Nguyên Đức còn tặng tiền thêm cho mỗi thành viên của đội tuyển rồi anh Nguyễn Bá Thanh cũng thưởng nóng cho đội tuyển”.

Ông Vinh vẫn còn nhớ hình ảnh người hâm mộ đứng vẫy cờ hoa suốt từ Nhổn cho tới Mỹ Đình khi đội tuyển đi thi đấu. Điều này khiến các cầu thủ và ngay cả ông A.Rield cũng tự hào, tạo khí thế thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

Cựu Trợ lý HLV đội tuyển quốc gia này cho rằng chỉ khi tạo được sự tin tưởng và lấy lại niềm tin yêu của khán giả, bóng đá Việt Nam mới mong cất cánh. Còn việc thay thế ông Miura cũng chỉ là xử lý vết thương ngoài da mà thôi.

Bóng đá VN lại giống ‘người mù dò đường’

Câu nói nổi tiếng cách đây hơn 10 năm của chuyên gia bóng đá lão làng Nguyễn Văn Vinh có vẻ đúng với bóng đá Việt Nam thời điểm này.

 




Vy Khanh

Ảnh: Nguyễn Quang

Bạn có thể quan tâm