Cho tới nay, VFF vẫn chưa gia hạn hợp đồng với HLV Miura. Điều đó cho thấy HLV người Nhật Bản đang đứng trước khả năng sẽ sớm trở về quê hương.
Sau 2 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, cái mà ông Miura để lại là một đội tuyển không định hình được lối chơi và một lứa cầu thủ tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường suýt bị thui chột.
Sau 2 năm thử nghiệm với Miura bóng đá Việt Nam lại loay hoay tìm đường đi mới . Ảnh: Tùng Lê. |
Khi "dọn đường" cho HLV Miura sang Việt Nam, chủ tịch mới đắc cử của VFF khi đó là ông Lê Hùng Dũng từng phát biểu, đại ý rằng bóng đá Việt Nam từng loay hoay với đủ các trường phái bóng đá, Brazil có, Đức có, Anh có, Pháp có, Bồ Đào Nha có, Áo có nhưng cuối cùng vẫn chưa tìm được lối đá phù hợp cho đội tuyển.
Với chủ trương đổi mới, chủ tịch VFF cho rằng thời điểm hiện tại bóng đá VN nên tìm một HLV người Nhật Bản. Lý do ông Dũng đưa ra là bóng đá Nhật Bản đề cao kỷ luật, sự chuyên nghiệp, bài bản và đặc biệt cùng là một quốc gia châu Á, các HLV Nhật Bản sẽ thích hợp và thuận lợi hơn một HLV châu Âu.
Ông Dũng cũng lấy sự thành công của bóng đá Nhật làm tấm gương vươn lên cho bóng đá Việt Nam. Thế là cùng một lúc bóng đá Việt Nam "rước" về tới 2 HLV Nhật Bản cho hai đội tuyển bóng đá quốc gia nam, nữ.
Công cuộc “Nhật Bản hóa” bóng đá Việt Nam bắt đầu và kết quả như thế nào thì mọi người đã biết. Ở đội tuyển nữ, ông Takashi đã sớm về nước sau 8 tháng dẫn dắt đội tuyển nữ mà như nhận xét của nhiều nữ tuyển thủ, vốn chỉ biết yên phận là "ông ấy chẳng biết gì". Nhận định đó minh chứng cho lý lịch chỉ là giáo viên thể dục của ông Takashi.
HLV Takashi bị cắt hợp đồng sau khi bộc lộ nhiều hạn chế về chuyên môn. |
Còn với HLV Miura thì cho tới giờ khó ai có thể kiên nhẫn với ông ấy hơn được nữa. Có thể nói những điều ông Dũng nói về bóng đá Nhật, bài học từ bóng đá Nhật và sự hợp tác với bóng đá Nhật khi ấy không sai nhưng tại sao khi lắp ráp hai HLV cụ thể người Nhật Bản vào Việt Nam thì giờ sau 2 năm, chúng ta lại trở về vạch xuất phát và tiếp tục loay hoay với bài toán cũ?
HLV Lê Thụy Hải từng ngã ngửa khi sang Nhật Bản hỏi các chuyên gia bóng đá thì chẳng ai biết ông Miura là ai. Chuyên gia bóng đá Lê Thế Thọ cũng từng đưa ra ý kiến là phải thử việc ông Miura vì vị HLV này chưa có thành tích gì ở Nhật Bản, chưa trải qua công tác huấn luyện ở J.League.
Nhưng hợp đồng với ông Miura đã vội vã được ký với thời hạn 2 năm và ông Takashi cũng vậy. Thế nên có thể nói rằng chủ trương thì đúng nhưng cách làm ở đây, con người được lựa chọn ở đây là chưa phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Và đó sẽ là bài học cho việc ký hợp đồng với các HLV sau đó. Có thể nói cái sai ở đây không phải là chủ trương mà sai là ở sự lựa chọn từng con người cụ thể để thực hiện chủ trương đó.
Đúng là trước đây chúng ta từng loay hoay với đủ loại trường phái, nhưng ít ra ông Riedl còn để lại một thế hệ làm nền tảng cho những thành công lớn nhất của BĐVN, còn ông Calisto cũng để lại lối chơi nhanh, nhỏ, nhuyễn cùng chức vô địch AFF Cup.
Vậy HLV Miura để lại gì? Ngoài việc bóng đá Việt Nam lại phải mất thêm 2 năm thử nghiệm với vô số thất bại và ngày càng cách xa cái đỉnh của khu vực là bóng đá Thái Lan, chúng ta còn đánh mất 2 năm bứt phá của một thế hệ trẻ được đánh giá là tài năng nhất trong 20 năm qua là lứa Công Phượng.
Thế nên trong quá trình tìm HLV trưởng mới cho đội tuyển sắp tới, vấn đề đặt ra là chúng ta phải xác định được bóng đá Việt Nam nói chung, đội tuyển Việt Nam nói riêng thiếu gì, cần gì và phải tìm được một HLV phù hợp với tiêu chí đó rồi tiến hành thử việc trước khi ký hợp đồng chính thức.
Chỉ khi tìm được HLV phù hợp, có một cơ chế làm việc rõ ràng, hiệu quả mới mong định hình được lối chơi cho đội tuyển, tránh cảnh vừa đi vừa dò đường như hiện nay.